Mẹ cùng con trồng cây ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới (thuộc Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà), Đa Nhim, Lạc Dương, Lâm Đồng - Ảnh: AN NHIÊN
Bởi thiếu cây xanh ở đầu nguồn, tăng lũ lụt, lở đất. Thiếu cây xanh đô thị khiến nắng nóng, ô nhiễm lên mức nguy hại đến sức khỏe con người.
Trạm giải cứu cây xanh
Trạm giải cứu cây xanh do Quỹ Sống (tiền thân là dự án Nhà chống lũ), trực thuộc dự án Hạnh phúc xanh, khởi xướng vào cuối tháng 5-2019. Những cái cây bị đưa vào diện đốn bỏ vì cần diện tích xây nhà, cải tạo sân vườn, làm đường... sẽ được giải cứu. Một quỹ đất gần 500m2 ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã được một đơn vị tư nhân hỗ trợ để lưu trữ và chăm sóc cây cần được di dời trong khi chờ đợi đón về với chủ mới.
Sáng kiến này ít nhiều cung cấp giải pháp cứu cây nhưng liệu chủ đầu tư các dự án quy hoạch đô thị có đồng ý? Hay người dân - chủ cây hoặc người cứu cây chịu chi khoản phí vận chuyển (ước chừng 3 triệu đồng/50km) tới trạm giải cứu?
Dù vậy, Trạm giải cứu cây xanh đã làm tốt phần việc khơi lên ý thức trách nhiệm của người dân, như tại Hà Nội khi dự án di dời 1.200 cây lâu năm ở 12 phường, quận nhằm mở rộng vỉa hè sắp sửa được tiến hành mà chưa công bố lộ trình rõ ràng.
Trồng cây xanh cho mai sau
Ngày 23-3-2019, Hội quán Các bà mẹ TP.HCM phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới (thuộc Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà), Đa Nhim, Lạc Dương, Lâm Đồng đã tổ chức trồng 110 cây xanh các loại tại khu vực Trung tâm Nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới. Chương trình này đã được khởi động từ năm 2015, ưu tiên trồng rừng tạo cảnh quan với các giống bản địa như thông, mai anh đào, phượng tím, trắc bá diệp...
Kế tiếp, hội sẽ tổ chức 3 đợt trồng hơn 2.000 cây tại các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước và tổ chức cho 200 trẻ em tham gia chương trình trồng mới và chăm sóc số cây xanh đã trồng trước đó.
Mỗi lần trồng cây là một lần trẻ em được thể hiện tình yêu thiên nhiên bằng hành động thiết thực, vừa nhân rộng diện tích phủ xanh đồi trọc vừa giáo dục thế hệ trẻ về tầm quan trọng của cây xanh.
Có làm vườn, có trồng cây chúng ta mới thêm quý bóng mát. Quan sát quá trình sinh trưởng của cây, đặc biệt là các loại cây ăn trái, cổ thụ, ta mới thấy thời gian tốt nhất để trồng cây luôn là ngay lúc này, khi mà mỗi cây phải cần đến 10-20 năm mới đủ lớn để giúp giữ nước, lọc không khí.
“Bom” hạt giống, cách giữ hạt giống để phủ xanh đồi trọc ở Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận - Ảnh: NGUYỄN THÀNH
Phủ xanh đồi trọc
Con người cần cây cối, cần rừng để hít thở, để sống. Thành viên của nhiều cộng đồng làm nông đã chung tay đóng góp hoặc trực tiếp đào đất đặt cây đã lớn để trồng rừng. Những loại cây như lát hoa, dó bầu, bàng, trứng cá... đã và đang được trồng ở huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Ở một vài nơi khác, cỏ vetiver - rễ nhiều lại sâu, giúp giữ đất và nước tốt - được chọn trồng như một giải pháp của kè sinh thái.
Đầu năm 2019, tại Vườn quốc gia Núi Chúa thuộc tỉnh Ninh Thuận, con người đã đổi màu cho những khu đất hoang cằn cỗi bằng cách dùng đất sét bọc quanh hạt giống - giúp bảo vệ hạt giống không bị côn trùng ăn mất và khi có mưa đất bọc ngoài sẽ giữ được lượng nước đủ cho hạt nảy mầm.
Nhờ sự nhỏ gọn của mỗi quả "bom hạt giống", từ cán bộ vườn quốc gia đến công nhân trồng rừng hay du khách, hướng dẫn viên cũng dễ dàng tham gia việc vận chuyển và ném vào khu vực phù hợp với điều kiện phát triển của từng giống cây chứa trong bom hạt. Điều này đã giúp tiết kiệm nhân công cũng như mang lại hiệu quả cao trong việc rải hạt giống phủ xanh đồi trọc.
Phong trào trồng cây đang được lan truyền trên mạng xã hội. Người tham gia chỉ cần giữ lại, rửa sạch và phơi khô hạt hoa quả... rồi gửi chúng vào đất ở ven đường, bãi đất trống, đất hoang nơi mình sinh sống. Với mong muốn những hạt giống này sẽ nảy mầm khi gặp điều kiện, mỗi người sẽ góp ít nhất một cây trong hành trình phủ xanh mảnh đất ta đang sống.
Được biết, Chính phủ Thái Lan và Malaysia đã thúc đẩy sáng kiến này trong nhiều năm qua, rất nhiều khu vực tích cực thực hiện chiến dịch này đã gặt hái thành công. Số lượng cây ăn quả mọc dại đã tăng lên nhanh chóng, đặc biệt tại các tỉnh phía bắc của Thái Lan và phía nam của Malaysia, giúp các loài chim, thú có thêm nhiều thức ăn.
Trồng rừng là việc của toàn dân và của cấp nhà nước. Chúng ta cần một quỹ đất đúng quy hoạch, cần nhân lực, giống cây, cần phải trồng lại nếu cây chết. Không thể ngồi đợi cho đến khi có quỹ đất để trồng, mỗi người góp một chút sức trong khả năng để gìn giữ môi sinh.
Có thể bạn xem là chuyện quá nhỏ và khó thấy hiệu quả nhưng ít ra đó là cách nói với nhau và cùng nhau trồng cây, vì chính mình, nhất là trong những ngày tháng mình đang sống giữa nắng nóng và tác hại của việc mất đi những rừng cây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận