Tiên Cookie, Vũ Cát Tường, Bích Phương hay Lê Cát Trọng Lý đã đủ sức vẽ một diện mạo nhạc Việt?
Vi sao người ta cứ mãi yêu Ballad
Số đông người nghe nhạc Việt đang bị thành kiến rằng nghệ sĩ trẻ khó làm nên chuyện, khó làm cho ra "màu" như các ngôi sao quốc tế. Điều này dẫn tới việc ca sĩ chỉ nên hát Ballad cho an toàn, vì dòng nhạc lúc êm dịu khi nức nở kiểu này đôi khi chỉ đòi hỏi cảm xúc chứ không cần kỹ thuật.
Cũng có thể hiểu "hội chứng" Ballad kéo dài hàng thập niên từ thời Làn sóng xanh lan xuống thế hệ 9x, 2000 là vì người nghe chưa dám thay đổi thói quen, thậm chí ái ngại với sự thay đổi (nếu có) từ những thần tượng của họ.
Lấy ví dụ cơ bản về một ca sĩ nhiều fans nhưng vẫn bị tuột dốc vì... thay đổi. Đó là Đông Nhi khi chuyển từ hình ảnh cô nàng trẻ trung sang sắc lạnh gợi cảm khiến chính những fans ruột... nổi giận. Mới đây là Vũ Cát Tường đổi màu tóc, thay cách ăn mặc cho phù hợp dòng nhạc mới... cũng bị chính fans chỉ trích "gây sốc".
Album Stardom của Vũ Cát Tường phát hành trực tuyến cùng lúc trên nhiều quốc gia - Ảnh: cắt từ clip
Những ví dụ trên đều là thay đổi từ hình ảnh lẫn âm nhạc, thế nhưng nếu chỉ thay đổi ngoại hình còn âm nhạc giữ nguyên (như Noo Phước Thịnh, hay Sơn Tùng M-TP) thì khán giả vẫn ủng hộ.
Nghe nhạc buồn như một hiệu ứng dây truyền: ca từ thường nhạy bén dễ trở thành câu hát cửa miệng, giai điệu dễ nghe có cao trào nên thường được hiểu là hay; truyền hình truyền thông thì luôn sản sinh ra những "content" u uất bi đát hay những chuyện tình cảm tuổi hồng cho đến tuổi đã hết mơ mộng...
Mọi thứ đều xoay quanh Ballad, đều xoay quanh nhạc buồn!
Dùng views để đánh giá thành bại thì đây là thất bại kì lạ của Soobin Hoàng Sơn bởi ca khúc bắt tai dễ nghe.
Nếu đã có "bài ruột" là Ballad thì rất khó đổi qua dòng nhạc khác. Trường hợp đáng tiếc là Soobin Hoàng Sơn với bản EDM của I Know You Know "flop" nặng nề khiến chàng ca sĩ trẻ này "im hơi lặng tiếng" suốt nhiều tháng qua.
VPop lúc này cần lắm những nhà sản xuất âm nhạc giỏi, như cái thời Quốc Bảo và Mỹ Tâm; Đức Trí và Hồ Ngọc Hà; Võ Thiện Thanh và Hà Anh Tuấn hay Huy Tuấn và Mỹ Linh… để Ballad bớt tung hoành.
Chơi với ván bài 4.0
Mới đây Bích Phương - cô ca sĩ được mệnh danh là nữ hoàng u sầu, đổi sang phong cách gợi cảm với bài hát mới, cũng gặp hiệu ứng trái chiều.
Nhưng nên đặt hi vọng vào Phương khi cô và ekip triệu views của mình đang rục rịch cho ra đời Dramatic - album vol2 đánh dấu một hình ảnh Bích Phương "hết yếu ớt".
Bích Phương mở bán album độc quyền trên một kênh mua bán trực tuyến nổi tiếng gần đây - Ảnh: 1989s Production
Chiến dịch tiếp thị của Dramatic chắc chắn sẽ khiến nhiều ca sĩ cùng lứa với Phương ngẫm nghĩ, kể cả Hoàng Quyên hay Helena Bùi. Nếu lặng lẽ quá thì chỉ những ai thật sự quan tâm tới âm nhạc mới biết họ đã ra album mới.
Lại nhớ tới trường hợp Lê Cát Trọng Lý - tự mình tìm tới khán giả theo ngõ riêng, trở thành một hiện tượng của nhạc Việt. Tuy hát những điều không mới, nhưng sự chân tình trong ca từ, sự chân phương ở giai điệu giúp Lý vượt ra khỏi hình ảnh nghệ sỹ Underground.
Lý cần một nhà sản xuất âm nhạc để mình khác đi, và cần một "hậu phương" vững chắc
Lý chứng minh sự tận tâm và ngôn ngữ âm nhạc riêng bằng CDs, bằng Vui tour "thưởng" cho khán giả xa gần. Thực tế Lý có đến 4 đĩa hát và sắp ra mắt Những câu đố.
Lý kết nối giữa thời đại số hóa bằng việc bán nhạc trên Amazon, iTunes…, nhưng Lý vẫn cách quãng với đại chúng vì không có chiến dịch quảng cáo, không có hệ thống thống kê số liệu để qua đó người nghe tìm tới Lý dễ hơn.
Thẳng thắng mà nói từ album đầu tay cho đến Không sao, Về bắt đầu năm ngoái, Lý đang "phai màu" trong VPop khi những nhân tố mới xuất hiện: không yểu điệu tóc dài, biết tự chơi nhạc cụ, sáng tác và biết hát... như Tiên Tiên, Vũ Cát Tường.
Tiên Cookie điều hành công ty 1989s Production với tham vọng sản xuất âm nhạc bài bản
Cả Tiên Tiên lẫn Vũ Cát Tường hoặc có thể kể thêm Tiên Cookie, đều sở hữu cấu trúc bài hát đủ để sống sót trong thị trường âm nhạc thương mại.
Họ có tư duy giai điệu rõ rệt nên dù thích hay không, vẫn phải thừa nhận âm nhạc của họ may ra có thể làm cho màu Pop của Vpop khác đi một chút.
Cứ phải ra CD rồi mới nói chuyện tiếp!
Nhạc Việt có ồn ào không? Có, nhưng toàn là tai tiếng: mượn nhạc không xin phép, đạo beat, ăn cắp chất xám hình ảnh...
Từ ca sĩ hạng A cho đến những ngôi sao mới nổi nhờ vận may. Ngay cả tới việc chỉ trích ca sĩ vì lỗi sai của... đạo diễn MV, cũng cho thấy phần đông Vpop vẫn còn lỗ hổng kiến thức.
Ngọt band có khác biệt nhưng còn quá sớm để kỳ vọng
Nhiều cái tên Indie, Underground trỗi lên nhờ sự kết nối đa phương tiện... song chưa thể nói thêm bởi họ còn đang đi tìm bản ngã.
Phải chờ họ "debut" bằng album thì mới nói chuyện tiếp. Sản phẩm nhỏ lẻ dù hay tới mấy thì thực chất, chỉ là "thiết bị" dò đường! Đường dài mới biết ngựa hay, xem họ đủ tỉnh táo giữ mình và vẫn làm bạn với số đông được hay không.
Những nghệ sĩ này tự mày mò sáng tác, khán giả phải đi tìm cái mình thích trong mớ bòng bong hỗn độn hay có dở có. Chúng ta đang phát triển một cách tự phát, không theo hệ thống.
Một trong những MV trăm triệu views đầu tiên của VPop
Chúng ta có thể mừng chỉ vài năm nay thôi, Vpop đã có MV trăm triệu views, các reality show khai mào thế hệ ngôi sao giải trí, nhiều cái tên mới toanh tự sáng tác tự hòa âm đưa tới sự đa dạng, một số công ty đào tạo quản lý tài năng giúp ít nhiều cho định hướng nghề của loạt ca sĩ trẻ...
Chúng ta không bàn đến học thuật hay hàn lâm, chúng ta nói tới thị trường âm nhạc chuyên nghiệp khi mà Spotify hay những kênh nghe nhạc trực tuyến đổ vào Việt Nam và có khả năng xoay chuyển tình thế.
Lúc bấy giờ, với sự chuyên nghiệp nửa vời, Vpop chắc chắn sẽ hoang mang ít nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận