Khán đài sân của Hamburg vẫn luôn chật cứng người bất chấp phong độ kém của đội bóng trong mùa giải này. Ảnh: NYT |
Cụ thể, lượng CĐV trên sân nhà trung bình của Hamburg mùa này là 51.524 người, đứng thứ 4 ở Bundesliga. Nhiều người sẽ phải ngạc nhiên khi biết rằng con số này của Hamburg còn cao hơn nhiều đội bóng hàng đầu nước Anh như Chelsea (khoảng 41.000), Tottenham (khoảng 32.000)... So với những đội bóng khác của Bundesliga, lượng CĐV trung thành của Hamburg chỉ kém hơn Bayern Munich, Dortmund và Schalke 04.
Cách đây 8-9 năm, Hamburg vẫn còn là một “đại gia” của Bundesliga. Mùa giải 2008-2009, họ đứng thứ 5 và có lượng CĐV sân nhà trung bình là 54.774 người. Những năm sau đó, Hamburg ngày càng trượt dần. Nếu là ở Serie A (Ý) hoặc bất cứ giải đấu nào khác, lượng CĐV của họ có lẽ đã chỉ còn khoảng 2/3 sau ngần ấy năm.
Tiêu biểu như AC Milan, đội bóng cách đây hơn một thập niên còn ngự trị trên đỉnh Serie A với lượng CĐV trung bình trên 60.000 người/trận nhưng hiện chỉ còn khoảng 40.000. Trong khi đó, với Hamburg, việc chuyển từ đấu trường châu lục đến cuộc đua trụ hạng chỉ làm họ sụt giảm chưa đến 6% lượng CĐV.
Ở Đức, thành tích thi đấu rõ ràng không phải là yếu tố quá quan trọng tác động đến tình yêu đội bóng của các CĐV. Chia sẻ về điều này, nhà báo Vũ Công Lập - người từng sinh sống tại Đức và nhiều lần đến thăm các đội bóng của Bundesliga - nói: “Đầu tiên, các đội bóng của Đức có truyền thống xây dựng, chăm sóc đội ngũ CĐV rất công phu. Họ tổ chức những cuộc thi hằng tuần, hằng tháng cho các CĐV, người chiến thắng sẽ giành được những phần thưởng như: một bữa ăn tối, một buổi trò chuyện cùng cầu thủ thần tượng hay được xuống sân cầm cờ cổ vũ... Những niềm vinh hạnh đơn giản đó tạo nên tính khắng khít cho cộng đồng CĐV của từng đội bóng. Ở Đức các hội CĐV không có chủ tịch, phó chủ tịch gì cả, họ đều đăng ký trực tiếp với CLB và được những người của CLB hướng dẫn sinh hoạt.
Cách thức tổ chức như vậy tạo nên sự gắn bó mật thiết giữa CĐV và đội bóng. CĐV không chỉ đến sân thưởng thức niềm vui mà còn để chia sẻ nỗi buồn với cầu thủ. Tôi còn nhớ có lần một đội bóng định phát vé cho CĐV để khuyến khích đến sân, nhiều người đã từ chối và nói: “Đến sân là để đóng góp cho đội bóng nên tôi phải mua vé”. Vì vậy, dù đội bóng có chơi như thế nào, họ vẫn có CĐV. Có những đội bóng chỉ chơi ở giải hạng nhì, hạng ba nhưng vẫn có hàng chục ngàn người đến sân”.
Một trong những minh chứng cho tình yêu đội bóng đặc biệt của các CĐV Đức là hình ảnh trong trận Hamburg bị Bayern Munich vùi dập đến 8 bàn không gỡ hồi cuối tuần trước. Đến cuối trận, hàng ngàn CĐV của Hamburg choàng tay nhau và hát vang: “Ai là nhà vô địch Đức? HSV, HSV (Hamburg)”. Thực sự, trước khi sa sút trong một thập niên trở lại đây, Hamburg là một đội bóng hùng mạnh của Bundesliga với 6 chức vô địch quốc nội.
“Ở Đức có hai đội bóng xây dựng nghĩa trang dành cho người hâm mộ là Dortmund và Hamburg. Người hâm mộ Đức luôn được khuyến khích tham gia vào đội bóng như kiểu một gia đình, các phụ huynh khi dắt theo con nhỏ đến sân, con sẽ được miễn vé. Ngoài ra, các cầu thủ luôn được quy định về việc phải sinh hoạt gắn bó với CĐV. Như ở Bayern Munich, Lothar Matthaus phải dành ra một buổi/tuần để trả lời thư của CĐV” - ông Vũ Công Lập nói.
Nghĩa trang dành cho CĐV của Hamburg. Ảnh: REUTERS |
Những CLB giàu truyền thống, luôn đề cao tính bản sắc như Dortmund, Hamburg cuốn hút CĐV đến sân là điều dễ hiểu nhưng ngay cả những “đội bóng plastic” như Leipzig, Hoffenheim cũng xây dựng nên các hình ảnh rất đẹp trong cộng đồng CĐV. “Đội bóng plastic” là cách gọi có phần miệt thị của người Đức ám chỉ những đội bóng sở hữu bởi các tập đoàn, ông chủ triệu phú ở Đức. Những Leipzig, Hoffenheim, Leverkusen, Wolfsburg nằm trong nhóm các CLB bị ghét nhất.
“Nhưng khi sang Leipzig để theo dõi một trận đấu giữa họ với Hamburg, tôi mới thấy cách thức họ xây dựng hình mẫu CĐV đẹp như thế nào. Trước trận, lực lượng an ninh của Leipzig rà soát, gom các nhóm CĐV có phần cực đoan của Hamburg lại và hộ tống họ đến sân để tránh sự đụng chạm với CĐV Leipzig. Do đó, hình ảnh ở sân đấu của Leipzig luôn rất đẹp, rất fair-play” - ông Vũ Công Lập nói.
Xã hội đứng trên lợi nhuận Một trong những nguyên nhân quan trọng giúp CĐV Đức luôn đến sân nhiều hơn các giải đấu khác là giá vé. Theo thống kê của mùa giải năm ngoái, mức vé rẻ nhất cho các trận đấu của Bundesliga chỉ bằng khoảng 50% của Anh và Tây Ban Nha, 60% của Ý. Trong khi với mức vé cao nhất, Bundesliga cũng thấp hơn ba giải đấu kia. “Trong nền kinh tế thị trường của Đức, những vấn đề về xã hội luôn được ưu tiên, nước Đức quán triệt quan điểm xã hội cao hơn lợi nhuận. Vì vậy, chúng ta có thể thấy Bayern Munich dễ dàng bán Toni Kroos cho Real Madrid, thậm chí là bán rẻ chỉ vì anh ấy muốn tăng lương. Các đội bóng Đức sẽ không phá vỡ kết cấu chỉ vì một cầu thủ” - ông Vũ Công Lập nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận