Chuyện ở những phường ít dân nhất

TIẾN LONG 02/03/2017 22:03 GMT+7

TTCT - Để thực hiện dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2), ba phường An Khánh, Thủ Thiêm và An Lợi Đông phải giải tỏa trắng. Sau 15 năm hiện các phường này chỉ còn vài hộ dân.

Nhiều người dân đã di dời để nhường đất cho khu đô thị mới Thủ Thiêm mọc lên -Quang Định
Nhiều người dân đã di dời để nhường đất cho khu đô thị mới Thủ Thiêm mọc lên -Quang Định


Tuy nhiên, bộ máy UBND phường vẫn phải hoạt động để phục vụ người dân có nhu cầu. Một ngày làm việc ở những phường ít dân này cũng khác với những phường khác: ít người dân đến giao dịch, ít cán bộ.

1 ngày, 5 người dân đến làm việc

Sáng thứ hai (20-2), sau buổi chào cờ, đúng 7h30, cán bộ giải quyết hồ sơ của phường chuẩn bị một ngày làm việc mới. Nhưng trái ngược với cảnh đông đúc, người dân vào ra tấp nập thường thấy ở các trụ sở phường ngày đầu tuần, sân UBND P.An Khánh vắng hoe. Phòng tiếp dân phường chỉ còn hai bộ phận tư pháp - hộ tịch và sao y - chứng thực.

Các bộ phận địa chính, kinh tế đều chuyển vào phòng riêng. Đến tận 9h vẫn chưa có người dân nào đến liên hệ.

Soạn lại hồ sơ tuần trước, chị Thảo, cán bộ sao y - chứng thực, chia sẻ: mấy năm nay dân đi hết, người đến làm thủ tục cũng thưa thớt, rải rác mỗi ngày 5-7 người.

Ngày nhiều nhất cũng chỉ khoảng 20 người, đa số là công nhân làm ở công trình lân cận đến sao y, công chứng. Còn người dân cũ của phường ngoài những hộ chuyển khẩu về chỗ ở mới, số còn lại khi cần làm các thủ tục đăng ký kết hôn, hồ sơ xin việc, khai sinh, khai tử… mới về lại phường.

“Năm 2015, từ lúc phường chuyển trụ sở về địa điểm mới nằm ngay giữa ngã tư đường, người dân các phường lân cận thấy vắng người, giải quyết hồ sơ nhanh nên cũng đến xin sao y, chứng thực cho tiện” - chị Thảo nói. Hơn 10h mới có người đầu tiên đến làm thủ tục.

Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, chủ tịch UBND P.An Khánh, cho biết trước đây cả phường có 40 cán bộ, công chức, sau đó giảm theo từng năm, giờ còn 21 người. Nhưng những tổ chức đoàn thể, hội phụ nữ, hội thanh niên, hội cựu chiến binh vẫn giữ lại người đứng đầu, chỉ không có cấp phó.

Dân số thực tế còn ít, nhưng phường còn hơn 2.000 hộ chưa chuyển hộ khẩu và tiếp nhận gần 1.000 công nhân đến thi công, trong đó có 200 công nhân lưu trú tại lán trại công trường.

Hằng năm, phường vẫn phải tổ chức những hoạt động kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ, quốc tế thiếu nhi, quốc tế phụ nữ. Nhiều người dân vẫn về tham dự. Ngày tết, phường vẫn tổ chức đoàn đi chăm lo các hộ dân khó khăn còn hộ khẩu ở phường.

“Ai cũng tưởng vắng dân thì công việc của phường sẽ rảnh rang, nhưng thật sự không phải vậy” - ông Quỳnh nói.

Ở P.An Khánh, từ khi dân di dời, biên chế công chức của phường giải tỏa trắng cũng tinh giản, mỗi cán bộ, viên chức “gánh” nhiều đầu việc hơn. Ông Phạm Quốc Thanh, cán bộ phụ trách sản xuất kinh doanh, là người kiêm nhiệm nhiều công việc nhất.

Về phường từ năm 1999, ba năm sau nhiều hộ dân phải di dời, biên chế phường cũng giảm dần, ngoài công việc chính, ông Thanh “gánh” thêm công việc thủ quỹ, văn thư lưu trữ, dân số và trẻ em. Ông Thanh nói hồi ông mới về, P.An Khánh có nhiều cơ sở kinh doanh nhất Q.2.

Ba năm sau, khi người dân lần lượt di dời thì cơ sở kinh doanh cũng ít dần, công việc kiểm tra không còn. “Lúc đông dân thì suốt ngày đi kiểm tra việc kinh doanh, ít khi có ở phường. Đến khi dân thưa thớt, ở văn phòng nhiều nhưng phải ôm thêm việc.

Nặng việc nhất là công tác bảo hiểm y tế, người dân dù di dời gần hết nhưng những hộ chưa cắt khẩu vẫn về lại phường đăng ký mua bảo hiểm” - ông Thanh giải thích.

Khác với cảnh vắng hoe trong phường, ngoài khu đô thị mới Thủ Thiêm như đại công trường, hàng ngàn công nhân đến làm việc mỗi ngày.

Tiếng máy ủi, xe vật liệu qua lại ầm ầm. Ngay cạnh trụ sở P.An Khánh là trụ sở UBND P.Thủ Thiêm thỉnh thoảng có một vài công nhân đang thi công tại các dự án gần đó đến sao y, chứng thực giấy tờ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Giàu, chủ tịch UBND P.Thủ Thiêm, cho biết phường giải tỏa trắng, dân cư thưa thớt, đất hoang trống, bãi cỏ mọc um tùm, nhiều đối tượng hút chích tìm đến. Trong khi phường không có ban điều hành tổ dân phố, lực lượng công an, quân sự bố trí mỏng hơn nên công tác quản lý an ninh, trật tự gặp nhiều khó khăn.

“Lực lượng công an phường giờ có năm công an viên, hai chỉ huy, hằng ngày chia thành hai ca kiểm tra cả địa bàn. Hồi đông dân, có việc gì dưới đó người dân còn báo, giờ mình phải tự đưa lực lượng đi tuần tra, phát hiện hết” - bà Giàu cho biết.

Chị Nguyễn Công Mỹ Hằng, đang tạm trú tại P.Phước Long B (Q.9), quay về P.An Khánh (Q.2) làm thủ tục đăng ký kết hôn với anh Đỗ Hữu Triệu (đứng) -Tiến Long
Chị Nguyễn Công Mỹ Hằng, đang tạm trú tại P.Phước Long B (Q.9), quay về P.An Khánh (Q.2) làm thủ tục đăng ký kết hôn với anh Đỗ Hữu Triệu (đứng) -Tiến Long

 

10 năm đi về làm thủ tục

Không ít người dân sinh sống ở các phường thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm dù đã di dời hơn 10 năm nhưng vẫn chưa chuyển hộ khẩu. Hôm chúng tôi đến P.An Khánh, chị Nguyễn Công Mỹ Hằng, tạm trú tại P.Phước Long B (Q.9), quay về phường cũ làm thủ tục đăng ký kết hôn với anh Đỗ Hữu Triệu. Người vắng, thủ tục giải quyết nhanh, chưa đầy 30 phút đã xong.

Chị Hằng chia sẻ gia đình chị đến chỗ ở mới từ năm 2010. Do người em trai còn theo học cấp III tại trường ở Q.2 nên cha mẹ chị chưa chuyển hộ khẩu. Mỗi lần làm thủ tục xin việc, chị đều phải quay về phường để làm. “Năm nay, em trai tôi học hết cấp III, cha mẹ cũng dự định cắt hộ khẩu chuyển về nơi ở mới để tiện giao dịch, làm thủ tục” - chị Hằng nói.

Giống như chị Hằng, nhiều người dân dù di dời đến chỗ mới nhiều năm nay nhưng vẫn chưa chuyển hộ khẩu về nơi mới. Đủ lý do để người dân chưa cắt khẩu: người còn con cái học hành ở Q.2, người thì cuộc sống nơi ở mới chưa ổn định...

Vậy là chừng ấy năm, họ vẫn phải lui tới phường cũ làm các thủ tục. Anh Nguyễn Trọng Nghĩa - tạm trú P.Bình Trưng Đông (Q.2), về P.An Khánh xin chứng nhận hồ sơ xin việc - kể gia đình bên ngoại anh có bảy hộ sinh sống ở các phường trong vùng quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Sau đợt di dời, mỗi người đến một nơi.

Cha mẹ anh chuyển lên ở Khu công nghiệp Mỹ Phước (Bình Dương). Anh về ở cùng bà ngoại và vợ chồng người cậu ở P.Bình Trưng Đông. Do cuộc sống mới chưa ổn định nên chưa hộ nào cắt khẩu, phần vì cha mẹ anh Nghĩa vẫn mong một ngày về lại Sài Gòn.

Ông Nguyễn Như Thành, chủ tịch UBND P.An Lợi Đông, cho biết còn 1.000 hộ chưa cắt khẩu khỏi địa phương nên phường vẫn phải quản lý về mặt giấy tờ.

Còn ông Nguyễn Văn Đạt đã phải chạy xe máy từ Bình Dương về P.An Khánh làm thủ tục mua bảo hiểm cho người nhà. Hộ khẩu gia đình ông Đạt có bảy người, trong đó ba người đã có bảo hiểm, một người anh của ông đã định cư ở nước ngoài.

Ông Đạt đến làm thủ tục mua bảo hiểm y tế cho ba người còn lại nhưng phường không đồng ý, yêu cầu ông cung cấp bản sao hộ chiếu chứng minh người anh đi nước ngoài, hoặc phải mua luôn bảo hiểm cho người này. Sợ đi lại mệt mỏi, ông Đạt phải mua luôn bảo hiểm cho người anh đang ở nước ngoài.

Ông Đạt nói gia đình ông di dời từ năm 2009. Số tiền đền bù ông mua nhà tại thị xã Dĩ An (Bình Dương) nhưng ông vẫn chưa cắt khẩu ở phường cũ. Mỗi lần cần làm thủ tục giấy tờ, ông lại phải lặn lội từ Bình Dương đến phường cũ để làm.

“Mỗi lần có việc đi xa cũng mệt, nhưng giờ chỗ ở trên Bình Dương chưa ổn định nên cứ giữ hộ khẩu ở thành phố cho chắc ăn, khi cần còn có đường quay lại” - ông Đạt tâm sự.■

P.An Khánh trước đây có hơn 5.000 hộ với 14.000 dân. Từ sau năm 2002, qua nhiều đợt di dời, hiện giờ phường chỉ còn 33 hộ với 150 người dân sinh sống. P.Thủ Thiêm trước đây hơn 2.000 hộ dân với khoảng 10.000 người, hiện chỉ còn 2 hộ dân với 7 nhân khẩu chưa di dời. Trong số hơn 6.000 dân của P.An Lợi Đông trước đây, hiện chỉ còn 6 hộ với 38 người dân chưa di dời.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận