14/08/2023 10:45 GMT+7

Chuyện kể từ học bổng Tiếp sức đến trường: Niềm tự hào của người mẹ điên

Cha bỏ từ bé, mẹ bị tâm thần hết đập phá nhà mình tới nhà hàng xóm. Trong nỗi khốn khổ của cuộc đời, Nguyễn Văn Học (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) cứ lặng lẽ học và lớn lên.

Mỗi ngày, Học dành thời gian xoa bóp, trò chuyện với niềm tin mẹ cảm nhận được tình yêu của con rồi sẽ khỏe hơn - Ảnh: TRẦN MAI

Mỗi ngày, Học dành thời gian xoa bóp, trò chuyện với niềm tin mẹ cảm nhận được tình yêu của con rồi sẽ khỏe hơn - Ảnh: TRẦN MAI

Với số điểm 25,75, Học có nhiều lựa chọn nhưng bạn quyết định vào Trường ĐH Phạm Văn Đồng chỉ vì "được gần nhà, lỡ mẹ lên cơn còn kịp về chứ không thể học quá xa, ai lo cho mẹ".

Lúc tỉnh, mẹ nói rất tự hào khi con đẹp trai, học giỏi giống cha. Cha phụ bạc khiến mẹ như vậy nên mình cố gắng bù đắp, sẽ là niềm tự hào và hạnh phúc của mẹ.

NGUYỄN VĂN HỌC

Lời tha thiết của tổ trưởng dân phố

Trưa nắng rát mặt, ông Nguyễn Văn Sáu - tổ trưởng tổ dân phố Đông Quang, phường Phổ Văn (thị xã Đức Phổ) - ngồi trầm ngâm trước nhà. 

Biết chúng tôi từ báo Tuổi Trẻ đến tìm Học, ông hỏi liền: "Phải báo Tuổi Trẻ có học bổng Tiếp sức đến trường không?". Ông mời vào nhà, vội đi pha ấm trà rồi cười: "Mới gửi đăng ký mà có phóng viên về tận đây rồi".

Chẳng đợi khách hỏi, ông Sáu kể một mạch về đứa con hiếu thảo của người mẹ tâm thần mà dân ở đây ai cũng quý cũng thương. Ông nói đâu chừng 18 năm trước, mẹ Học - bà Nguyễn Thị Dân (41 tuổi), cô gái xinh đẹp ở Đông Quang - có tình yêu học trò với người bạn học rồi có Học.

Sinh con, bà Dân ở lại làng còn cha Học tiếp tục vào TP Quy Nhơn (Bình Định) học đại học. Ban đầu, cứ kết thúc kỳ học ông trở về, rất thương yêu vợ con. Nhưng rồi ông ta có bạn gái là sinh viên và không về thăm nữa. 

Mẹ Học cứ thế ít nói dần rồi điên dại, khi nổi cơn lại vác đá ném hỏng không biết bao nhiêu mái nhà hàng xóm. Bà con lúc đầu cũng bực nhưng thấy cảnh Học cứ nhìn mẹ khóc nên thôi, hỏng thì mua ngói lợp lại chứ không trách cứ gì.

Nhà ông Sáu sát bờ rào nên Học lớn lên thế nào ông nắm rõ, ông bảo nó rất ngoan. Mỗi lần mẹ lên cơn, Học cứ chạy theo gọi mẹ ơi. Bị mẹ quay lại đánh thì tìm cách né xong lại lẽo đẽo chạy theo. 

"Cái tiếng mẹ ơi của nó xót xa lắm. Mẹ hạ cơn, về nằm dài, thằng Học lại lo cơm nước. Có bữa đang ăn, mẹ nó hất cả mâm, Học lại đi xin cơm của người thân, hàng xóm về cho mẹ", ông Sáu kể.

Học cứ lầm lũi học trong cảnh nhà như thế. Ông Sáu hỏi thăm, biết Học đạt điểm cao, ông bảo rất mừng nhưng lại rất lo. 

"Mấy nay tôi nhờ đủ chỗ nhưng chưa ai nhận giúp. Tôi tìm hiểu tiêu chí học bổng Tiếp sức đến trường và xin lấy uy tín của mình khẳng định cháu Học hoàn toàn xứng đáng", ông Sáu khẳng khái.

Học đi phun thuốc thuê, nỗ lực vượt khó để bước tới giảng đường  - Ảnh: TRẦN MAI

Học đi phun thuốc thuê, nỗ lực vượt khó để bước tới giảng đường - Ảnh: TRẦN MAI

Phải tỉnh, phải học cho cả mẹ

Cuộc trò chuyện ở nhà ông Sáu rôm rả hẳn khi có thêm nhiều người dân tìm đến. Ai cũng nói "thằng Học rất xứng đáng có học bổng". 

Nói rồi ông Sáu dẫn qua nhà Học, bà Dân nằm dài trên giường. Thấy người lạ, bà có vẻ sợ, ông Sáu phải nhờ một người thân của bà đến trấn an. Dù kể từ khi bị điên, đây là khoảng thời gian bà tỉnh nhất, không la hét, phá phách.

"Con đâu?", ông Sáu hỏi. Bà chỉ tay ra cánh đồng: "Đi từ sáng rồi". Giữa cánh đồng mênh mông, Học đang đeo chiếc bình phun thuốc trên vai rảo qua rảo lại. 

Học đi phun thuốc thuê cho người ta. Cứ phun thuốc xong, Học chạy vội về với mẹ. Trưa nào cũng vậy, Học cũng bóp tay, đấm lưng để mẹ đỡ mệt và tay chân bớt run. Học khoe từ ngày bóp tay, đấm lưng cho mẹ hầu như không còn lên cơn nữa.

Dù ai cũng nói cuộc đời Học bất hạnh, nhưng Học bảo không thấy vậy. Học cười hiền lành: "Mình chỉ khổ hơn bạn bè thôi. Còn cha bỏ, mẹ điên là số mệnh rồi, mình đâu được quyền chọn nên có gì là bất hạnh". 

Học kể thời gian qua mỗi ngày đấm bóp, trò chuyện thấy mẹ vui và tỉnh dần nên tin mẹ cảm nhận được tình cảm của mình rồi sẽ tỉnh lại.

Có con trai bên cạnh, bà Dân mạnh dạn hẳn, còn trò chuyện với mọi người. Bà nói con đẹp trai, học giỏi rồi còn kể tại sinh con nên nghỉ chứ không cũng đi học đại học. 

Ngồi cạnh mẹ, Học bảo: "Mình phải tỉnh và học đại học cho cả mẹ". Học chọn ngành sư phạm tiểu học, nơi học cách nhà khoảng 40km. Bạn đã tính cả việc làm thêm khi vào giảng đường, nghĩ cả chuyện vừa học vừa có tiền thang thuốc cho mẹ.

Những gì đã trải qua với chàng 18 tuổi được tái hiện như thước phim buồn. 9 tuổi, lần đầu Học hoảng sợ, khóc ngon lành khi mẹ lên cơn, đập phá từ nhà mình qua nhà khác. 

12 tuổi, Học không thể về nhà vì mẹ đuổi đánh. 15 tuổi, bạn từng định nghỉ học vì mẹ lên cơn phải nhập viện điều trị dài ngày... Học nói tất cả đã là quá khứ vì bạn đã không còn sợ hãi mẹ mà dành toàn tâm thương yêu. Mẹ chính là động lực lớn nhất cuộc đời mình.

Nỗi sợ lớn nhất

Học nói đã gói ghém những điều không vui ấy vào góc ký ức. Thương mẹ, Học nói càng phải học và mạnh mẽ bước qua tất cả. Nhưng nỗi sợ lớn của cậu bạn tuổi 18 ấy là bệnh hen suyễn đeo bám cuộc đời Học từ nhỏ.

Có nhiều lúc Học nói đến thở cũng khó khăn, bất lực không làm được gì. Cậu sợ lúc mẹ cần mà cơn suyễn tìm đến sẽ không thể lo cho mẹ.

"Nhà nghèo, mẹ bệnh, cha bỏ mình không thấy bất hạnh hay sợ nhưng lại quá sợ căn bệnh hen suyễn này. Đó là bất hạnh lớn nhất đời mình", Học bộc bạch.

Đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023

Có bốn nội dung cần cung cấp theo hướng dẫn để đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023. Ứng viên cần điền thông tin chính xác, cung cấp hình ảnh căn cước công dân, quá trình học tập, điểm trung bình lúc học THPT, điểm thi ba môn xét tuyển ở phần Thông tin cá nhân.

Phần Thông tin về gia đình, các bạn chia sẻ cụ thể hoàn cảnh gia đình và nêu lý do ứng tuyển học bổng. Ở phần Bạn hãy giới thiệu về bản thân mình, vui lòng nói về nỗ lực của bản thân trong quá trình học tập. Cuối cùng phần Đáp đền tiếp nối, chúng tôi muốn lắng nghe chia sẻ của các bạn về dự định tương lai.

Báo Tuổi Trẻ nhận hồ sơ đến hết ngày 10-10-2023.

Đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường .

Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Chuyện kể từ học bổng Tiếp sức đến trường: Niềm tự hào của người mẹ điên - Ảnh 9.

Chuyện kể của 20 năm Tiếp sức đến trườngChuyện kể của 20 năm Tiếp sức đến trường

20 năm Tiếp sức đến trường, chúng tôi bắt đầu chương trình mới mà lòng không thôi ngạc nhiên. Ngần ấy thời gian đã đi qua, cả một thế hệ đã đi tới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên