Miếu Bà Liễu Hạnh gắn với tục thờ mẫu của cư dân Đại Việt trên vùng đất mới, được bao đời dân Nam Ô thờ cúng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
"Trên dặm dài mở mang bờ cõi về phía nam của nước Đại Việt xưa, ải chính là chướng ngại địa lý lớn nhất. nằm dưới đèo Hài Vân mây mù, bên có sông, trước có biển, là vùng đất đầu tiên trong hành trình Nam tiến của người Việt" - ông Đặng Dùng, một người nghiên cứu về làng Nam Ô, nói.
Cha ông tôi căn dặn con cháu giữ cánh rừng thiêng mỏm Hạc nơi công chúa dừng ghé chân trên đường bôn tẩu. Kể cả thời chiến tranh, cánh rừng nguyên sinh này luôn được dân làng gìn giữ
Ông ĐẶNG DÙNG
Lập sớm nhất nhì Đàng Trong
Dành 40 năm đi tầm khảo những tư liệu quanh vùng, ông Dùng thường được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử trong quá trình điền dã đến nhờ vả vì là lớp người rành chữ Hán - Nôm còn "sót lại" của làng Nam Ô. Ông tự nhận là "kẻ quan tâm quá đáng về mảnh đất mình đang sống".
Lật giở những trang thư tịch úa màu thời gian về ngôi làng, ông Dùng nói đó là của quý còn giữ lại được sau chiến tranh.
"Ngày còn nhỏ tôi thường theo ông ngoại đi chép chuyện truyền miệng của những người cao tuổi trong làng.
Không ai biết tổ tiên làng này lập từ thế kỷ nào nhưng qua những di chỉ Chăm từ tháp Chăm Xuân Dương mới khai quật, cho đến giếng Chăm "thành vuông đế lót gỗ" mà đến bây giờ làng vẫn dùng, rõ ràng đây là ngôi làng có gốc gác từ người Chăm được người Việt kế thừa.
Ngôi mộ tiền hiền của làng được những nhà sử học nhận xét là chưa thấy "đụng hàng" với bất cứ nơi nào ở miền Trung" - ông Dùng kể.
Ngôi mộ tiền hiền triệu cơ (người mở mang bờ cõi) mà ông Dùng nhắc tới nằm nép mình bên doi cát ven bờ biển. Ngôi mộ bề thế vẫn còn tấm bia cổ nhưng xung quanh thì toàn gạch vụn vì nằm trong vùng giải tỏa của dự án du lịch.
Ông Lê Sự, một bậc cao niên trong làng, cho biết trước đây Viện Khảo cổ Việt Nam về khảo sát cho rằng bia được lập từ đầu thế kỷ 19. Đó là dấu tích bia mộ, còn những người "gần đất xa trời" như ông Sự đều tin rằng làng mình chí ít cũng được lập sớm nhất nhì xứ Đàng Trong.
"Trên bia khắc có câu: Tiền hiền triệu cơ/hậu hiền khai khẩn. Tôi đi một số ngôi làng quanh Đà Nẵng thì các cụ bảo chỉ có làng Nam Ô như thế, còn lại các nơi đều dùng câu "Tiền hiền khai khẩn/hậu hiền khai canh". Không biết miền Trung này có ngôi làng nào thờ người mở cõi như làng tôi?" - ông Lê Sự ra dấu tự hào.
Rồi ông Sự, ông Dùng bày tỏ niềm vui khôn xiết khi gần đây một trang tư liệu phim của Pháp công bố những thước phim quay ở làng Nam Ô từ hơn 120 năm trước.
Thước phim này dài một phút với một cỡ hình toàn cảnh được tác giả Gabriel Veyre của Hãng Lumière (Pháp) thực hiện năm 1896, chỉ một năm sau khi anh em nhà Lumière công bố sáng chế máy quay phim.
Cảnh phim là ngôi làng dưới những tán cây với các mái nhà tranh trên bãi cát. Trong phim cũng xuất hiện người lớn và trẻ nhỏ với trang phục bản địa của họ thời bấy giờ. Người làng Nam Ô cho rằng điều đó cho thấy "số má" ngôi làng của họ thuở ấy!
Cánh rừng nguyên sinh gành đá Nam Ô được dân làng gìn giữ bao đời nay - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Rừng thiêng Huyền Trân công chúa
Trong Đại Nam nhất thống chí, Quốc sử quán triều Nguyễn có chép về địa danh Nam Ô như sau: "Núi Cu Đê cách huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) 28 dặm về hướng bắc, lại có tên là núi Hoa Ổ (tên Nam Ô trước đây) rất nhiều ve, người địa phương bắt nấu, vị rất ngon.
Mùa thu, mùa đông cầu vồng hiện ở phía nam núi, người ta lấy mà chiêm nghiệm mưa lụt. Núi thấp nhỏ, gỗ tạp mọc xanh um".
Dẫn chúng tôi tới cánh rừng cấm mỏm Hạc nằm trọn trong gành đá, ông Đặng Dùng tới bên một cây cổ thụ vừa vòng tay năm người ôm. Cây này không phải là cây lâu đời nhất trong làng nhưng là cây cao nhất trong số hàng trăm cây của khu rừng thiêng này.
"Từ trăm năm trước, dân làng đã đặt tên cây này là cây Huyền Trân công chúa, gắn với điển tích nhà vua đổi công chúa cho vua Chăm để mở mang bờ cõi".
Sử Việt chép rằng năm 1306, vua nước Đại Việt gả công chúa Huyền Trân cho vua Chăm Chế Mân để được thêm châu Ô và châu Lý. Chỉ một năm sau Chế Mân qua đời, tục người Chăm chồng chết vợ phải đi theo.
Thương em, vua Trần Anh Tông sai tướng Trần Khắc Chung hành phương nam giải cứu.
Người làng Nam Ô (cửa Nam của Đại Việt) cho rằng tướng Trần Khắc Chung nói với người Chiêm cho công chúa ra bờ biển để chiêu hồn chồng rồi đưa bà lên thuyền bôn tẩu.
Trong hành trình chạy từ kinh đô Đồ Bàn (Bình Định) về phương Bắc, bao quân tướng của ông đã hi sinh để chặn sự truy đuổi của quân Chiêm.
Lúc Trần Khắc Chung đưa Huyền Trân chạy ra đến Hải Vân, vì gió mùa không thể tiếp tục hành trình nên ông phải lưu lại Nam Ô, chờ đến mùa gió nam thổi mới đưa Huyền Trân về bắc.
Khi cả đoàn lên thuyền, một tùy tướng tình nguyện ở lại để trở thành người đầu tiên sống và chết ở Nam Ô. Ông chính là vị tiền hiền được người dân Nam Ô thờ phụng hôm nay.
"Từ bao giờ, giỗ làng vào ngày 24-6 âm lịch cha ông tôi lại căn dặn con cháu giữ cánh rừng thiêng mỏm Hạc nơi công chúa dừng ghé chân trên đường bôn tẩu. Kể cả thời chiến tranh, cánh rừng nguyên sinh này luôn được dân làng gìn giữ" - ông Dùng nói.
Mộ phần tiền hiền ở làng Nam Ô - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Phế tích Chăm ở làng Nam Ô
Tại làng Nam Ô, ngoài bốn giếng nước Chăm vẫn còn hiện diện tại làng, các nhà khảo cổ còn phát hiện rất nhiều di chỉ, phế tích khác có niên đại thế kỷ 10.
Đáng kể nhất là bàn thờ lễ vật (bali-pitha) chạm khắc hình bốn con voi đi vòng quanh theo chiều kim đồng hồ với kích thước 80x107x107cm đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Năm 2015, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã đào khai quật thám sát di tích tháp Chăm Xuân Dương tại làng Nam Ô và thu được rất nhiều hiện vật.
***********
Kỳ tới: Nơi thờ Tổ quốc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận