Tại sao ta không thử rà soát lại mình sai ở chỗ nào, với cái việc đã và sẽ làm từ thuở còn ăn dặm đến ngày không còn cái răng húp cháo.
Sai chức năng nhiệm vụ
Cao xanh đã phân công đâu vào đó cho hàm răng, linh hồn của sự nhai. Dàn tiền đạo với cặp răng nanh “trung phong cắm” chuyên cắn xé, trong khi đám răng cối nồi đồng cối đá quản việc chính là nhai. Cái sai đầu tiên của nhiều người là nhai bằng răng cửa và cắn bằng răng hàm. Hậu quả từ cái sai dùng người này là làm hỏng răng và biến thức ăn thành mớ lộn xộn, cơm không ra cơm cháo không ra cháo, một thất bại bởi nhai vốn được giao chia nhỏ thức ăn khởi đầu quá trình tiêu hóa.
Cực hữu hay cực tả
Khá nhiều người có thói quen nhai một bên. Có thể do thói quen nhưng phần lớn là do hoàn cảnh bên này bị mất răng, răng sâu, răng chết lâm sàng nên phải chuyển sang bên lành lặn hơn. Hậu quả trông thấy của kiểu nhai “cực hữu” hay “cực tả” này là nhanh mòn răng, xô lệch răng và dễ sâu răng. Cơ hàm bên gánh việc thay dễ to ngang tạo khuôn mặt chữ điền lệch không được thẩm mỹ với các bà các cô. Chứng mỏi cổ, đau vai, rêm cạnh hàm, bệnh đau nửa đầu (Migraine) có cơ nặng hơn vì kiểu nhai nhất bên trọng nhất bên khinh này.
Đồ mềm vẫn phải nhai
Thời gian giữ thức ăn trong miệng nhanh hay chậm, coi vậy, hệ trọng ra trò với sức khỏe. Nhai, trước tiên, làm nát thức ăn giúp nhẹ gánh cho dạ dày. Nhai, đặc biệt là nhai lâu, còn dọn cỗ cho nước bọt dùng enzym sơ chế hóa học thức ăn cùng hiệp đồng với sơ chế vật lý qua động tác nhai. Nghĩ đơn giản nhai chỉ là lùa cơm vào răng cho nó giã mà không nhận ra pha sơ chế giấu mặt bằng men tiêu hóa, khiến nhiều người mắc sai lầm đồ mềm khỏi phải nhai hoặc nhai cho có tụ. Sữa, cá, trứng là những món ăn hay bị “bỏ qua thời kỳ quá độ” kiểu này trong khi chúng là những chất đạm khó tiêu. Do vậy, bạn cứ cười vào mũi ai mắt tròn mắt dẹt nhìn bạn vừa xơi yaout, phô mai vừa nhai nhóp nhép!
Ăn bằng lưỡi
Đừng quên phần cái lưỡi ,“hồn cốt” của đệ nhất tứ khoái. Nhai nuốt quá nhanh khiến lưỡi không kịp nếm, mất đi cái khoái lạc miếng ngon, làm bữa ăn vô hồn dễ dẫn đến biếng ăn, ăn để mà sống, nhất là xoay mòng vòng luẩn quẩn ăn không thấy ngon nên ăn nhanh cho xong chuyện.
Nhai nhanh và nuốt thần tốc
Nhai và nuốt thần tốc là thói xấu bất lợi đủ đường cho hệ tiêu hóa. Thức ăn chưa nhai kỹ đổ thêm việc cho dạ dày. Lách qua ải nước bọt, những loại thức ăn cứng đầu như chất béo, chất đạm, trôi xuống đường tiêu hóa là mầm gây ậm ạch, khó tiêu, táo bón, rối loạn vi khuẩn ruột… Với dạ dày đang viêm loét, việc tăng tiết dịch vị để xử lý bát cơm, miếng thịt nguyên hạt nguyên sợi càng làm bệnh tình ông anh cả hệ tiêu hóa thêm lao đao. Nhai và nuốt cấp tập còn khiến chủ nhân nuốt nhiều không khí góp thêm căng chướng, khó tiêu và xì hơi liên tục.
Vòng vo cuối cùng chốt lại phải nhai trong bao lâu thì đủ đẹp? Tùy thức ăn cứng hay mềm, dễ tiêu hay khó xơi, theo các chuyên gia, 30 nhịp cho một lượt nhóp nhép là mười phân vẹn mười.
Nhập nhằng vừa ăn vừa uống
Một thói quen cố hữu của nhiều người là vừa ăn vừa uống, tính luôn phiên bản chan canh vào cơm cho dễ lùa. Đây là cái thú, đôi khi là cách ông bố và cục cưng đối phó “chuẩn cơm mẹ nấu” không được ngon. Có ý cho rằng vừa ăn vừa uống làm nhạt vị, loãng nước bọt, loãng dịch vị. Thật ra, dạ dày không ngờ nghệch đến vậy, tùy tình hình dịch vị sẽ được tiết ra vừa đủ xài. Vừa ăn vừa uống thực chất cũng là một cách ăn nhanh được tăng tốc nhờ sức nước với đầy đủ điểm yếu kể trên. Đặc biệt nếu đang mắc chứng trào ngược dạ dày - thực quản, bạn càng phải tránh kiểu ăn và uống song hành. Nếu không thể kiềm được cái thú phải uống khi ăn, hãy dùng một ngụm vừa đủ trong bữa và uống thật lực sau đó 1 giờ.
Nhai nhanh, ngòi nổ bất ngờ nhiều bệnh trọng
Xa hơn với sức khỏe dạ dày, đường ruột, nhai nuốt nhanh còn bất ngờ nắm trong tay mệnh hệ của cặp đôi vấn nạn toàn cầu là béo phì và đái tháo đường. Nguyên cớ từ việc cái đầu bị lừa bởi cái răng. Nhai lâu được xem là cách phỉnh lừa bộ não cơ thể đã “no xôi chán chè” và ban lệnh dừng lại. Điều ngược lại xảy ra khi ta nhai nuốt nhanh, dù đã có một lượng lớn thức ăn được tiêu thụ, nhưng não bộ vẫn còn thòm thèm và lệnh cho cái bụng tiếp tục nhón đũa món tiếp theo. Màn mắc lỡm của hệ điều hành đói no này không khó đoán là cơ hội vàng cho chứng béo phì, và nguy hiểm hơn làm tăng đột ngột lượng đường trong máu, một yếu tố thúc lưng tình trạng đề kháng insulin, cha đẻ của bệnh tiểu đường về lâu về dài. Gần đây, một nghiên cứu trong 5 năm chỉ ra rằng chỉ hơn 2% người thuộc nhóm ăn chậm phát triển hội chứng chuyển hóa, 6,5% ở nhóm ăn trung bình, trong khi có tới 11,6% ở nhóm ăn nhanh đối mặt với bệnh tiểu đường.
Thật ra mở rộng, ta còn bắt gặp vô số phiên bản như vừa ăn vừa xem TV, vừa bấm điện thoại, vừa ba điều bốn chuyện, nằm ăn, đứng ăn và cả những kiểu nhai không tải như nhai cao su, nghiến răng trong lúc ngủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận