26/12/2016 13:19 GMT+7

Chuyện làm ăn của ông Lê Đầy

YẾN TRINH 
(yentrinh@tuoitre.com.vn)
YẾN TRINH 
([email protected])

TTO - Người ta thường nghĩ người gốc Việt ở Phnom Penh thường có gốc gác miền Tây Nam bộ, nhưng ông Lê Đầy quê ở Hải Dương.

Ông Lê Đầy với món giò chả đặc sản Việt Nam - Ảnh: Tiến Trình
Ông Lê Đầy với món giò chả đặc sản Việt Nam - Ảnh: Tiến Trình

Ở tuổi 50, ông có một cơ nghiệp tương đối sau những năm tháng mưu sinh ở xứ người: ba căn nhà, một tiệm phở, một cơ sở sản xuất giò chả.

Tiệm phở của ông nằm trên đường 516, quận Toul Kork, từ sáng đã đông khách đến ăn. Ở một nơi xa xôi thế này, thật ấm áp khi gọi một tô phở bò tái nghi ngút khói, bỏ vào giá trụng, rau quế... và nghe cái vị của quê hương xứ sở thấm vào lòng.

“Ai đặt hàng dù chỉ có 1kg giò mà ở xa cả 20km tôi cũng chạy xe đi giao. Họ tin mình họ mới đặt mua, xa xôi chút thì có ngại gì đâu

Ông Lê Đầy

34 năm ở xứ người

Khi nhắc về những năm tháng bươn chải ở Phnom Penh với hai bàn tay trắng, ông Đầy lộ vẻ xúc động.

Tháng 11-1982, ông tham gia quân tình nguyện VN và phục vụ đến năm 1987. “Xuất ngũ, tôi về lại Hải Dương một tháng. Rồi do có bà con ở Tây Ninh nên khăn gói vào đó, vì ở quê cũng không biết làm gì để sống” - ông kể.

Ở Tây Ninh được nửa năm, một người bạn rủ ông qua Campuchia làm ăn. Không suy nghĩ nhiều, ông gom mấy bộ quần áo rồi lên đường.

Qua xứ người, ông Đầy ở nhờ nhà người quen, học cách làm men nấu rượu. Chưa đầy hai năm, gia đình người này về lại VN, ông thất nghiệp.

Giọng buồn buồn, ông nói: “Thấy ở khu mình sống có người làm nghề cắt tóc nên tôi nghĩ mình cũng làm được. Vậy là tôi lấy một chỉ vàng dành dụm đi học cắt tóc”.

Ngày ngày, ông đạp xe tới chợ Orussey để học nghề. Thời điểm đó, ở khu chợ này chỉ có tiệm cắt tóc của người VN, cùng với vài tiệm bán cà phê, tạp hóa rải rác.

Trong lúc hành nghề, ông Đầy tình cờ gặp và cưới một phụ nữ VN. “Cổ bán bánh mì ở gần chân cầu, qua chỗ tôi cắt tóc rồi quen nhau. Năm 1990, tôi mua được căn nhà nhỏ rồi làm đám cưới. Ban ngày tôi vẫn đi cắt tóc, ban đêm bán bánh mì ở lề đường Toul Kork tới 1g sáng mới dọn về”.

Nói là mua được nhà nhưng lúc đó chỉ là căn nhà lợp lá thốt nốt tạm bợ, chi tiêu thiếu trước hụt sau. Ông bảo vì biết cuộc sống mà hai vợ chồng mới tạo dựng chỉ là bước đầu của chặng đường dài, nên nhắm dư được chút nào là mua vàng cất, không dám sắm sửa tiêu xài gì.

Mở trang trại nuôi dê

Ông Đầy là người có máu làm ăn, thấy cái gì có vẻ làm được là không ngại thử sức. “Thấy bán bánh mì và cắt tóc mãi cũng không dư được, khoảng năm 2006 tôi chuyển qua bán lẩu dê. Cũng lo lắng vì không biết có đắt khách không, tôi cũng chưa từng mở quán ăn bao giờ cả” - ông nói.

3g sáng ngày nào ông cũng chạy xe máy 16km, ngồi phà qua sông Tonlé Sap (đoạn sông Mekong chảy qua Phnom Penh) để đến trang trại mua dê. Ông lấy mối mỗi ngày một con.

Trước đó, ông Đầy thuê người từ VN qua để chỉ cách giết thịt, nấu lẩu và làm các món ăn liên quan đến dê. Việc bán buôn cũng không lời nhiều nhưng khách đến quán ông ngày một đông bởi ông nấu đúng hương vị VN. Nhiều người ở xa cũng tìm tới quán.

Khi quán lẩu dê đã ổn định, năm 2010 ông mở trang trại để cung cấp thịt dê và tạo thị trường.

Ông tìm mua một miếng đất khoảng 300m2 ở ngoại thành, gần cánh đồng cỏ để có nguồn thức ăn cho dê, và cất thêm một căn nhà. Nơi này gần con đường mang tên Hà Nội, được đặt tên từ một chuyến ngoại giao của Chính phủ VN với Campuchia trước đây.

Ông cũng mua một chiếc xe hơi để đi buôn dê. Những ngày đầu, chuồng dê của ông là cái chuồng bằng ván ghép lại, có vỏn vẹn 6 con dê.

Dần dần qua hai năm, mọi thứ đâu vào đó, ông giao chuồng dê lại cho vợ chăn nuôi. Ông có ba quán lẩu dê, sau này sang lại nên hiện tại chỉ còn một quán. Giao lại cho vợ, ông tiếp tục tính toán để kiếm chuyện làm tiếp.

Trong lúc chuyện trò, ông Đầy bộc bạch rằng ông rất thích ăn phở VN nhưng những năm đó tìm một quán phở đúng chất VN ở Phnom Penh là chuyện cực khó. Nghĩ vậy, ông quyết tâm mở một quán phở.

“Tôi có quen với một anh người Nam Định cũng từng bán phở đắt hàng. Tôi mời anh ấy lại nhà ăn cơm trưa, rồi ngỏ ý muốn anh truyền lại nghề nấu phở. Anh ấy vui vẻ đồng ý, còn sang lại đồ nghề bán phở ngày trước cho tôi nữa” - ông kể.

Học được cách nấu phở nhưng ông Đầy vẫn đắn đo. Bởi Phnom Penh có cả người Khmer, người gốc Hoa, gốc Việt (đa số là người miền Nam) sinh sống, sở thích ăn uống cũng khác nhau, vậy làm sao để phở của ông chiều được lòng khách?

Vậy là ông mày mò, vừa nấu vừa hỏi ý kiến người xung quanh sao cho vừa miệng nhưng vẫn đảm bảo giữ những hương vị phở truyền thống.

Kể về ngày đầu khai trương quán, ông hào hứng: “Bữa đó tôi không thu đồng nào của khách, đồng thời nhờ khách góp ý xem phở đã ngon chưa. May là khách khen, coi như mình đã thành công”.

Thời điểm đó, khách đến quán ông ăn phở rất đông. Nhiều người ở tuốt trong nội thành cũng chịu khó chạy xe đến quán ông ăn một tô phở rồi đi về. Người gốc Hoa, người Khmer cũng ưng món phở của ông.

Dù làm đủ thứ việc nhưng ông Đầy chưa khi nào nản lòng. Sau vài năm, trang trại của ông có 200 con dê, ông còn nuôi thêm cừu, vịt xiêm... để bán. Rồi ông chuyển sang làm doanh nghiệp, nhập khẩu hàng hóa cho một tổng công ty về mạng điện thoại, vận chuyển thiết bị làm cầu...

Tuy đã khá giả nhưng ông vẫn giữ lại bộ đồ nghề ngày trước cắt tóc, giữ lại cái chuồng dê nhỏ xíu mà hiện giờ ông cải biến thành chỗ ngủ của mình mỗi đêm. Ông nói làm vậy để nhớ lại những tháng ngày gian khó.

Món giò chả của quê hương

Từ năm 2011, ông Đầy học cách làm giò chả từ người bạn cùng quê. “Tôi sắm đồ nghề làm giò hết 10 triệu đồng, rồi mời người bạn từ VN sang dạy nghề cho mình trong một tháng” - ông kể.

Phải mất một năm ông mới làm thành thạo vì ban đầu không biết cách pha các loại nguyên liệu, mẻ nào cũng bị hỏng. Cứ mẻ nào hỏng, ông lại mày mò tìm nguyên nhân, rồi tiếp tục làm mẻ mới. Hiện tại, một lần làm được 60kg, ông bán được ba ngày.

Người ta đùa rằng ông giờ “giàu” rồi thì giữ cái nghề làm giò chi cho cực thân, nhưng ông nói đó là món giò chả của quê hương, ông không bỏ được.

Rồi ông kể tiếp: “Mỗi lần làm là tôi dậy từ 2g30 sáng để đi chợ mua nguyên liệu cho tươi ngon. Máy làm giò, nguyên liệu, các công đoạn đều phải bảo đảm sạch sẽ để khách tin dùng”.

Cũng bởi vì món giò của ông làm ra thơm ngon, tính ra tiền VN là 220.000 đồng/kg nhưng bán đắt hàng.

Và cũng chính vì thế, khi nhắc tới ông, người ta thường gọi là ông Đầy giò chả. “Ai đặt hàng dù chỉ có 1kg giò mà ở xa cả 20km tôi cũng chạy xe đi giao. Họ tin mình họ mới đặt mua, xa xôi chút thì có ngại gì đâu” - ông chia sẻ.

Trong những năm tháng nơi xứ người, hiểu nỗi đắng cay bơ vơ khi mới sang Phnom Penh nên ông Đầy luôn chú tâm giúp đỡ những người VN mới sang có ý định kinh doanh. Từ những kinh nghiệm có được, ai tìm đến hỏi ý kiến, ông đều nhiệt thành chỉ dẫn.

Trả nợ quê hương

Sau khi thành công nơi đất khách, ông Lê Đầy muốn trả nợ cho quê hương. Chừng chục năm nay, ông là “địa chỉ đỏ” để người ở VN tìm kiếm người thân của mình bên Campuchia. Ông ra sức dùng thời gian rảnh rỗi để đi tìm giúp những người nhờ cậy mình.

Ông tâm sự: “Những năm tháng chiến tranh, tôi từng chứng kiến cảnh cha con, anh em thất lạc nhau nên tôi hiểu nỗi mong mỏi đoàn tụ của họ. Vì vậy khi có người nhờ, dù bất kể ở đâu tôi cũng sẽ tìm giúp”.

Kỳ tớiSáng đi chiều về

  • Kỳ 1: 
  • Kỳ 2: 
YẾN TRINH 
([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên