17/07/2010 05:25 GMT+7

Chuyện lạ ở rừng Phan Dũng

NGUYỄN VIỄN SỰ
NGUYỄN VIỄN SỰ

TT - Trong khi nhiều cánh rừng khắp nơi đang bị triệt hạ để lấy gỗ, làm rẫy, lập trang trại thì rừng Phan Dũng (Tuy Phong, Bình Thuận) lại là câu chuyện ngược lại: 16 năm nay, khu rừng hơn 20.000ha với nhiều loại gỗ quý này vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn.

UKSLYcau.jpgPhóng to
Anh Lê Văn Tự và anh Lê Duy Hùng, hai cán bộ của trạm 3, kiểm tra một lán rừng hương và bằng lăng ở tiểu khu 4. Đây vốn là rừng non nhưng nhờ không bị xâm hại nên đã phát triển thành rừng già - Ảnh: Viễn Sự

Mỗi khi có khách quý về Tuy Phong, chuyện ông bí thư huyện ủy Nguyễn Minh Chính hay kể nhất chính là cánh rừng bạt ngàn ở Phan Dũng. Chỉ tay về phía cánh rừng vùng cao này, ông nói: “Rừng Phan Dũng xa nhất nhưng là nơi đáng tới nhất của Tuy Phong”.

Niềm tự hào

Chúng tôi ngược đường đèo 30km dọc lưu vực hồ Sông Lòng Sông để đến Phan Dũng. Xã vùng cao này chỉ có một con đường về xuôi và dân số không đủ để chia thành đơn vị hành chính cấp thôn. Nhưng sự nhỏ bé ấy càng làm những người lần đầu đặt chân đến đây thêm choáng ngợp vì những cánh rừng bạt ngàn chỉ cách trường tiểu học và UBND xã trăm thước. Từ đây, cây rừng ngút tầm mắt qua mấy quả núi kéo dài đến tận ranh giới với Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Trên chiếc xe Win, anh Lê Văn Tự - trạm trưởng trạm 3 Ban quản lý rừng phòng hộ Tuy Phong - đưa chúng tôi vào rừng Phan Dũng theo lối rẫy của bà con Rắc Lây. Mọc chen vào những đám rẫy dọc suối Tà Hoàng dẫn vào rừng là những cây gỗ hương, lim xẹt, căm xe, gõ..., đường kính hơn cả một vòng ôm.

Anh Tự bảo: “Đây chưa phải rừng mà vẫn còn là đất rẫy của bà con đấy!”. Hóa ra những cây gỗ đã đến tuổi khai thác mà chúng tôi vừa thấy chưa phải thuộc địa hạt của rừng Phan Dũng, mà chỉ là cây rừng “ngụ cư” vào rẫy của bà con nhưng vẫn được giữ nguyên vẹn.

Đi được vài cây số, thêm mấy lần băng qua khúc quanh của suối Tà Hoàng thì địa phận rừng được bảo tồn hiện ra với những khoảnh rừng đặc chủng hương và bằng lăng. Trừ một lối mòn đủ cho chiếc xe Win băng qua, xung quanh đều là những tán cây cao vút, còn phía dưới là những đám nghệ rừng xanh non trải dài như thảm, đi mãi trong rừng vẫn không hề thấy có một dấu tích dao, rựa.

Anh Tự cho biết 16 năm trước, khi đóng cửa rừng, khoảnh rừng gỗ hương và bằng lăng này chỉ mới là rừng non. Nhưng từ đó đến nay nhờ không bị xâm lấn, hương và bằng lăng ngày càng lớn, nay đã đủ tuổi để khai thác nhưng vẫn tiếp tục sinh sôi.

Càng đi sâu vào rừng, khi chạm chân núi Varit, phải bỏ xe lại cuốc bộ thì mật độ rừng càng dày. Cây to với đường kính 40-50cm đến vài người ôm càng lúc càng nhiều. Không chỉ là những khoảng rừng bằng lăng hay hương nữa mà rất nhiều loại gỗ quý từ căm xe, căm liên, gõ, cẩm lai, dầu... chen nhau mọc.

Dành trọn một buổi chiều, xuyên qua gần 15km dưới những tán rừng rậm rạp nhưng chúng tôi chỉ mới đi chưa hết một phần ba chiều dài của rừng Phan Dũng. Phía trước, từ đỉnh Varit đến đỉnh Cô Đơn, vắt qua tận ranh giới với Lâm Đồng và Ninh Thuận, cây rừng bạt ngàn nối nhau...

Cùng nhau giữ rừng

Ông Trần Đình Cẩn, hạt trưởng kiểm lâm Tuy Phong, cung cấp thêm những con số ấn tượng không kém: ba năm nay, trên 20.000ha rừng Phan Dũng chỉ bị đốn chưa tới 50 cây gỗ. Năm 2008: 18 cây, năm 2009: 19 cây, sáu tháng đầu năm 2010: 11 cây. Cũng là những con số khô khan, nhưng nếu ở nhiều cánh rừng khác thì những con số khi đọc lên thường kèm theo nỗi xót xa, còn ở Phan Dũng con số đó là niềm tự hào của chính quyền và người dân.

Niềm tự hào ấy không phải bỗng dưng mà có, 16 năm đóng cửa rừng là bấy nhiêu năm người dân và cán bộ quản lý rừng bám trụ từng gốc cây, từng đường đi nước bước của lâm tặc. Đi vào rừng Phan Dũng, cứ một đoạn 5km các cán bộ quản lý rừng lại chỉ cho chúng tôi những khung lều tạm bằng cây rừng. Phía sau khung lều tạm ấy bao giờ cũng có võng, tăng và xoong để nấu ăn do các anh giấu sẵn cho những đêm tuần rừng phải ngủ lại hoặc khi có lũ cắt đường.

Anh Lê Văn Tự cho biết để tuần tra hết rừng Phan Dũng phải mất ít nhất hai ngày, nhưng trung bình mỗi chuyến anh em trong ban quản lý phải đi gần ba ngày. Lý do là nhiều người đi tuần tra “lấn” sang cả rừng Ma Nới (Ninh Thuận) và rừng Tà Năng (Lâm Đồng) để xem lâm tặc bên ấy có rục rịch qua bên này?

“Đi tuần nhiều vậy chỉ canh được rừng giáp ranh thôi, còn vùng rừng gần này không có bà con thì tụi này cũng giữ không xuể” - anh Tự nói thêm. Cả xã Phan Dũng chưa tới 200 hộ dân thì có tới 100 hộ ăn lương nhà nước để giữ rừng. Giống như cán bộ, bà con Rắc Lây cũng đi tuần mỗi tháng bốn lần trong vùng rừng gia đình được giao.

“Bà con mình mỗi quý nhận 1 triệu đồng, hứng thêm mấy can dầu rái (dầu từ nhựa cây để trét thuyền) bán là đủ no bụng rồi. Vậy là yên tâm lo giữ rừng!” - già làng Mang Tư thật thà nói thay cho người dân.

Những đôi dép mòn đế

Đến thăm những trạm gác rừng ở Phan Dũng, thứ nhiều nhất là những đôi dép nhựa tổ ong chưa sứt quai nhưng đã mòn đế xếp chật cả góc nhà. Đó chính là những đôi dép đi rừng của các nhân viên ở đây. Anh Lê Duy Hùng, một cán bộ của trạm 3, thật thà: “Mỗi chuyến đi rừng ba ngày, cuốc bộ hơn 60km, chỉ 2-3 chuyến là phải thay dép”.

Hơn 20.000ha nhưng cả ba trạm quản lý rừng ở Phan Dũng chỉ có 26 người thay nhau đi tuần rừng. Trạm 3 là trạm “nóng” nhất, thường xuyên phải canh chừng lâm tặc từ Ninh Thuận và Lâm Đồng sang đốn cây, có 11 cán bộ nhưng thường chỉ có năm hoặc sáu người tại trạm vì phải thay nhau vào rừng tuần tra, bất kể thời tiết hay ngày lễ, tết.

Các anh cho biết phải thay nhau đi ba ngày một lần vì đó cũng là quãng thời gian mà lâm tặc từ Lâm Đồng và Ninh Thuận có thể vượt núi qua được Phan Dũng.

Năm trước, một nhóm lâm tặc từ Lâm Đồng đã cử người sang “tặng quà” và đặt vấn đề “mua rừng” với anh em trong trạm 3, nhưng lập tức bị đuổi về và báo ngay lên cấp trên. Nếu những tay phá rừng này chịu khó quan sát hơn để nhìn được những đôi dép mòn đế này có khi đã không phải cất công sang năn nỉ.

NGUYỄN VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên