TTCT - Tâm trí tôi bùng nởniềm hạnh phúc không dễ gì giải thích, của một người biết thế nào là làm vườn và gieo trồng. Lúc thấy cây phù dung trong chậu ở tiệm cây cảnh giữa thành phố náo nhiệt, tôi đã không khỏi trỗi lên ham muốn vác nó về, đặt lên ban công nhà mình. Cái ban công chật hẹp lơ lửng giữa không trung, phủ xanh hỗn độn cây này, dây leo nọ, từ lòng ham muốn sở hữu một chút gì đó của thiên nhiên này.Khi đặt cây phù dung được tỉa gọt gọn gàng ở ban công nhà, ngắm phù dung nở trắng tinh mỗi sáng và đỏ hồng lúc tàn lụi chiều về, tôi lại nhớ về cây phù dung "hồi đó", ở bến nước nhà chị Châu nơi xóm Cồn. Ngày nhỏ, mỗi lần bơi xuồng ngang nhà chị, thấy cô gái tên Châu mặc áo bà ba bông nhỏ, lúi húi ngồi ở bến nước làm nọ làm kia, cạnh đó là một đám phù dung vừa hồng vừa trắng xen nhau, là thấy cả một khung cảnh của ánh sáng hiu hắt nhưng rực rỡ cuối ngày sao mà đẹp thần sầu. Tôi những muốn ghé lại, xin một cây phù dung về trồng ở bến sông nhà mình, tận hưởng niềm vui và cả nỗi niềm hoa sớm nở tối tàn ấy, đã đẹp lúc nào là đẹp hết mình.Sa vào chuyện cây cối, dù là nhỏ ở ban công, hay tỉ mỉ ngắm cây lớn lên trong nông trại, là sa vào vô vàn những điều cám dỗ lòng người. Vụ xuân, tôi theo má đi gieo bắp. Má đi trước, nện chày gióng lỗ, bỏ hạt, tôi bưng thúng tro theo sau, bốc từng nhúm rải tắp lên những hạt mầm. Lũ cào cào bám theo, phóng tanh tách. Lũ bướm đủ màu sắc vờn quanh, đám chuồn chuồn hết đậu lại bay, xôn xao theo chân người. Xong đợt tỉa bắp, tôi cùng má trồng cà chua, bí xanh, bí đỏ…, vun từng cây nhỏ vừa lên lá non trong bầu quấn lá chuối. Lật giở tảng đất, lũ dế nhủi nhanh chân chạy trốn, những con sâu khoai đen trũi và cứng khoằm, giun đào những đường hầm riêng cho mình, thế giới mặt đất sao mà ngăn nắp và khoa học. Tâm trí tôi lúc đó, dẫu lãng đãng vẩn vơ đủ chuyện, vẫn thấy hân hoan, bùng nở trong tim một điều gì đó, có lẽ là niềm hạnh phúc không dễ gì giải thích, của một người biết thế nào là gieo trồng.Hồi đó, tôi còn lãnh nhiệm vụ "trừng trị" . Cây cóc cổ thụ được ông bà nội trồng trước khi gia đình tôi đến mảnh đất này sinh sống. Đám sùng đục thân cây thân hình trắng mềm như sữa, vẻ nhũn nhặn kiểu chẳng thể làm hại ai, nhưng chúng dùng phần đầu cứng chắc từ tốn khoét sâu vào lớp vỏ cây, làm tổ, sinh con đẻ cái, chiếm hữu cả cái cây to lớn không một chút nhân nhượng.Lúc cây cóc kháng cự bằng những chiếc lá vàng bất thường rụng quanh góc, nhựa sẫm đen chảy quanh thân, đám mùn gỗ đùn ra ngày một nhiều, tôi biết mình phải giúp cái cây chiến đấu. Tôi xắn, chặt, moi móc, kéo ra hàng chục con sùng béo ngậy. Ở những chỗ bị khoét tổn thương, cây cóc cố gắng tự chữa lành bằng lớp da non. Lá xanh trở lại và trái oằn trên cành.Nhưng, lũ quỷ sùng nào chịu buông tha. Giằng co tranh giành sự sống mãi, lại thêm tôi từng té gãy tay vì trèo hái trái do cành cóc mềm và giòn, người lớn quyết định cưa cái cây đi. Cây cóc cổ thụ ngã xuống, từ đó về sau, không còn cây cóc nào được trồng trong vườn nữa.Có những cái cây được trồng không phải để lấy gỗ, dù là cây lâu năm, thân to mấy người ôm không xuể, tán vươn cao tận trời xanh, là cây gòn của má. Những trái gòn xanh lúc lỉu, bất thần một trưa mùa hè, gòn bung nở trắng bông, theo gió bay đậu muôn nơi.Tôi vác thúng đi lượm trái rụng, khèo trái khô còn mắc trên cây, đập ra, sàng sẩy hết hạt, phơi cho đến khi bông gòn khô rang, dồn vào bao tải đợi má làm gối. Những cái gối gòn mùa mới phồng lên cho giấc ngủ xôm xốm mịn màng.Cây lựu trổ hoa trên ban công nhà tôi (Ảnh: Minh Phúc)Trồng những cái cây ở ban công, tôi nhiều lần phải "cấp cứu" vì bỏ chúng khô héo, hoặc để cho những cành khô tự gãy giòn. Nhưng những khoảnh khắc thật ấm lòng cũng tới, những con chim sẻ đã quen ghé lại, rỉa sạch lá cây hương nhu mà tôi gieo hạt từ mùa trước, hẳn để chúng chữa bệnh đau họng. Cây hồng được giâm từ cây hồng cổ, hết nở rồi tàn, rụng hết lá lại ra lá non, những mùa bông cằn cỗi đi qua trong chiếc chậu nhỏ, vừa thân quen, vừa chẳng phụ thuộc, lại vừa tiếp sức cho nhau như thể có một thứ tình yêu của sự đồng cảm không lời.Khu vườn của tôi bắt đầu có những "người bạn cũ" đến thăm. Cây thù lù thình lình lớn lên như một quà tặng bí ẩn, những trái non xanh như mấy chiếc lồng đèn tí hon thả xuống. Cây rau đắng đất ở đâu đến bò quanh gốc cây hoa đuôi chồn. Dây nhãn lồng vươn vòi luồn quanh lưới thép… (Ảnh: Minh Phúc)Nhiều thứ cây vô thưởng vô phạt khác mọc lên. Chúng làm tôi nghĩ rằng, nếu ta lười biếng quá, chỉ cần để sẵn ngoài trời một chậu đất bỏ không, vài ngày sau đất sẽ phủ kín màu xanh cây cỏ. Đến mùa, những bông hoa li ti bắt đầu nở. Mẹ thiên nhiên chế tác công phu tinh tế, cho bông hoa nhỏ đầy đủ sắc vóc kiều diễm và bí ẩn. Không biết có phải sự sống đã bắt nguồn từ những loài nhỏ bé và vô danh nhất như thế.Những năm tháng dài qua, nhiều thứ biến mất trên đường đi, trong đời sống một con người, nhưng cây cỏ vẫn tự kể lại những câu chuyện, truyền đi những thông điệp từ ngàn thế hệ trước, để ban tặng niềm vui. Và dạy ta biết cúi đầu trước một cái cây đang cho ta sự sống. ■ Tags: Chuyện một người làm vườnTrồng câyLàm vườnCây xanh đô thịTrồng cây ban công
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Việt Nam có khoảng 70.000 ca tử vong mỗi năm liên quan đến kháng thuốc kháng sinh THANH HÀ 22/11/2024 Theo Tổ chức Y tế thế giới, đã có gần 270.000 ca tử vong do đề kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.