Phóng to |
Trước đó, ca sĩ này cũng đã viết một bức thư xin lỗi, cho rằng mình làm thế chỉ vì muốn cảm ơn. Bức thư viết tay của Đàm Vĩnh Hưng lại dấy lên một sự phản ứng khác từ các phật tử, từ khán giả và không ít người từng yêu mến giọng ca này. Trong bức thư, bằng những lời lẽ hoa mỹ, Đàm Vĩnh Hưng đã cố tình đánh tráo các giá trị, ngay cả việc viện dẫn hạnh nguyện của bồ tát, gọi là xin lỗi nhưng thật ra là bất chấp dư luận và thậm chí còn dẫn luật nhân quả khi cho rằng phản ứng của dư luận với mình là ác ý!
Trả lời cho ý này, trên trang nguoiphattu.com có ý: “Chẳng lẽ giây phút đó và cho đến bây giờ Mr Đàm không thấy có gì bất bình thường, mạo phạm, thất kính khi “khóa môi” nhà sư hay sao? Chúng tôi vẫn biết về các thuyết: vô tướng, vô chấp, về ngũ uẩn giai không, về việc thiền sư cõng cô gái qua sông chứ. Nhưng sách lại có câu: “Thà chấp có như núi Tu Di còn hơn chấp không như hạt cải”. Nếu Mr Đàm gặp người chết đuối mà khóa môi, hô hấp nhân tạo thì đâu có ai nói gì”.
Những lời xin lỗi không thật lòng, có phần ngạo mạn của Đàm Vĩnh Hưng đã khiến dư luận càng cảm thấy mức phạt 5 triệu đồng thật chưa tương xứng. Không kể ăn theo sự kiện phản cảm này, đa số trang mạng đều giật tin bài, hình ảnh, thậm chí có nhiều trang đặt hình Đàm Vĩnh Hưng hôn môi sư thầy ở mục tiêu điểm hoặc ấn tượng để ai mở trang ra cũng có thể thấy hình ảnh đó ngay trước mắt.
Khác với các trường hợp lộ hàng (vô tình hay cố ý), hành vi hôn môi người tu hành của Đàm Vĩnh Hưng là khó chấp nhận trong nhận thức của một người nghệ sĩ. Bởi thế, dù mức phạt của Bộ VH-TT&DL đã là “kịch trần” theo nghị định 75 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, nhưng cũng theo nghị định này, ở điều 16 (vi phạm các quy định về biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang), khoản 4, điểm e có quy định phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi “biểu diễn, tổ chức biểu diễn có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục dân tộc; xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”. Và trong câu chuyện này có thể thấy Đàm Vĩnh Hưng đã xúc phạm đến một tổ chức - đó là Phật giáo. Và khoản 8 của điều 16 cũng quy định về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả khác: cấm biểu diễn từ 6 tháng đến 2 năm đối với người biểu diễn vi phạm quy định tại điểm e khoản 4.
Nhưng phạt 5 triệu đồng theo điều 16 khoản 1 điểm d (“người biểu diễn lợi dụng giao lưu với khán giả để có những hành vi thiếu văn hóa hoặc phát ngôn thô tục, không đúng đắn”) hay điều 16 khoản 4 điểm e với 10-20 triệu đồng không phải là chuyện quan trọng nhất sau sự việc này. Quan trọng hơn là hình ảnh Đàm Vĩnh Hưng sau việc ngang nhiên (cũng không thể nói là không có sự đồng thuận của hai nhà sư) hôn người tu hành trên một sân khấu thì thật khó tha thứ. Công chúng, khán giả, những người hâm mộ Đàm Vĩnh Hưng rồi sẽ biết cách phán xét và chọn cho mình một cách ứng xử theo những giá trị về thuần phong mỹ tục mà người Việt hằng tôn trọng...
Mức phạt 5 triệu đồng đã hợp lý? Ông Vũ Xuân Thành (Thanh tra Bộ VH-TT&DL) trả lời Tuổi Trẻ. * Với hành động hôn sư thầy, thanh tra bộ đã xử lý như thế nào? - Theo yêu cầu của Thanh tra Bộ VH-TT&DL, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã có mặt tại Hà Nội để tường trình về toàn bộ sự việc tối 4-11. Vụ việc của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hôn sư thầy trên sân khấu là phản cảm, không đúng với thuần phong mỹ tục và bị xử phạt theo điều 16, nghị định 75 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa. Mức phạt theo quy định là từ 2-5 triệu đồng. Đáng lẽ ra đối với trường hợp của Đàm Vĩnh Hưng sẽ chỉ bị xử phạt 3,5 triệu đồng. Nhưng bản thân thanh tra cũng thấy mức quy định trong nghị định quá thấp nên đã nâng mức phạt lên mức cao nhất là 5 triệu đồng. * Rất nhiều ý kiến cho rằng mức phạt này quá thấp so với những ảnh hưởng mà hành động này gây ra? - Đó là mức phạt được Chính phủ quy định nên thanh tra cũng đành chịu. Tuy nhiên, thời gian tới với việc sửa đổi nghị định 75, mức phạt này sẽ tăng lên nhiều lần. * Nhưng chỉ thị 65 chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang của Bộ VH-TT&DL hoàn toàn có thể bổ sung cho mức phạt thấp của nghị định 75. Tại sao chỉ thị không được áp dụng trong trường hợp này? - Thanh tra cũng đã tính đến việc áp dụng chỉ thị. Tuy nhiên, vi phạm vừa rồi chưa đến mức phải đình chỉ biểu diễn đối với Đàm Vĩnh Hưng. Hơn nữa, nếu muốn đình chỉ thì cũng phải có kiến nghị lên lãnh đạo Bộ VH-TT&DL. Bên cạnh đó, điều 16 trong nghị định 75 lại không đề cập các hình phạt phụ. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong buổi làm việc vừa rồi cũng có thái độ tiếp thu ý kiến, giải trình đầy đủ, nhận lỗi của mình và hứa không để xảy ra sự việc tương tự. Cho nên thanh tra bộ cho rằng mức phạt 5 triệu đồng là mức xử phạt hợp lý. * Xử phạt rồi nhưng những hình ảnh vẫn còn tiếp tục lan tràn trên mạng và gây hiệu ứng xấu đối với công chúng. Phía Bộ VH-TT&DL có kiến nghị gì với phía các trang mạng để gỡ xuống không, thưa ông? - Các trang đó thuộc Bộ Thông tin - truyền thông quản lý thì Thanh tra Bộ VH-TT&DL cũng không thể có ý kiến gì được. |
Ông Phan Đình Tân (người phát ngôn Bộ VH-TT&DL): Nên gỡ bỏ những hình ảnh giữa Đàm Vĩnh Hưng và sư thầy Nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt 5 triệu đồng đối với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là thấp, nhưng tôi cho rằng cao hay thấp không quan trọng bằng vấn đề danh dự. Phạt thế nào cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật, bộ không thể nào phạt vượt khung được. Bản thân khán giả hiện nay cũng có rất nhiều kênh để tiếp nhận, đánh giá sự việc, do vậy họ phải có thái độ rõ ràng đối với những vi phạm của ca sĩ. Báo chí phản ánh việc này rất kịp thời và rất đúng. Tuy nhiên, một số trang mạng cũng sử dụng hình ảnh ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hôn sư thầy và các bài bình luận để tăng lượng truy cập. Quan điểm của Bộ VH-TT&DL là nên gỡ những hình ảnh này xuống vì nó gây ảnh hưởng xấu đến công chúng và xã hội. Tuy nhiên, nói dễ mà làm rất khó. Đối với các trang chính thống thì có thể đề nghị được, nhưng còn các trang đặt máy chủ ở nước ngoài, rồi việc dẫn link từ các trang thì rất khó yêu cầu họ gỡ xuống. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận