07/05/2023 12:59 GMT+7

Chuyện hậu trường SEA Games xứ chùa tháp - Kỳ cuối: Vì sao Campuchia 'chơi lớn' cho SEA Games?

Đằng sau sự hào phóng của Campuchia khi tổ chức SEA Games làm "nước ngoài khen ngợi, trong nước tự hào" là kỳ vọng cú hích cho du lịch phục hồi.

Du khách Việt sang Campuchia cổ vũ cho đội nhà - Ảnh: T.TR

Du khách Việt sang Campuchia cổ vũ cho đội nhà - Ảnh: T.TR

Ai nói Campuchia chơi trội làm khó các nước đăng cai SEA Games sau này. Nhưng tôi nghĩ khác, Campuchia đang chơi đẹp mà các nước cần phải nhìn nhận để tạo cho SEA Games một màu sắc khác.

Ông Sam Nang


"Du lịch SEA Games" hút khách

Ông Chan Ton, một doanh nghiệp có tiếng ở thành phố biển Sihanoukville, có đội tàu đưa khách ra các hòn đảo đẹp mê người tại vùng vịnh phía Nam Campuchia. Trước khi đại dịch COVID-19, ông đã sang Việt Nam đặt đóng hàng loạt du thuyền về để đưa khách ra các hòn đảo mới. 

"Trong vùng biển phía nam thành phố, nhiều đảo đẹp lắm. Khách đến họ muốn ở lại. Nên mình phải có tàu riêng đưa đón", Chanton, chủ một hòn đảo với bãi cát vàng óng, nói.

Ông cho biết thêm ông đã cho một bạn trẻ đam mê du lịch thuê cả khu hoang sơ "với giá rẻ bèo". 

Trong một thời gian, khách Tây, khách Việt Nam cứ thuê tàu ra hòn đảo nhỏ của ông, thay vì ra các thiên đường Koh Rong, Koh Rong Sanloem... vốn đã quá nổi tiếng với khách quốc tế.

Hôm ông Chan Ton đưa tôi đến hòn đảo, mời bữa ăn với giá tượng trưng mà ông chỉ lấy 1 USD. Vị tài phiệt này nói sắp tới ông sẽ làm ăn nhiều với Việt Nam. Bởi con đường ven biển kết nối Sihanoukville với Pattaya, Bangkok đến Hà Tiên - Phú Quốc sẽ là cung đường vàng cho ngành du lịch. 

"Khách Việt Nam thích đi Campuchia. Sau này đường sá, thủ tục dễ dàng thì người ta sẽ tới đây nhiều hơn", ông Chan Ton nói. Ông còn nhận định khi Phú Quốc của Việt Nam phát triển đồ sộ, nét hoang sơ của các đảo nam Campuchia là những bổ sung thú vị. 

"Ngày lễ 30-4 hay Tết Việt Nam, các đảo ở đây đầy chật khách Việt", ông vui khoe. Một cán bộ ngoại giao nói ông Chan Ton đã đặt 7 chiếc du thuyền mua từ Việt Nam.

Thế nhưng, dịch dã ập tới đã dìm đắm những dự tính của doanh nhân Campuchia với nhiều tính toán làm ăn với Việt Nam. Khi hết dịch, luồng khách không còn trở lại như trước. 

"30-4 năm nay khách Việt Nam qua đây không bằng phân nửa mọi năm", một doanh nghiệp ở Kampot nói thêm có lẽ người ta bị "sựng" lại, ngần ngại đi nước ngoài hơn trước. 

"Trong số các nước trong khu vực, khách Việt là số 1 của chúng tôi. Nhiều năm Việt Nam đứng đầu lượng khách đến Campuchia. Lần này Campuchia tổ chức SEA Games, những hình ảnh mà truyền thông phát đi sẽ giúp chúng tôi tiếp cận lại khách du lịch, mà thời gian qua do dịch bệnh họ không có cơ hội trở lại Campuchia", vị này nói.

Những ngày trước khi SEA Games diễn ra, cụm từ "du lịch SEA Games" với các gói đi Campuchia cổ vũ cho đội tuyển, đi xem SEA Games được quảng bá rầm rộ. 

Không ngẫu nhiên mà Campuchia chọn 5 tỉnh thành tổ chức các môn SEA Games, bởi các thành phố Phnom Penh, Siem Reap, Kep, Kampot, Sihanoukville đều là những nơi thu hút du lịch bậc nhất Campuchia. K

hi ngành du lịch cũng như người bệnh đang trên đà bình phục, Campuchia hy vọng SEA Games sẽ tiếp theo liều thuốc kích thích để du lịch phục hồi. 

Thực tế cho thấy chỉ trong trận mở màn đội U22 Việt Nam gặp U22 Lào, hàng nghìn du khách từ Việt Nam sang cổ vũ cho đội nhà. Nhiều người tự túc đi về. 

Nhưng rất đông người hâm mộ đến Campuchia qua các hãng lữ hành để yên tâm đi lại và có vé vào sân xem bóng đá.

"Nhờ có SEA Games tôi mới có dịp sang Campuchia. Trước khi đến đây, tôi nghĩ khác về đất nước này nhưng khi qua mới thấy Campuchia đẹp, món ăn ngon, người dân hiền lành. Tôi kết nhất là ra đường ít nghe tiếng còi xe. Lần này, tôi đi tour sang đây để cổ vũ cho U22 Việt Nam. Lần sau tôi sẽ sang thăm thú xứ sở hấp dẫn này", anh Duy Hưng nói. Anh từ Vũng Tàu sang Campuchia cổ vũ cho trận khai mạc U22 Việt Nam gặp Lào trên sân vận động Visakha

Anh Hưng còn "thấy tiếc" vì sang Campuchia ngắn ngày. "Nếu Việt Nam vào đến trận cuối, tôi sẽ rủ vợ tôi sang cổ vũ và... đi chơi nhiều nơi luôn", anh Hưng chia sẻ.

Thành phố Kampot, một trong năm địa phương tổ chức SEA Games ở Campuchia - Ảnh: T.TRÌNH

Thành phố Kampot, một trong năm địa phương tổ chức SEA Games ở Campuchia - Ảnh: T.TRÌNH

"Bán vé hay thu tiền không giúp Campuchia giàu lên"

"Chúng tôi sẽ khơi nguồn khách đến Campuchia bởi những hình ảnh và thiện cảm mà bạn bè biết được từ việc chúng tôi tổ chức SEA Games", Lon Thong, một doanh nghiệp du lịch ở Phnom Penh, lạc quan.

Số liệu của Bộ Du lịch Campuchia cho biết trong năm 2022, xứ sở chùa tháp chào đón 2,28 triệu du khách nước ngoài, con số vượt qua mức kỳ vọng 2 triệu mà Chính phủ Campuchia đặt ra ban đầu khi mở cửa trở lại sau dịch.

Trước đại dịch COVID-19, xứ chùa tháp đón khoảng 7 triệu du khách nước ngoài hằng năm, tạo ra doanh thu gần 5 tỉ USD. Việc có thể khôi phục khoảng 30% trong một năm sau đại dịch là tín hiệu tốt với du lịch Campuchia. 

Theo lộ trình đặt ra, họ sẽ trở lại như mức trước đại dịch vào năm 2026. 

Trong lộ trình này, SEA Games 2023 hiển nhiên là cột mốc quan trọng. 

Ban tổ chức SEA Games kỳ vọng rằng việc đăng cai kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á đầu tiên trong lịch sử sẽ giúp nước chủ nhà Campuchia đón thêm khoảng 250.000 - 500.000 du khách vào tháng 5 này.

Anh Long Toun, một hướng dẫn viên du lịch người gốc Việt ở Siem Reap, cho biết: "Khoảng 10 năm trước, thu nhập của nghề chúng tôi có lúc lên đến 3.000 USD/tháng. Đến giữa thập niên 2010, lượng khách du lịch đến Siem Reap có phần giảm đi. Và từ năm 2017, chính phủ quyết định kích cầu du lịch thành phố. 

Đường sá, cây xanh và các công trình quan trọng được làm mới, nhưng đại dịch nổ ra khiến mọi việc bị dang dở. Giờ đây mọi chuyện đã bắt đầu yên ổn trở lại, tôi mong rằng Siem Reap sẽ sớm trở lại lộ trình phát triển".

Có thể hiểu vì sao chủ nhà Campuchia quyết tâm chơi lớn ở kỳ SEA Games năm nay, khi miễn phí vé cho người hâm mộ và chi phí ăn ở cho các đoàn thể thao. Thủ tướng Hun Sen tuyên bố: "Bán vé hay thu tiền của vận động viên không giúp người Campuchia giàu lên".

Giới chuyên gia nhận định sự hào phóng của ông khiến Campuchia tốn kém thêm khoảng 10 triệu USD. Nhưng bù lại, điều này có thể giúp người dân trong khu vực Đông Nam Á thêm thiện cảm với xứ chùa tháp, qua đó giúp du lịch Campuchia đạt được con số 500.000 du khách mùa SEA Games như kế hoạch. Lượng khách này hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu hàng trăm triệu USD cho Campuchia.

"Khách nào cũng quan trọng, nhưng khách Việt Nam luôn chịu chi", chị Xaria, chủ một nhà hàng ở Phnom Penh mà khách Việt Nam thường tới, vui vẻ đúc kết. 

"Dân làm dịch vụ của chúng tôi mong đội Việt Nam có nhiều chiến thắng để khách Việt sang ủng hộ nhiều hơn, chúng tôi bán được nhiều hơn", chị cho biết thêm.

"SEA Games là dịp để kích cầu, để quảng cáo cho du lịch, cho bạn bè biết đến Campuchia. Còn sau đó khách đến nữa hay không tùy vào cách phục vụ. Thủ tướng Hun Sen căn dặn người dân cư xử lịch thiệp, dặn các cơ quan cửa khẩu thủ tục cũng phải đơn giản, tạo điều kiện cho du khách vào Campuchia. Từ đó, du lịch mới hy vọng sớm phục hồi", ông Sam Nang, chủ nhà hàng ở quận Russey Keo. 

Ông nhận  xét Campuchia "chơi đẹp" kỳ SEA Games này sẽ tạo ra một tiền lệ hữu hảo khi các nước khác tổ chức SEA Games...

Chuyện hậu trường SEA Games xứ chùa tháp - Kỳ 4: Vovinam đầy hấp dẫn ở xứ chùa thápChuyện hậu trường SEA Games xứ chùa tháp - Kỳ 4: Vovinam đầy hấp dẫn ở xứ chùa tháp

Một tuần trước khi SEA Games 32 chính thức tranh tài, nhiều võ sĩ Campuchia vẫn miệt mài tập luyện ở… Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên