Chuyện làm sách dạy tiếng Việt ở xứ Đài

TRỌNG NHÂN - PHẠM TRANG 21/11/2021 19:00 GMT+7

TTCT - “Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ... Tiếng Việt ơi, tiếng Việt ân tình” - hai câu thơ ấy của Lưu Quang Vũ gói trọn mối liên kết giữa chị Nguyễn Thị Liên Hương, giảng viên tiếng Việt tại ĐH Đài Loan (NTU) và tiếng mẹ đẻ ở nơi xứ người. Tháng 3 vừa qua, chị cùng Nhà xuất bản Tuttle lần đầu cho phát hành quyển Từ điển tiếng Việt bằng tranh (Vietnamese Picture Dictionary) ở Mỹ. Đây là ấn bản tiếp theo trong tủ sách dạy và học Việt ngữ được chị thực hiện khi ở Đài Loan.

Cô Nguyễn Thị Liên Hương với một số cuốn sách học tiếng Việt do cô biên soạn. Ảnh: Judy Wu

 

Để dòng chảy tiếng Việt sâu hơn...

Quyển Vietnamese Picture Dictionary được đón nhận như thế nào, thưa chị?

Quyển từ điển phát hành vào đầu tháng 3, hiện có mặt trên hầu hết nền tảng thương mại điện tử ở Mỹ, nhận được nhiều bình luận tích cực. Ở Đài Loan, một số học sinh của tôi đặt sách từ sớm nhưng đã hết hàng chỉ sau một tháng. Đây là những tín hiệu khả quan.

Trong suốt quá trình làm quyển sách này, tôi rất hứng thú. Nội dung sách khá phù hợp cho người nước ngoài tìm hiểu tiếng Việt, gồm 1.500 từ vựng và mẫu câu ở trình độ cơ sở, thuộc 38 chủ đề khác nhau như đời sống, gia đình, màu sắc, thời tiết... 

Ngoài ra, sách có hình ảnh minh họa, bảng tổng hợp tra từ, giải nghĩa bằng tiếng Anh và bộ âm thanh Việt - Anh cho những ai muốn nghe cách đọc.

Sống xa quê hương hơn 20 năm, điều gì đã đưa chị đến con đường làm sách nhiều khó khăn ở nơi tiếng Việt không phải là ngôn ngữ chính thức? 

Vì từng có 10 năm nghiên cứu ở Viện nghiên cứu Trung Quốc, thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nên với tôi, viết lách là một trong những công việc yêu thích. 

Ngoài làm giảng viên tiếng Việt tại ĐH Đài Loan, tôi cộng tác viết báo, làm phát thanh viên một số chương trình cho người Việt ở Đài Loan. 

Tôi nghĩ viết sách là một cách đưa tiếng Việt tiếp cận nhiều người, đưa dòng chảy tiếng Việt thấm sâu hơn vào đời sống ở xứ Đài. Vì thế, khi các nhà xuất bản ngỏ lời hợp tác, tôi đồng ý ngay.

Đến nay, tôi đã có hơn 15 đầu sách liên quan đến ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam được xuất bản. Tôi cũng tham gia biên soạn và thẩm định sách tiếng Việt cùng Cơ quan giáo dục Đài Loan, dịch một số truyện tranh Việt Nam sang tiếng Đài như quyển Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Dế mèn phiêu lưu ký

Gần đây, tôi cho ra mắt hai bộ trò chơi tú lơ khơ học bảng chữ cái tiếng Việt và bảng từ giới thiệu về du lịch Việt Nam...

Một trong những sách dạy tiếng Việt của chị Hương tại Đài Loan. Ảnh: NVCC

 

Để cho ra một quyển sách dạy tiếng Việt hay, thích hợp với việc dạy và học ngôn ngữ cho người nước ngoài hoặc người gốc Việt thường trải qua những công đoạn thế nào? 

Trước hết, cần hình dung đối tượng quyển sách hướng đến, sau đó sẽ soạn một đề cương chi tiết. Nhóm độc giả từ 1 - 6 tuổi sẽ được tập trung vào các kỹ năng giao tiếp, nhóm từ 6 - 12 tuổi lại nghiêng về các kỹ năng đọc và viết.

Dù đối tượng nào, nội dung sách cũng được lồng ghép các chủ đề văn hóa Việt Nam và các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết dân gian như tìm hiểu về ẩm thực 3 miền, truyền thuyết bánh chưng bánh giầy, truyền thuyết Thánh Gióng hay sự gắn kết nguồn cội con rồng cháu tiên. 

Phần giao tiếp sẽ có những mẩu đối thoại gần gũi như đoạn trò chuyện giữa người cháu ở Đài và bà ngoại Việt trong chuyến về quê, cuộc gọi điện thoại về Việt Nam hỏi thăm người thân... Với những chủ đề này, các em có thể ứng dụng vào đời sống thực tế.

Miệt mài vun đắp tình yêu tiếng Việt

Hiện nay trong các lớp giảng dạy tiếng Việt ở ĐH Đài Loan mà chị đang đảm nhiệm, những sinh viên chọn theo học là ai? 

Khi tôi bắt đầu đến ĐH Đài Loan công tác (năm 2008), sinh viên học tiếng Việt khá ít, đa số học vì tò mò. Giờ đây, số lượng sinh viên theo học đã đông hơn. Sinh viên Đài học để giao tiếp với cộng đồng người Việt và để đi Việt Nam làm việc ngày càng gia tăng. 

Sinh viên gốc Việt học để tìm về nguồn cội, trong khi các bạn sinh viên trao đổi gốc Việt từ Mỹ, Úc... đến ở Đài Loan chọn học một phần vì thấy tiếng Việt hấp dẫn.

Thường thì tôi sẽ dành học kỳ 1 để làm cho các học trò mới yêu tiếng Việt hơn. Buổi gặp gỡ đầu tiên, dù lớp đến 40 - 50 sinh viên, tôi cũng dành thời gian trò chuyện với từng người để biết lý do học tiếng Việt của các bạn. Nếu lý do không cụ thể, tôi thường khuyên các bạn nên chọn học phần khác. 

Ngược lại, khi đã có lý do, dù là nhỏ nhất như để làm quen với chị hàng xóm người Việt, hoặc bắt chuyện với bạn cùng ký túc xá, cũng sẽ là cơ sở cho sinh viên theo đuổi tiếng Việt.

Sau đó, tôi sẽ đưa vào chương trình giảng dạy những chủ đề học liên quan mục tiêu của các bạn. 

Chẳng hạn, khi có sinh viên nói học tiếng Việt để tìm hiểu món phở, tôi thêm vào những bài học chủ đề ẩm thực, rồi văn hóa, du lịch, để duy trì sự hứng thú này. Quan trọng nhất là kiên nhẫn tìm cách thu hút giúp sinh viên dễ tiếp thu bài học.

Cô Nguyễn Thị Liên Hương trong một giờ học tiếng Việt với sinh viên ĐH Đài Loan. Ảnh: Judy Wu

 

Chị thường mời nhiều người từ Việt Nam sang Đài Loan tham gia những buổi nói chuyện với sinh viên. Vì sao chị lại tốn công cho những việc như thế?

Dạy học là công việc tôi yêu thích suốt mười mấy năm qua. Để tăng sự thú vị cho các buổi học, tôi thường mời những người ở Việt Nam có dịp sang Đài Loan đến giao lưu với sinh viên của trường. 

Mới nhất là một nghệ sĩ đương đại. Một số bạn bè tôi quen biết hoạt động trong các lĩnh vực, nhà báo... khi ghé qua Đài Loan, tôi thường mời đến nói chuyện với sinh viên của mình.

Nhờ vậy, sinh viên sẽ biết thêm nhiều điều đang diễn ra ở Việt Nam, được nghe những giọng vùng miền khác nhau. Tôi thường nói vui với các bạn rằng: Học tiếng Việt không phải chỉ biết mỗi cô Liên Hương. 

Trên lớp, tôi nói chậm, dùng từ ngữ gần gũi, dễ hiểu. Nếu rơi vào tình thế phải giao tiếp với những khách mời lần đầu nói chuyện, các bạn sẽ được rèn luyện tốt hơn.

Nhiều người cho rằng tiếng mẹ đẻ ở hải ngoại khi qua những thế hệ F2, F3 sẽ dần phai nhạt, thậm chí đến lúc sẽ “hòa tan” vào ngôn ngữ bản xứ. Chị có từng trăn trở về điều này?

Tôi không cảm thấy nguy cơ đó, có lẽ một phần tôi là người lạc quan. Dù thế hệ con cháu thường ưu tiên học tiếng bản địa, tôi cảm nhận rằng đến một thời điểm, sự thôi thúc lạ kỳ ẩn sâu bên trong sẽ đưa các bạn đến với tiếng Việt. 

Tôi từng gặp nhiều bạn trẻ gốc Việt, khi còn nhỏ chưa ý thức học tiếng Việt để làm gì, nhưng khi trưởng thành, tiếp xúc thế giới xung quanh, khi vào giảng đường đại học, các bạn lại có nhiều câu hỏi về nguồn cội, về tiếng mẹ đẻ... Vậy là các bạn tự tìm đến những khóa học tiếng Việt.

Trong những lớp của tôi, có nhiều sinh viên như thế. Những ngày đầu tiên, khi tôi hỏi học tiếng Việt để làm gì, họ nói: “Học để sau này có thể đi Việt Nam”. 

Xong một học kỳ, cũng với câu hỏi đó, các bạn lại trả lời: “Học để sau này có thể về Việt Nam”. Nghe tới đấy, tôi rất cảm động. Chữ “đi” đã chuyển thành chữ “về”, nghĩa là các bạn đã thật sự có ý thức về nguồn cội.

Cũng có bạn, sau khóa học chia sẻ đã chịu khó viết thư, nhắn tin với người thân bằng tiếng Việt. Có bạn thổ lộ sẽ quyết tâm làm việc trong Cơ quan ngoại giao, để thúc đẩy mối quan hệ giữa nơi mình đang sống và Việt Nam.

Có bạn lại muốn thành lập những tổ chức để bảo vệ người Việt yếu thế ở nước ngoài. Hay giản dị hơn, có bạn hứa sẽ nói tốt tiếng Việt chỉ để ba mẹ vui lòng.

Nguồn gốc luôn có trong các bạn và sẽ phát triển vào một giai đoạn nào đó. Vấn đề là cần sự kiên trì vun đắp, đặc biệt là từ gia đình, để những hạt giống đó có cơ sở để nảy nở khi gặp điều kiện thuận lợi về sau.

Quyển sách Vietnamese Picture Dictionary vừa được nhà xuất bản Tuttle phát hành và có mặt trên Amazon. Ảnh: CTV

 

Chị Nguyễn Thị Liên Hương tốt nghiệp khoa sử (ĐH Quốc gia Hà Nội), lấy bằng á khoa ngành nghiên cứu Đông Nam Á của ĐH Chi Nan (NCNU, Đài Loan) và chương trình ngôn ngữ Trung Quốc tại ĐH Văn hóa và ngôn ngữ Bắc Kinh. 

Chị từng là nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Trung Quốc của Viện Khoa học xã hội Việt Nam gần 10 năm. Năm 2008, chị chuyển sang giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam tại ĐH Đài Loan. Chị cũng là MC quen thuộc trong các chương trình truyền hình cho người Việt ở Đài Loan.

Chị Liên Hương đã tham gia biên soạn và chủ biên hơn 15 cuốn giáo trình dạy tiếng Việt, sách về văn hóa Việt Nam: Bộ sách tiếng Việt cho lớp 1-6 tiểu học, Sách tiếng Việt cho con em tân di dân thế hệ 2 ở Đài Loan. Với người lớn có các quyển: Sách dạy tiếng Việt cho người lớn, Tiếng Việt trình độ cơ sở A1, 12 giờ làm quen với phát âm, từ vựng và hội thoại tiếng Việt

Với tôi, tiếng Việt là tình yêu, là niềm tự hào khi mình có thể góp một phần nhỏ truyền lửa cho mọi người thông qua chiếc cầu nối ngôn ngữ. Tiếng Việt với tôi còn là một niềm trăn trở để truyền lại cho những thế hệ đời sau


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận