06/08/2015 12:30 GMT+7

Chuyển máu ra Bắc

YẾN TRINH - 
TIẾN LONG
YẾN TRINH - 
TIẾN LONG

TT - Chỉ hai ngày sau lễ xuất quân, hàng trăm đơn vị máu quý giá đầu tiên đã được vận chuyển cấp tốc ra Viện Huyết học - truyền máu trung ương, đáp ứng nhu cầu cấp thiết tại các bệnh viện phía Bắc.

Máu được chuyển khẩn cấp ra Bắc - Ảnh: YẾN TRINH
Máu được chuyển khẩn cấp ra Bắc - Ảnh: YẾN TRINH

>> Kỳ 1: 

>> Kỳ 2:

>> Kỳ 3: 

Số lượng người hiến máu tăng lên theo từng địa phương mà Hành trình Đỏ đi qua. Hằng ngày điện thoại của đoàn liên tục gọi về Viện Huyết học - truyền máu trung ương để cập nhật tình hình nguồn máu thu được.

6 ngày chuyển hơn 2.000 đơn vị máu

11g30 ngày 7-7, ông Nguyễn Văn Nhữ, trưởng đoàn Hành trình Đỏ phía Nam, gọi điện cho bác sĩ Phạm Tuấn Dương - phó viện trưởng Viện Huyết học - truyền máu trung ương: “Hiện đoàn đã thu được hơn 400 đơn vị máu, sẽ cho đóng thùng chuyển ngay ra Hà Nội”.

Bên kia đầu máy đáp lại bằng giọng gấp gáp: “Được lô nào cho đóng thùng để chuyển ra chuyến bay sớm nhất, ngoài này đang cần gấp. Số còn lại có thể chuyển theo chuyến bay sau”.

Cuộc điện thoại vừa ngắt, ông Nhữ thúc giục các thành viên nhanh chóng đóng máu vào thùng, chuẩn bị xe chở nhanh ra sân bay.

“Do chuyên chở bằng máy bay nên máu phải được bảo quản ở nhiệt độ tương đương nhiệt độ trong phòng (20 - 240C). Máu phải đóng trong thùng chuyên dụng bằng nhựa hoặc vật liệu cứng, xếp gọn thành hai tầng có lớp đá lạnh ở giữa” - ông Nhữ nói.

Các thao tác từ lúc đóng thùng đến khi máu được chuyển đi phải hết sức mau lẹ.

Bên ngoài trời mưa như trút nước, bên trong nơi tổ chức hiến máu các tình nguyện viên của Hành trình Đỏ vẫn miệt mài xếp từng túi máu vào thùng. Chỉ không đầy 24 giờ, những đơn vị máu này sẽ hòa chảy trong cơ thể bệnh nhân ở các bệnh viện phía Bắc.

Nhìn từng thùng máu được nhanh tay đưa ra sân bay, GS.TS Nguyễn Anh Trí - viện trưởng Viện Huyết học - truyền máu trung ương - xúc động:

“Nếu chứng kiến cảnh bệnh nhân khổ sở chờ máu vào thời điểm khan hiếm này, mọi người sẽ hiểu được niềm vui sướng của họ khi nhận thông báo đã có máu truyền. Chắc chắn có hàng trăm người bệnh ở ngoài Bắc đang mong ngóng những đơn vị máu này từ bà con miền Nam”.

TP Cần Thơ là địa phương thứ ba đoàn đặt chân đến sau Cà Mau và Bạc Liêu. Nhưng đây là địa phương đầu tiên vận chuyển lượng máu thu được ra Bắc bổ sung cho ngân hàng máu đang khan hiếm.

Ông Nguyễn Xuân Việt - quyền giám đốc Bệnh viện Huyết học - truyền máu Cần Thơ - cho biết tại kho máu của bệnh viện thường xuyên dự trữ 1.000 - 2.000 đơn vị máu. Nếu mức đó xuống dưới 1.000 đơn vị máu là ở mức báo động đỏ.

Ông nói: “Hiện bệnh viện cung cấp máu cho 47 bệnh viện thuộc các tỉnh miền Tây, nhưng do nhu cầu sử dụng máu không quá cao nên bệnh viện thường xuyên điều tiết máu, hỗ trợ bệnh viện phía Bắc”.

Sau Cần Thơ, tin vui chuyển máu từ các địa phương tiếp tục được báo về viện. Dòng máu cứ lần lượt chuyển từ Nam ra Bắc như nối kết những trái tim Việt hòa chung nhịp đập yêu thương. Mỗi lần như vậy chúng tôi thấy nụ cười, niềm vui của mỗi thành viên đoàn thêm rạng rỡ.

Khi đoàn đặt chân đến mảnh đất Đắk Lắk, cảnh tượng đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số vượt hàng chục cây số đường núi để đến hiến máu đã gây sự xúc động mạnh mẽ.

“Những bộ quần áo truyền thống của người dân tộc thiểu số Tây nguyên xuất hiện khi xung quanh mọi người nhộn nhịp hiến máu thật thân thương, gần gũi.

Đối với họ, nhiều khi họ không cần biết những thông tin khoa học khô cứng, chỉ cần biết có người đang cần máu là họ sẵn sàng hiến” - tình nguyện viên Thu Thủy chia sẻ.

Chỉ trong buổi sáng nhưng đoàn đã thu được hơn 1.000 đơn vị máu chuyển ngay ra Bắc. Bà Mai Hoan Niê Kdăm - trưởng Ban chỉ đạo vận động hiến máu tỉnh Đắk Lắk - bộc bạch:

“Những ngày hội hiến máu được tổ chức ở đây đều có sức hút đối với người dân, bà con sẵn sàng xếp hàng chờ được hiến máu. Đặc biệt một vài năm trở lại đây, khi Hành trình Đỏ đến, nhiều bà con dân tộc đã chủ động tham gia hiến máu tình nguyện”.

Ý thức hiến máu cứu người lan nhanh, len lỏi từng buôn làng Tây nguyên. Bà Niê Kdăm cho biết thêm vì người dân đi hiến máu nhiều, trong khi nhu cầu máu của địa phương ít nên Đắk Lắk là địa phương có lượng máu tiếp ứng cho phía Bắc lớn nhất nước.

Y bác sĩ Viện Huyết học - truyền máu trung ương đóng gói máu vào thùng tại điểm hiến máu - Ảnh: YẾN TRINH
Y bác sĩ Viện Huyết học - truyền máu trung ương đóng gói máu vào thùng tại điểm hiến máu - Ảnh: YẾN TRINH

Đón những thùng máu quý

2g chiều 7-7, chiếc máy bay chở những đơn vị máu đầu tiên do đoàn Hành trình Đỏ phía Nam gửi từ TP Cần Thơ đã đáp xuống sân bay Nội Bài. Xe của viện nhanh chóng chở ngay những đơn vị máu quý giá đến kho dự trữ máu của Viện Huyết học - truyền máu trung ương.

Trực tiếp đón xe chở máu về viện, bác sĩ Hà Hữu Nguyện, trưởng khoa hiến máu và các thành phần máu, chia sẻ có rất nhiều bệnh nhân đang chờ đợi, các bác sĩ vì vậy phải chạy đôn chạy đáo tìm nguồn máu.

Bao nhiêu bệnh viện đang trông ngóng vào đoàn hành trình, nghe tin máu gửi từ Nam ra viện mà ai cũng vui giống như chính mình được nhận.

Bác sĩ Nguyện kể rằng từ khi Hành trình Đỏ xuất quân, viện đã bố trí cán bộ nhân viên, vật tư trang thiết bị đầy đủ để đảm bảo xử lý máu kịp thời phục vụ cho người bệnh.

“Đội ngũ y bác sĩ luôn túc trực ở viện theo phân công để đợi máu về. Vì vậy, khoảng thời gian cán bộ nhân viên vận chuyển máu ngồi trên máy bay, tắt điện thoại, chúng tôi rất lo lắng. Trễ vài phút đã thấy sốt ruột...” - bác sĩ Nguyện chia sẻ.

Nếu máy bay không bay đúng giờ như đã dự định, không kịp thời gian xử lý sẽ phải chuyển máu qua chuyến bay khác.

Khi Hành trình Đỏ diễn ra, những cán bộ nhân viên viện tham gia phải hoạt động như một tình nguyện viên, vừa tổ chức công tác tiếp nhận máu cho đơn vị, vừa kiểm soát việc đưa máu về viện.

“Thông thường chúng tôi phải dự kiến số lượng đơn vị máu sẽ thu được ở địa phương, khảo sát địa điểm, vận chuyển đồ đạc và sắp xếp các quy trình hợp lý. Và ngay khi những giọt máu cuối cùng được thu lại, lượng máu tức tốc được đưa ra xe chuyển về viện để xử lý” - bác sĩ Nguyện nói.

Đối với những điểm lấy máu cách viện trong bán kính 50 - 60km, việc vận chuyển máu thường từ 30 - 40 đơn vị và tính theo giờ.

Tiếp nhận máu từ người hiến chỉ là khâu nguyên liệu ban đầu. Để từng giọt máu được truyền vào cơ thể người bệnh, đòi hỏi quá trình xử lý công phu của đội ngũ y, bác sĩ.

Khi máu được chuyển về Viện Huyết học - truyền máu trung ương, bất kể giờ nào luôn có một đội ngũ để phân loại, lấy mẫu xét nghiệm, chuyển qua bộ phận điều chế, sàng lọc để sản xuất kịp thời. Tất cả những công đoạn đó không được vượt quá 24 giờ.

“Bộ phận nào cũng quan trọng, bộ phận trước phải thật nhanh chóng để bộ phận sau không phải chờ đợi” - bác sĩ Nguyện nhấn mạnh.

Những thùng máu đầu tiên được xử lý xong sẽ nhập vào kho dự trữ để chuẩn bị truyền cho bệnh nhân. Một nữ nhân viên của viện xúc động khi tự tay đóng nắp một thùng đựng máu:

“Chúng tôi tiếp tục chờ đợi những đợt máu gửi về từ các địa phương. Sau mỗi đợt tiếp nhận máu, chúng tôi đều cảm thấy xúc động và biết ơn những người đến hiến.

Và ai trong chúng tôi cũng cảm thấy trách nhiệm của mình lớn thêm khi những giọt máu này là từ nghĩa tình của người dân nhiều tỉnh, thành đã gửi gắm cho những bệnh nhân họ không hề biết mặt”.

________________

Kỳ tới: “Ngân hàng máu sống” trên đảo Lý Sơn

YẾN TRINH - 
TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên