TTCT - Năm 1969, giữa lúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang nóng bỏng trên bàn đàm phán quốc tế, thế giới chứng kiến một sự kiện chưa từng thấy: lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phấp phới tung bay ngay trên đỉnh nhà thờ Đức Bà Paris Năm 1969, giữa lúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang nóng bỏng trên bàn đàm phán quốc tế, thế giới chứng kiến một sự kiện chưa từng thấy: lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phấp phới tung bay ngay trên đỉnh nhà thờ Đức Bà Paris. Sau 55 năm, những người làm nên giây phút kỳ diệu ấy đang có mặt ở TP.HCM.Trước Nhà thờ Đức Bà đang trùng tu, mùa xuân 2023. Từ trái sang: Bernard, Olivier và Noé.Gặp gỡ mà cũng là tri ân, có thể hiểu vậy không, thưa bà?Tôi được bà ngoại dạy từ nhỏ là ơn đền, nghĩa trả. Các bạn Thụy Sĩ có ơn, nghĩa với Việt Nam, điều đó luôn canh cánh trong lòng tôi. Cũng mất 2 năm, cuối cùng TP.HCM đã mời bạn qua. Trong thời gian 5 ngày, tôi hy vọng cuộc gặp mặt với lãnh đạo thành phố sẽ làm cho họ hiểu thêm Việt Nam vì họ đồng ý đến Việt Nam với rất nhiều câu hỏi trong lòng. Họ cũng đến Việt Nam với mong muốn Việt Nam hiểu hơn bản chất của vụ kiện, với hỗ trợ chính thức và cụ thể. Hy vọng những người bạn này ra về với tình cảm và hiểu biết sâu hơn về nhân dân Việt Nam.Tháng 11 này, TP.HCM tiếp đón hai người khách quý: đó là hai cụ già đến từ thành phố Lausanne (Thụy Sĩ). Bernard Bachelard, 82 tuổi, là một nhà giáo dục, với đóng góp lớn nhất là thúc đẩy cải tổ giáo dục Thụy Sĩ để nâng đỡ học sinh gặp khó khăn, nhất là con em các gia đình nhập cư. Người thứ hai là Olivier Parriaux, nhà vật lý, nguyên giáo sư ưu tú Trường đại học Lyon (Pháp). Lẽ ra còn có người thứ ba: Noé Graf, nông dân trồng nho. Nhưng năm nay, với biến đổi khí hậu, nghề trồng nho làm rượu, nhất là trồng nho hữu cơ, mất mùa ở Thụy Sĩ cũng như ở Pháp. Ông phải ở nhà lo ép nho, cứu vãn một mùa rượu vang.Ba cụ già ấy chưa hề đặt chân lên đất nước Việt Nam. Khách mời của TP.HCM, Bernard và Olivier lần đầu tiên đến thăm một đất nước mà họ đã gắn bó từ buổi thanh xuân, chính xác từ rạng sáng ngày chủ nhật 19 tháng 1 năm 1969, cách đây hơn 55 năm.Lá cờ xanh đỏ sao vàng giữa lòng nước PhápMột chút lịch sử: sáng thứ bảy 18-1-1969, bốn phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ, Chính phủ Việt Nam cộng hòa gặp nhau lần đầu tiên để chuẩn bị phiên họp chính thức đầu tiên của Hội nghị Paris về Việt Nam (1969-1973) sẽ diễn ra vài ngày sau đó.Hội nghị bốn bên này lẽ ra khai mạc từ đầu tháng 11-1968, vào dịp bầu tổng thống Hoa Kỳ. Nhưng ứng viên Richard Nixon đã "đi đêm", xúi giục chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cù cưa, trì hoãn cuộc đàm phán bốn bên. Nixon thắng cử, sẽ bước vào Nhà Trắng ngày 20-1-1969. Những ngày trung tuần tháng một 1969, Paris mùa đông tiếp đón cả ngàn nhà báo quốc tế, trong đó có mấy trăm phóng viên Mỹ tới đây để dự khai mạc Hội nghị Paris, với sự xuất hiện chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.Trang nhất tờ The New York Times đưa tin về sự kiện lá cờ xuất hiện.Thế là các nhà báo và cả thế giới qua vô tuyến truyền hình đã chứng kiến sự kiện bất ngờ: lá cờ xanh đỏ sao vàng của Mặt trận dân tộc giải phóng phấp phới bay trên chữ thập ở đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà Paris. Lá cờ lớn, cao 3m, rộng 5m, căng rộng ở độ cao 100m bên bờ sông Seine lịch sử. Ngày 20-1-1069, hình ảnh lá cờ trên đỉnh nhà thờ được nhật báo Mỹ The New York Times tường thuật trên trang nhất, và rồi hình ảnh lá cờ xuất hiện trên các biểu ngữ của đoàn biểu tình đòi Nixon phải chấm dứt chiến tranh, rút ngay toàn bộ quân đội Mỹ về nước.Là nước chủ nhà tiếp đón Hội nghị Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam, Chính phủ Pháp tất nhiên phải biểu lộ thái độ trung lập. Nhà cầm quyền thủ đô ra lệnh cho đội lính cứu hỏa hạ lá cờ xanh đỏ sao vàng xuống. Nhưng khi lính cứu hỏa leo đến đỉnh tháp, dưới chân thập giá, họ phải khựng lại, chịu thua: những thanh thép ngang theo cột thẳng đứng của chữ thập đã bị cưa đi mất, họ không leo được lên đỉnh. Thế là lần đầu tiên trong lịch sử của Đội cứu hỏa Paris, họ đã phải điều động máy bay trực thăng. Mãi đến 3h chiều chủ nhật 19-1-1969, một đặc công cứu hỏa, chuyên gia leo núi mới gỡ được lá cờ.Lá cờ này hiện được lưu trữ tại Nhà bảo tàng cứu hỏa Paris. 15 giờ phấp phới bay trên bầu trời thủ đô nước Pháp, hình ảnh lá cờ đã được lan truyền trên báo chí và màn hình tivi toàn thế giới như một biểu tượng của cuộc đấu tranh ngoan cường chống nửa triệu lính Mỹ đang hiện diện ở miền Nam Việt nam.Nửa thế kỷ "im lặng tuyệt đối"Câu hỏi được đặt ra, không được trả lời lúc ấy: Ai, những ai, là người đã làm nên chiến tích đi vào lịch sử hơn 800 năm của nhà thờ Đức Bà Paris? Báo Le Monde ngày 21-1-1969 đăng một thông cáo báo chí mà tòa soạn nhận được trong đêm chủ nhật. Nhưng thông báo chỉ nói "Chúng tôi ủng hộ Mặt trận dân tộc giải phóng, ủng hộ nhân dân Việt Nam, chúng tôi đòi Hoa Kỳ phải chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược" mà không nói "chúng tôi" là ai. Một vài tổ chức trong phong trào ủng hộ Việt Nam rộng lớn ở Pháp đã ra thông cáo tự nhận mình là tác giả. Một thanh niên cánh tả thuộc xu hướng Trotsky thậm chí còn tự nhận là người đã cưa những thanh sắt chung quanh cột chữ thập. Giới thạo tin, kể cả cảnh sát Pháp, biết là anh ta nhận vơ…Từ mùa đông năm 1969 trở đi, một thông tin đáng tin cậy lan truyền trong phong trào ủng hộ Việt Nam ở Tây Âu: vụ treo cờ là chiến tích của một nhóm thanh niên Thụy Sĩ đã độc lập hành động, không thông báo cho phong trào bên Pháp và cả phong trào Thụy Sĩ. Suốt nửa thế kỷ, cảnh sát Pháp, phối hợp với đồng nghiệp Thụy Sĩ láng giềng, cũng chịu thua, không biết họ là ai. Tác giả chiến tích giữ im lặng tuyệt đối. Những người thân của họ cũng vậy. Trong năm chục năm trời.Sự việc ấy rất có thể sẽ mãi mãi chìm sâu trong im lặng, nếu ngày 15-4-2019 không xảy ra một sự kiện: nhà thờ Đức Bà Paris bốc cháy. Khoảng 8h tối, tháp chóp giáo đường, nơi trên đỉnh trước đó 50 năm 3 tháng, lá cờ xanh đỏ sao vàng từng ngự trị, bốc lửa rồi sụp đổ, trước sự chứng kiến bất lực và đau lòng của hàng vạn người dân Paris - trong đó có người viết bài này, đứng trên hè đường Montagne Sainte-Geneviève, cách đó chưa tới một cây số. Ngọn lửa ấy, cũng như lá cờ nửa thế kỷ trước đó, đã được truyền hình trên toàn cầu.Ở thành phố Lausanne Thụy Sĩ, bên bờ hồ Léman (cách Genève, nơi ký kết Hiệp định 1954 về Việt Nam, mấy chục ki lô mét) những người bạn thân của Bernard, Olivier và Noé - ba người lập nên chiến tích 1969 - thúc giục họ "đây là lúc phải viết ra".Và ba người bạn, nay đã thành những cao niên U80, gặp lại nhau, cùng nhau chấp bút. Tháng 1-2023, cuốn sách Le Viet Công au sommet de Notre Dame (Việt Cộng trên đỉnh nhà thờ Đức Bà) đã được Nhà xuất bản Favre phát hành.Việt cộng trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà ParisNửa đầu cuốn sách có thể coi là hồi ký tay ba của ba chàng thanh niên. Một người Công giáo (mấy chục năm sau, anh đã được mục sư phụ trách thánh đường cho phép dùng nhà thờ Đức Bà Lausanne một buổi tối để độc tấu trên đại phong cầm tác phẩm nổi tiếng của J. S. Bach, chào mừng chị Trần Tố Nga khi hai người lần đầu gặp nhau mùa xuân 2023). Một thanh niên thành viên Đảng Xã hội Thụy Sĩ. Người thứ ba xuất thân từ một gia đình cộng sản. Họ đã gặp nhau trong những hoạt động ủng hộ Việt Nam chống Mỹ.Sáng kiến treo cờ Mặt trận trên đỉnh nhà thờ lớn, không biết từ ai trong ba người, nhưng cả ba đã nhất trí và quyết định hành động. Trước hết là công tác tập dượt: họ đã làm thử với tháp chuông nhà thờ lớn Lausanne. Cuộc diễn thử thành công ngoài mong đợi. Bernard, người cao tuổi nhất, 27 tuổi, chuyên gia leo núi, cùng Olivier, bạn leo núi, đã bỏ ra mấy tuần lễ để nghiên cứu bộ tư liệu kiến trúc của nhà thờ Đức Bà Paris: Thư viện Lausanne có đầy đủ các bản vẽ của các kiến trúc sư Jehan de Chelles (thế kỷ XIII), Eugène-Emmanuel Viollet-le-Duc (thế kỷ XIX). Bộ óc của hai nhà leo núi đã phác họa đường đi nước bước từ tháp chuông Nam tới đỉnh tháp chóp. Noé, chàng trai thứ ba, sửa soạn chiếc xe Citroen 2CV cọc cạch.Cũng như trong tiểu thuyết Ba người ngự lâm pháo thủ của Alexandre Dumas, nhân vật chính "không ba mà bốn". Người thứ tư tham gia công tác bí mật này là chị Françoise, vợ anh Bernard. Con đầu lòng còn bú sữa mẹ, Françoise đã thức hai đêm để may lá cờ 3 x 5m. Chị lại có sáng kiến: ở hai viền ngang trên dưới lá cờ, chị khâu cái nẹp có căng dây plastic: lá cờ được gấp lại như chiếc đờn accordéon, nhưng khi treo lên, Bernard chỉ giật một cái dây lá cờ sẽ căng thẳng toàn bộ diện tích 15m2, bất luận trời có gió hay không.Tảng sáng thứ bảy 18-1-1969, Bernard và Olivier cuộn trong mình lá cờ, một sợi dây leo núi, mang theo một cái cưa sắt. Họ leo lên chiếc xe 2CV cà cộ, Noé cầm lái. Rời Lausanne, họ đi 600km thì tới bờ sông Seine bên hông nhà thờ Đức Bà Paris vào giữa buổi chiều để Bernard và Olivier kịp mua vé, gia nhập nhóm du khách cuối cùng trong ngày, leo 422 bậc thang đá tháp chuông phía bắc ở mặt tiền thánh đường - cầu thang đá hẹp, uốn lượn nhiều vòng, sách hướng dẫn du lịch khuyên "phụ nữ có mang, trẻ em, những người yếu tim và hay chóng mặt chớ nên mạo hiểm". Từ tháp Bắc đi sang tháp Nam, du khách ngắm toàn cảnh "thành phố ánh sáng", nhìn thấy đám đông dưới quảng trường sắp hàng vào xem Viện bảo tàng mang chứng tích của thành phố Lutèce, thế kỷ III, cái nôi của Paris ngày nay. Hết giờ thăm, đoàn du khách lần xuống 422 bậc thang. Xuống đến mặt đất, nhân viên hướng dẫn coi như làm xong nhiệm vụ, và trong nhiệm vụ đó, không có việc đếm đầu người. Ở trên đỉnh tháp chuông Nam, sát bờ sông, Bernard và Olivier kín đáo tìm một chỗ kín để ẩn trú, đợi giờ hành động là nửa đêm. Hai chàng đã quen Paris rồi, trước đó có lần đã tới khu Saint-Germain-des-Prés, đến gặp nhà văn Jean-Paul Sartre. Còn Noé, người không tới Việt Nam lần này vì bận ép rượu nho, lần đầu tiên tới thủ đô Pháp. Hai bạn anh đề nghị anh lái xe một vòng thăm thú Paris, đợi đến nửa đêm quay lại chỗ hẹn ở đằng sau nhà thờ.Treo xong lá cờ lên đỉnh tháp, họ lại đi xuyên qua thành phố để bỏ thông cáo báo chí vào hòm thư của báo Le Monde, rồi quay ngược 600km trở về Lausanne. Buổi chiều, ba chàng trai trẻ ra quán cà phê có màn hình lớn, nghe mô tả về một lá cờ xanh đỏ sao vàng phấp phới trên đỉnh tháp Paris.Cuộc chiến mớiCuốn sách không ngừng ở đó. Trong những chương tiếp theo, tác giả theo dõi diễn biến tình hình Việt Nam từ 1975 đến nay với cái nhìn tỉnh táo nhưng trước sau vẫn thủy chung với cuộc chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Đọc những chương sách ấy cũng là dịp để mỗi người Việt Nam nhìn lại lịch sử 50 năm qua.Trong thời gian ấy, ba người bạn quý, mỗi người có những hoạt động riêng, theo con đường của mình. Nhưng họ vẫn gặp nhau trong những cuộc đấu tranh mới: bảo vệ môi trường, ủng hộ nhân dân Ukraine… Cả ba đều tích cực ủng hộ nạn nhân Việt Nam của chất độc da cam. Toàn bộ tác quyền cuốn sách, họ đã chuyển vào quỹ ủng hộ bà Trần Tố Nga (cùng tuổi với Bernard) trong vụ kiện Monsanto và 13 công ty sản xuất chất da cam.Sau khi Tòa phúc thẩm Paris bác bỏ đơn kiện của bà Trần Tố Nga, duy trì quan điểm các công ty hóa chất được miễn tố vì họ tuân hành lệnh của chính quyền Hoa Kỳ, luật sư William Bourdon - luật gia quốc tế nổi tiếng, đã bảo vệ miễn phí bà Tố Nga trong suốt 7 năm qua - đã quyết định cùng thân chủ của mình kháng án. Cuộc đấu tranh vì công lý tiếp tục, bước sang một giai đoạn mới. Để kháng án, văn phòng luật sư W. Bourdon sẽ phải tiếp cận những luật gia chuyên môn, điều vượt quá khả năng tài chính của phong trào ủng hộ bà Trần Tố Nga và các nạn nhân da cam ở Pháp, Thụy Sĩ và các nước Tây Âu khác.Liên lạc với Bernard và Olivier trước ngày họ lên đường sang Việt Nam, chúng tôi được các bạn cho biết "thông điệp" chính của họ với Việt Nam, với chính quyền cũng như đồng bào là sự cần thiết phải ủng hộ cuộc đấu tranh pháp lý này. Vì công lý cho Trần Tố Nga, cho hàng triệu nạn nhân khác, ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới. Bà Trần Tố Nga cùng đoàn kịch Những thân thể bị nhiễm độc mà bà là nhân vật chính, trong chuyến thăm địa đạo Củ Chi ngày 2-11 trước chuyến lưu diễn tại TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội.Cơ duyên nào đưa đẩy bà làm cầu nối cho cuộc gặp gỡ "hiếm muộn" này?Năm 1992, lần đầu qua Pháp, tôi đã nghe kể chuyện lá cờ Mặt trận bay phấp phới trên đỉnh nhà thờ Notre Dame de Paris mà không biết ai là tác giả. Từ đó, mỗi khi có bạn từ bên nhà qua, tôi đều đưa các bạn đến nhà thờ Đức Bà để kể về câu chuyện lá cờ. Là chiến sĩ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, tôi tự hào và biết ơn ai đó đã thay nhân dân miền Nam thực hiện một hành động không chỉ mang tính anh hùng mà còn mang tính lịch sử cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, điều mà chúng tôi không làm được.Cách đây 2 năm, nghĩa là hơn 50 năm sau sự kiện, một trong các tác giả đã tìm tôi để nói rằng họ đang viết một cuốn sách kể lại sự việc và hứa là toàn bộ tiền nhuận bút sẽ tặng cho vụ kiện mang tên Trần Tố Nga. Lòng biết ơn của tôi nhân gấp nhiều lần, tôi quyết định đi Thụy Sĩ để cám ơn những người mà tôi coi là ân nhân của Việt Nam.Cuộc gặp tại Lausanne rất cảm động, và được sự đồng ý của đại sứ Việt Nam tại Pháp, tôi đã mời họ qua Pháp, lòng thầm hứa sẽ làm mọi cách để có thể đưa họ đến Việt Nam, để họ làm quen với đất nước mà, dù chưa biết, họ đã vượt hiểm nguy, không hề nghĩ đến mạng sống của chính mình, để góp một tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ cuộc đấu tranh của Việt Nam. Tags: Giải phóng miền NamNhà thờ Đức bà ParisMặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt NamLịch sử
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.