Theo hướng dẫn, hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích từ các loại đất khác (nông nghiệp, phi nông nghiệp) sang đất ở tại các khu vực quy hoạch nhóm nhà ở trong các đồ án quy hoạch phân khu, không phân biệt quy hoạch chức năng khu dân cư hiện hữu hay khu dân cư xây dựng mới.
Vẫn lo chậm trễ
Ông P.N. (huyện Bình Chánh, TP.HCM) vui mừng khi nhận thông tin UBND TP sẽ ban hành hướng dẫn chuyển mục đích sang đất ở kể cả khu vực thuộc quy hoạch khu dân cư xây dựng mới.
"Hướng dẫn với trình tự, thủ tục gồm các bước chi tiết sẽ là cơ sở để UBND huyện thực hiện thống nhất tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất (CMĐSDĐ) cho dân. Dù vậy, trình tự thực hiện vẫn còn phải phụ thuộc vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện nên vẫn còn rắc rối, có thể dẫn đến việc chậm giải quyết...".
Theo ông P.N., theo trình tự người dân phải làm đơn xin CMĐSDĐ gửi UBND cấp xã để xã tổng hợp gửi về huyện. Huyện tổng hợp và đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Kế hoạch sử dụng đất sẽ chuyển cho Sở Tài nguyên - Môi trường tổng hợp trình UBND TP phê duyệt. Sau đó UBND huyện mới có căn cứ để thực hiện các thủ tục CMĐSDĐ.
Đồng tình, bà N.T.S. (đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức) lo lắng: "Từ lúc nộp đơn xin CMĐSDĐ gửi UBND cấp xã cho đến lúc hoàn tất được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp giấy chứng nhận mất rất nhiều thời gian và công sức.
Chúng tôi nộp đơn cho UBND cấp xã, chờ đến lúc kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được duyệt mất mấy tháng sau lên UBND cấp xã để biết được đất của mình được CMĐSDĐ hay không rồi mới làm các thủ tục tiếp theo...".
Trao đổi về vướng mắc trên, một cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai TP cho hay kế hoạch sử dụng đất hằng năm của quận, huyện quy định chỉ tiêu sử dụng đất theo diện tích đến từng xã, phường, là căn cứ để địa phương thực hiện thủ tục giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng, và thu hồi đất trong năm. Theo quy định kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện sẽ phải được UBND cấp tỉnh phê duyệt trước 31-12 hằng năm.
"Nhưng thực tế đến khi TP phê duyệt hiếm khi nào đúng thời hạn nên kéo theo hàng loạt các thủ tục khác để CMĐSDĐ bị chậm theo..." - vị này nói.
Bỏ kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được không?
Thực trạng chậm trễ triền miên về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đã từng được Ban đô thị HĐND TP chỉ ra trong các cuộc giám sát vào tháng 10-2022. Điển hình như tháng 10-2022 TP mới phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của cấp huyện.
Nhìn nhận về thực trạng và phân tích nguyên nhân, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng đã tham mưu UBND TP đề xuất bỏ quy định lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện khi góp ý cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Theo ông Thắng, để kiểm soát việc giao, thuê, chuyển mục đích sử dụng đất thì TP.HCM hoàn toàn có thể căn cứ trên các quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất 5 năm và 10 năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy, việc lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là không cần thiết nữa trong khi thực tiễn công tác này mất nhiều thời gian.
Đồng tình, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hải Long, trưởng phòng tư vấn pháp lý Công ty luật TNHH AGL, cho rằng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có thể tiếp thu, xem xét việc bỏ thủ tục lập, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.
Ông nói: "Tuy bỏ thủ tục trên nhưng UBND cấp huyện hằng năm vẫn phải thực hiện chặt chẽ công tác kiểm soát, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất hằng năm bảo đảm cân đối, hài hòa nhu cầu giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất thực tế của hộ gia đình, cá nhân cũng như các tổ chức kinh tế khác trên địa bàn...".
Đang giải quyết vướng mắc tách thửa
Thời gian qua Tuổi Trẻ liên tục có các bài viết phản ánh về tình trạng "đứng hình" nhu cầu tách thửa theo quyết định 60 của UBND TP, nhất là nhu cầu tách thửa, CMĐSDĐ với đất quy hoạch dân cư xây dựng mới. UBND TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở ngành liên quan tham mưu giải quyết.
Về vấn đề tách thửa theo quyết định 60, Sở Tài nguyên - Môi trường cho hay đã hoàn thiện dự thảo quyết định thay thế quyết định 60. Sở đang phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP để tổ chức phản biện xã hội trước khi trình UBND TP.HCM xem xét quyết định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận