Ước mơ được đến trường của trẻ em Đề Chia sắp trở thành hiện thực - Ảnh: VŨ TUẤN
Trước mắt ở điểm trường sẽ mở hai lớp. Một lớp mầm non cho trẻ dưới 6 tuổi để chuẩn bị cho chúng học lớp 1 theo chương trình chuẩn. Lớp còn lại dạy bổ túc cho đám trẻ lớn hơn
LƯƠNG VŨ KHOA - Bí thư Đảng ủy Cán Chu Phìn
Tin vui từ cán bộ xã, nhiều nhà hảo tâm đã quyên góp tiền để toàn bộ 23 nóc nhà nằm tách biệt trên vách núi sẽ được tài trợ làm mới.
Mở đường cho con chữ về bản
Chiếc xe máy như muốn cắm đầu xuống đất vì dốc. Con đường nối giữa trung tâm bản Đề Chia với xóm bờ sông Nho Quế phải đi vòng qua thôn khác, xa hơn chừng 6 cây số. Con đường nhỏ chỉ vừa một chiếc xe máy chạy một chiều, đôi gương chiếu hậu quệt sàn sạt vào lá ngô.
Phó chủ tịch xã Cán Chu Phìn Vừ Mí Tính bảo đi xe máy vào con đường này thì tay phải khỏe, chỉ đi được khi trời nắng lâu ngày. Chỉ cần vài hạt mưa, mặt đường vừa dính vừa xóc như người ta mới đổ mật nóng vào mâm kẹo lạc.
Người ở xóm bờ sông nếu không leo trèo vách núi từ sông Nho Quế lên mà đi đường này thì phải gửi xe máy cách xa gần 4 cây số.
Cố mãi rồi anh cán bộ xã cũng phải dựng xe vào bờ đá bên nương ngô để cuốc bộ.
"Xã đã có nguồn rồi, toàn tiền các nơi ủng hộ - Vừ Mí Tính tiết lộ - Trước mắt anh em với bà con trong thôn làm nhà cho cụ Già Thị Sai rồi sẽ gấp rút mở đường".
Bà Sai đã hơn 70 tuổi, sống một mình, nuôi hai đứa cháu. Bà có ba con trai, một anh đã mất, một anh vẫn ở Đề Chia, cũng nghèo rớt mồng tơi. Chỉ có anh con thứ hai khá khẩm hơn đã mua nương, mua nhà ở Cao Bằng.
Anh con út mất, để lại hai đứa con. Anh con thứ nuôi cả bà và hai đứa cháu. Khoảng chục năm trước, sau khi nhận đền bù của nhà máy thủy điện, anh con trai thứ bán nhà, bán đất rồi lấy vợ, lập nghiệp ở Cao Bằng. Anh đón cả bà, cả hai đứa cháu đi ở cùng.
Thế rồi, năm ngoái người Đề Chia lại thấy bà Sai dẫn hai đứa cháu về. Bà ở nhờ nhà anh con cả rồi dọn ra căn nhà nhỏ ven nương. Người phụ nữ già lại còng lưng tra ngô, kiếm cái ăn bữa đói bữa no nuôi cháu.
Bà Sai còn một mảnh đất trồng được hơn chục ống bơ ngô giống ở trung tâm thôn Đề Chia. Xã vận động bà về đó ở, xã sẽ làm nhà cho bà bằng tiền ủng hộ ở đó. Nhưng bà Sai không muốn, bà muốn sống xóm bờ sông. Xã lại tìm người, ở bờ sông rồi đổi đất để bà Sai có chỗ dựng nhà, làm nương.
"Nhiều nhà hảo tâm ủng hộ được hơn trăm triệu đồng, bà con trong xóm sẽ bỏ công. Toàn bộ tiền để làm nhà chính, nhà bếp và nhà vệ sinh, còn chuồng dê thì anh con cả sẽ làm cho bà" - Vừ Mí Tính cho hay.
Căn nhà xây đầu tiên và duy nhất trong bản là nhà của Vàng Chứ Sử. Sử mua máy xát đá, tháo từng bộ phận gùi về bản. Sử xát đá, trộn ximăng đóng gạch xây nhà. Nhà Sử chắc nhất ở xóm này.
Vài hôm nữa bà Sai, người nghèo nhất bản, sẽ có căn nhà xây thứ hai, vui lắm. Nhưng vui hơn nữa là cả 23 hộ sẽ được làm nhà mới, có đường bêtông, xe máy vào tận nơi, lại còn có thêm một điểm trường cho trẻ con đi học.
Dân bản Đề Chia sửa đường để chở ximăng vào bản xây lớp học - Ảnh: VŨ TUẤN
Xóm bờ sông sẽ đổi thay
Xóm bờ sông Nho Quế hay còn gọi bản "Đề Chia B" ríu rít tiếng trẻ lẫn trong tiếng lá ngô xào xạc. Anh Vừ Mí Tính đếm đi đếm lại, rà soát hết cuốn sổ ố vàng vì khói bếp của thôn.
Trong sổ hộ tịch chỉ có 15 hộ nhưng có 23 gia đình. Lũ trẻ lít nhít trong tuổi mẫu giáo hơn 20 đứa. Trẻ từ 6 tuổi đến lứa "lộc ngộc" cũng vài chục đứa. Nhưng chưa đứa nào được đến trường.
Cán bộ xã vẫn dặn dò kỹ người trong bản chờ đến tối, đếm lại từng nhà cho đủ như "đếm gà trong chuồng", vì người ở đây sinh con chẳng mấy khi ra trạm y tế. Năm trước xã phải cử cả cán bộ, công an đến tận nơi làm giấy khai sinh cho họ. Nhiều đứa 7, 8 tuổi (bố mẹ chúng ước chừng) mới chính thức có tên.
Đau đầu nhất là tìm nơi dựng điểm trường. Ở Đề Chia trên vách núi, đất quý hơn vàng, bởi nhìn đâu cũng chỉ toàn là đá và đá. Đếm lại chỉ vài nhà ở từ ngày mới đến khai hoang, lập bản không phải kè đá làm nền. Còn lại hiên nhà nào cũng kè đá cao quá đầu người.
Ngắm mãi cũng được mảnh nương của nhà Vàng Mí Vừ. Chỗ này gần nguồn nước, kè thêm ít đá là có mặt bằng khoảng 150m2. Đã thế lại có thêm một mảnh vườn rộng chừng hai sải tay chạy dài cho thầy cô giáo trồng rau.
Nhỏ bé thế nhưng là mảnh nương đẹp nhất bản này, ai nhìn cũng thích. Vàng Mí Vừ đang đi làm thuê ở Hà Nội, mới nghe cán bộ nói mua lại mảnh nương thì tiếc đứt ruột. Nhưng khi biết sẽ xây lớp học cho trẻ con trong bản thì Vừ mừng lắm, anh đồng ý bán 16 triệu đồng. "Cán bộ cứ xây nhà đi, khi nào mình về ký giấy bán cho".
Bí thư Đảng ủy Cán Chu Phìn Lương Vũ Khoa thở phào nhẹ nhõm.
"Trước mắt ở điểm trường sẽ mở hai lớp. Một lớp mầm non cho trẻ dưới 6 tuổi để chuẩn bị cho chúng học lớp 1 theo chương trình chuẩn. Lớp còn lại dạy bổ túc cho đám trẻ lớn hơn" - ông Khoa nói.
Ở Đề Chia bây giờ vui lắm, Vàng Mí Sếnh nói vui hơn cả hồi đi chở bao tiền đền bù của thủy điện về nhà cất.
Sếnh lấy vợ từ hồi 16 tuổi, giờ đã có ba đứa con. Bố mẹ Sếnh không biết chữ, không biết nói tiếng phổ thông, gần như lần nào phiên chợ cũng xuống chợ huyện nhưng chỉ nói tiếng Mông với người bán rượu, bán thắng cố ở chợ.
Vợ chồng Sếnh cũng không đi học, cả nhà chỉ có Sếnh biết nói bập bõm tiếng phổ thông. Sếnh đi làm thuê, đón ôtô bị lạc xuống tận Vĩnh Phúc vì không đọc được cái chữ trên đầu xe.
"Sắp được xây lớp học rồi, mình không đi về xuôi làm công nữa, ở nhà để hộ người bản làm đường, làm lớp học chứ. Cán bộ xã vào bảo dân bản chăn nuôi gì sẽ có nhà thiện nguyện cho, cả bản chọn nuôi dê cho nó đẻ. Đám ma không mổ thịt như con bò nữa" - Sính phân trần.
Buổi họp hôm ấy, cả bản ồ lên đồng ý góp mỗi nhà thêm 100.000 đồng thêm vào tiền mua đất xây lớp học. Bán hai bao ngô thì có 100.000 rồi, cái ngô trồng lại được.
Mấy đời nay mới có cái lớp học ở bản, ai cũng muốn có chỗ để cô giáo đến dạy chữ cho trẻ con. Nhưng muốn cô giáo mang cái chữ đến thì phải có cái đường xe máy vào được Đề Chia "B" đã.
Họ bàn bạc sẽ bỏ công giúp bà Sai có nhà ở trước, rồi phá đá làm nền nhà lớp học. Kế đó là phá đá mở đường vào bản cho xe máy chở ximăng vào. Họ sẽ giúp dựng nhà lắp ghép làm lớp học, làm nhà ở cho cô giáo, rồi hộ nhau làm hết 22 căn nhà còn lại.
Họ sẽ đập đá, xát đá (nghiền đá) ngay tại chỗ. Đá nhỏ trộn với ximăng đóng thành gạch xây nhà luôn.
Xã bỏ tiền thuê người chở ximăng từ bản Mèo Qua vào. Ba cây số nhưng đường núi đá phải mất 40.000 đồng để mang một bao ximăng vào đến xóm bờ sông này. Dân trong xóm hộ nhau đóng gạch bảy ngày thì đủ xây một căn nhà.
Cán bộ xã còn nói sẽ xây thêm bể nước cho vườn ngô dân bản thêm xanh, cho đám trẻ có thêm bóng mát đến trường...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận