05/02/2012 05:23 GMT+7

"Chuyện nhỏ" chốn đông người

THÁI BÌNH
THÁI BÌNH

TT - Đến với chuyên đề “Văn hóa ứng xử nơi công cộng” (do NVH Phụ nữ TP.HCM tổ chức sáng 4-2), nhiều bạn trẻ có cơ hội nhìn lại bản thân mình qua hàng loạt hành vi chưa đẹp được nêu lên.

Đầu tiên là chuyện đi lại. Không kể những hành vi đi ngược chiều, chạy lấn tuyến, vượt đèn đỏ vi phạm Luật giao thông; nhiều người hễ thấy kẹt xe là lấn sang trái để đi nhanh hơn nhưng lại góp phần gây kẹt xe nặng thêm. Còn không ít người vừa chạy xe vừa phì phèo thuốc lá hoặc khạc nhổ khiến người chạy xe phía sau lãnh đủ.

kX8CmvpG.jpgPhóng to
Chuyên viên Lý Thị Mai trao đổi với một cử tọa tại buổi sinh hoạt chuyên đề “Văn hóa ứng xử nơi công cộng” - Ảnh: T.Bình

Bạn Tuyết Thu, SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, bức xúc nhất là chuyện một số sinh viên xả giấy, bịch nhựa gói thức ăn trong hộc bàn ở giảng đường, hay chuyện người ta vô tư xả rác trên đường phố. Ở quán ăn, nhiều người cứ vứt cọng rau, xương cá, khăn lau xuống sàn... Công viên là không gian chung, thế nhưng một số đôi bạn ăn uống xong cứ vứt tại chỗ dù thùng rác chỉ cách đó vài bước chân...

Trong nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm hay trong rạp hát, không ít người vẫn vô tư í ới nói chuyện điện thoại. Ngay tại sân khấu kịch, nhiều người cứ hết trò chuyện lại ăn uống, thậm chí còn để đèn flash khi chụp ảnh diễn viên. Ở nhiều nơi công cộng khác như bến xe, quán ăn hay bệnh viện, tình trạng chen lấn, xô đẩy giành chỗ vẫn còn rất phổ biến. “Cậu ta cao to và rất đẹp trai, ăn mặc rất mốt”, chuyên viên tâm lý Lý Thị Mai giờ vẫn còn nhớ chàng trai chen ngang và cười nham nhở khi bà xếp hàng chờ tính tiền trong siêu thị.

Dưới lòng đường bát nháo là vậy, còn trên xe buýt không ít người trẻ vẫn chưa biết nhường ghế cho người già và phụ nữ mang thai. Trong công sở, không ít chị mặc váy hớ hênh vẫn hồn nhiên lên cầu thang dốc khi có nhiều “mày râu” bên dưới. Có người cười hô hố khi bắt gặp ai đó vì chưa quen nên lúng túng khi đi thang máy... Bạn Hoàng Minh, SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, kể thêm: “Nhiều người vô nhà vệ sinh nhưng chẳng có ý thức vệ sinh khiến cho người vào sau lãnh đủ”.

Cô Lý Thị Mai cho rằng nếu mỗi người ý thức một chút về “cái chung” mọi chuyện sẽ khác đi. “Nêu ra những hành vi chưa đẹp là cách để chúng ta tự nhắc nhở nhau để ngày càng đẹp hơn trong mắt mọi người” - cô Mai đúc kết.

THÁI BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên