Lũ trẻ ở Đề Chia quanh năm gắn bó với tán ngô và vách đá - Ảnh: VŨ TUẤN
Ít ai nghĩ rằng ở xóm cheo leo bên vách núi này thanh niên cả xóm từng rủ nhau đi mua xe máy cùng một ngày. Tết đến nhà nào cũng mổ vài con heo làm thịt treo ăn dần.
Có đám ma thịt hết bò, lợn
Nhà Vàng Mí Thề dậy sớm nhóm lò nấu thắng cố. Con bò làm ma cho bố Thề hôm trước còn gần một phần ba, treo lủng lẳng trên gác bếp.
Thắng cố của người Mông thực ra không có nhiều gia vị như món lẩu bán cho khách du lịch. Họ cho hết cả thịt, lòng, gân... của con bò vào cái chảo lớn rồi đun kỹ. Thứ gia vị duy nhất là một ít muối.
Người Mông trong bản không cúng ba ngày như người dưới xuôi, nhưng họ vẫn nấu thắng cố mời người trong bản đến ăn, uống rượu đến khi nào hết thịt. Lúc đó, người nhà không còn nhớ người quá cố nữa, họ lại mang cuốc lên nương.
Bên cạnh bếp lò, nồi hấp mèn mén (bột ngô) đã chín, phả hơi nghi ngút. Trong nhà nồng nặc mùi ngai ngái của thịt bò lẫn mùi ngô. Thề kê ba chiếc bàn nhỏ thành một dãy, mèn mén, thắng cố đựng trong chậu nhựa, để giữa bàn.
Khách đến ăn mỗi người một cái thìa, một chén rượu to. Họ ngồi ăn mèn mén, uống rượu rồi nói chuyện với chủ nhà đến trưa. Có người lảo đảo ra về, hai người khác dựa vào vách nhà ngủ. Người trong bản đi chợ về đến nhà Thề lại uống rượu tiếp.
Ông Vàng Nhìa Chơ, ông nội của Thề, lảo đảo dẫn tôi về nhà. Ông Chơ đã 82 tuổi, vẫn dẻo dai như cái cây mọc trên vách đá.
Ông là người đầu tiên từ trung tâm bản Đề Chia vượt núi sang mép vực sông Nho Quế dựng nhà làm nương. Sau ông Chơ có thêm hai người nữa sang. Họ đã mất, con cháu họ đến giờ có 23 nóc nhà. Ấy là chưa kể hơn chục người khác đã mua nương, đi nơi khác làm ăn.
"Ở lại thì không đủ đất trồng ngô. Mỗi mảnh nương chỉ trồng được vài ống bơ (ngô giống - PV) thôi. Nhiều người quá uống cạn mó nước, khát lắm!" - Vàng Nhìa Chơ chỉ lên nương ngô phía trên bản.
Ông Vàng Nhìa Chơ không nhớ ngày đó là năm bao nhiêu, chỉ nhớ ngày đó ông rất trẻ, cái chân đi núi không biết mỏi. Đất nương ông bà để lại phía bên kia núi trồng cây không đủ ăn, ông Chơ và hai người nữa vượt núi sang phía bờ sông Nho Quế khai hoang.
Họ mang búa tạ, xà beng "bẻ đá", xếp vào chỗ trũng để chặn đất. Cả vạt núi, cứ chỗ nào đất không bị trôi thì họ trồng ngô. Thỉnh thoảng xen vào một vài gốc lanh.
Ở miền cao nguyên toàn đá này, cây cối chỉ mọc được nửa năm. Nửa năm còn lại rét buốt, băng giá chẳng cây nào sống được.
Mùa cây mọc được từ tháng 2 đến hết tháng 8 âm lịch, người trong bản trồng cả ngô, cả bí, khoai lang, đậu trong cùng một miếng đất. Đi vào nương ngô phải lựa giẫm chân lên đá, chỗ nào có đất cũng là gốc cây, không thể tìm được một chỗ đất mềm để đặt chân.
Mùa khô thì ngược lại, cả vạt núi Đề Chia chỉ nhìn thấy tường đá ngoằn nghèo như bờ ruộng bậc thang của người Dao, người Xuồng vùng núi đất.
Bốn bề chỉ một màu xám ngoét của đá. Ông Chơ chỉ mấy cái cuốc dựng trong góc nhà, ở vùng này không cái cuốc nào có cán dài quá một cánh tay. Cán cuốc ngắn để đi làm không bị vướng vào đá.
Hơn nữa, ở Đề Chia đất nông, người Mông không cuốc được nhát bẫm như người dưới xuôi. Chỗ nương nào có nhiều đất, đào sâu đến đầu gối không mắc đá thì dân bản đánh dấu để dành... chôn người chết.
Ở Đề Chia gần như không chăn nuôi vì không có gì cho gia súc ăn. Mỗi nhà có một con bò hoặc con ngựa, vài con heo nuôi cả năm chỉ bằng cái phích nước. Nhà nào khá lắm thì có vài con dê. Thế nhưng trong nhà có người chết thì dân thịt hết để làm ma, không có phải đi vay rồi làm thuê trả nợ.
Đất đá ở Đề Chia chỉ trồng được một vụ ngô - Ảnh: VŨ TUẤN
Tiền cả gùi rồi lại nghèo
Ông Chơ có ba người con trai - ít con nhất vùng, mỗi đứa khai phá thêm vài vạt núi, có chỗ trồng thêm ngô. Các con, cháu ông Chơ khai hoang xuống sát bờ sông Nho Quế, vài người còn vượt sông sang bên Xín Cái trồng ngô.
Hơn chục năm trước, dự án Thủy điện Nho Quế 2 xây dựng lấy hết phần nương ở gần bờ sông. Họ bồi thường cho người dân Đề Chia cả tỉ đồng, cuộc sống ở bản từng nghèo nhất Hà Giang thay đổi như trúng sổ xố.
Vàng Mí Tủa, cháu trai ông Chơ, đã mua nương, mua nhà ở Bảo Lâm (Cao Bằng) sau cái lần thủy điện bồi thường ấy. Nhà Tủa được bồi thường nhiều nhất bản.
Ngày nhận tiền, anh em Tủa mượn xe máy chở bao tải tiền từ ủy ban xã đến bản Mèo Qua rồi gùi tiền theo triền núi về nhà cất. Tủa là người hiếm hoi trong bản đi học chữ. Số tiền đền bù có được, Tủa đến tận Bảo Lâm mua nương, mua nhà. Anh từng mua ôtô 24 chỗ để đi làm ăn.
Ngày chưa chuyển về ở hẳn Bảo Lâm, Tủa gửi xe ở thủy điện Nho Quế, tối leo vách núi xuống ngủ trông xe, sáng lại leo lên bản. Tủa buôn bò ở từ chợ Bảo Lâm đi nhiều tỉnh, kinh tế cũng khá, ít khi quay lại bản.
Thanh niên trong bản ngày ấy khiến cả xã phải ghen tị. Họ rủ nhau ra chợ huyện mua xe máy một ngày. Vàng Mí Chí, bí thư chi bộ Đề Chia, kể: "Tết đến nhà nào cũng mua mấy con heo về sấy.
Họ đi bộ lên đây mua gà, gà chân vàng không ăn đâu! Phải gà chân đen (giống gà Mông) mới ăn. Thế mà chẳng biết tiền cả gùi đi đâu hết, cả bản lại nghèo".
Bí thư chi bộ trẻ tặc lưỡi tiếc cho người ở xóm bờ sông. Bò, heo không nuôi được, cây ngô cũng trồng được ít, cả bao tải tiền rồi cũng mua gà, mua rượu hết.
Mí Chí trầm ngâm kể ở khu bờ sông ấy chỉ một nhà có tivi. Đường điện nước (máy điện mini chạy sức nước) xa lắm, bên dưới Nhà máy thủy điện Nho Quế.
Cứ ba, bốn nhà chung một máy. Đường dây kéo từ sông Nho Quế ngược lên vực núi, tắt qua nương ngô cũng dài vài cây số. Mỗi nhà chỉ dùng hai chiếc bóng đèn và một ổ điện để sạc máy điện thoại.
Hơn 9h sáng, lũ trẻ trong bản ríu rít rủ nhau ra bờ sông Nho Quế. Vài đứa gùi trên lưng cái gùi đầy váy áo đi giặt. Vài đứa cầm cần câu tất tả chạy theo. Chúng lại theo con đường bên vách đá đi xuống.
Vàng Mí Tủa bảo đến chiều chúng mới về. Trẻ thích đi giặt ở sông để nghịch nước, tắm sông. Trong bản không đứa nào đi học cả.
Từ Hà Giang đi lạc tận... Thanh Hóa
Mấy năm trước, thanh niên trong bản rủ nhau sang Trung Quốc làm thuê có thêm đồng ra đồng vào. Đang dịch COVID-19 không đi được, nhiều người rủ về xuôi làm thuê nhưng chỉ được một thời gian lại quay về.
Phần lớn người trong khu bờ sông ở Đề Chia không nói được tiếng phổ thông, lại không biết chữ. Đón xe khách cũng phải nhờ người chỉ cho vì không đọc được. Có người đi... lạc vào tận Thanh Hóa rồi được người dân hướng dẫn đón xe quay ngược ra.
----------------------------
"Con tôi là Vàng Thị Già chứ? Sao bác sĩ bảo nó tên là Vả?" - Vàng Mí Vừ không biết chữ, không nhớ lúc khai sinh cho con ghi tên gì, tròn mắt thắc mắc với cán bộ y tế. Ở xóm bờ sông của Đề Chia gần như không biết chữ, lũ trẻ lít nhít vô tư cười đùa trong lùm ngô.
Kỳ tới: Bản tôi 3 đời không đi học
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận