30/04/2012 09:10 GMT+7

Chuyện hai người lính

HÀNG CHỨC NGUYÊN
HÀNG CHỨC NGUYÊN

TT - Năm ấy, khi trở về thăm ngôi trường cũ (Trường THPT Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi) gặp thầy Trần Đình Trọng (hiệu trưởng, hiện thầy đã nghỉ hưu, một người bị tật ở chân), tôi hơi ngỡ ngàng.

S1NWNhEj.jpgPhóng to
Thầy Trọng tại một buổi lễ kỷ niệm bệnh xá của Tỉnh đội Quảng Ngãi năm 2005 - Ảnh tư liệu

Tôi cứ nghĩ đơn giản: Trần Quốc Tuấn một thời là ngôi trường lớn nhất tỉnh, luôn là niềm tự hào của nhiều thế hệ học sinh xứ Quảng, thầy hiệu trưởng đáng ra phải thật lịch duyệt, phong cách... Biết đâu ý nghĩ ấy về sau đã trở thành một niềm ân hận theo tôi nhiều ngày tháng. Vừa bày tỏ với anh Trần Mỹ - người bạn học của tôi, là giáo viên Trường Trần Quốc Tuấn - anh phản bác ngay: “Không, ông ạ. Thầy Trọng đầy nghị lực, đầy nghĩa tình, xứng đáng lắm với Trường Trần Quốc Tuấn...”. Tôi tìm hiểu và quả là như vậy. Và tôi viết những dòng này như một lời xin lỗi gửi đến thầy.

Đạn bom qua đi, tấm lòng còn lại

Hai người lính trở thành anh em. Nhưng chẳng bao lâu sau, anh Trọng đã phải thắp một nén nhang nữa: tết 2009, trong một cơn bạo bệnh, anh Sơ đã ra đi khi vừa qua tuổi 70. Phía sau nén nhang anh Trọng thắp lần thứ hai này không có nụ cười, chỉ có nước mắt.

Năm 1972, 19 tuổi, anh Trọng ở đội công tác vũ trang tuyên truyền của xã Hành Phước (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) bị thương nặng. “Đêm ấy - anh Trọng kể - tôi xuống địa bàn xã. Bất ngờ một quả mìn nổ...”. Đôi chân anh dường như không còn gì: khớp gối chân trái nát bấy, chân phải tưa tả. Ngay đêm đó, đồng đội đã đưa anh về bệnh xá Tỉnh đội Quảng Ngãi (B25), đóng ở Nghĩa Hành, giáp với núi rừng Minh Long. Anh được gấp rút đưa lên bàn phẫu thuật, nhưng chưa kịp thì cả một góc rừng bốc lửa, nổ tung. Đạn pháo ầm ầm nã đến, như thể nghiền nát, đốt cháy hết mọi thứ. Đêm, bệnh xá phải di chuyển. Anh được đưa đến một dòng suối. Vừa băng qua suối, cả hai người khiêng đều bị thương, không thể tiếp tục đưa anh đi được nữa.

Tối. Núi rừng mịt mù. Mưa lâm râm. Anh nằm ướt mẹp thoi thóp bên dòng suối chờ cái chết đến. Mãi đến khuya hôm sau, anh em ở trạm xá đi tìm thương binh mới tới nơi, tức tốc bế anh lên đặt vào võng. Ngay lúc ấy, bên kia dòng suối, đối phương đang ào ào tỏa ra lùng sục. Biết khó thoát, anh dùng chút sức tàn thều thào với đồng đội: “Các anh đi đi, tôi không sống được đâu, vướng tôi là chết hết”. Tiếng giày đinh mỗi lúc mỗi gần. Đồng đội cương quyết khiêng anh đi, nhưng anh cố van nài rồi dọa: “Các đồng chí làm vậy tôi sẽ chết ngay đây...”. Không còn cách nào khác, đồng đội vội vã treo chiếc võng trên một nhành cây thấp, phủ lên mặt anh một tấm vải dù hoa, choàng lên người anh một tấm tăng rồi cẩn trọng ghi dấu lên một thân cây. Anh nằm đó, một mình, trên chiếc võng lạnh lẽo, thiếp đi, tỉnh lại giữa núi rừng thâm u.

Sáng tinh mơ, anh lại tỉnh dậy. Dù thấy cả bầy giòi lúc nhúc trong những vết thương và hàng nghìn con lèn bay vù vù quanh thân xác mình, dù mưa và máu làm ướt lẹp nhẹp, nhưng “lạ lùng lắm - anh kể - tôi không hề nghe một chút đau đớn nào, thấy tỉnh táo lạ thường”. Anh cảm nhận được cả tiếng con sóc chuyền cành. Anh nghĩ về mẹ, về bè bạn và lòng tràn đầy ước mơ. Nhưng tất cả chỉ trong thoáng chốc, những bước chân giẫm đạp, lùng sục băng qua cây cối, băng qua dòng suối, một toán lính đã phát hiện chiếc võng. Đến bấy giờ anh vẫn còn nhớ như in: “Mơ mơ màng màng, tôi thấy mấy người đến. Một người đến kéo tấm vải dù hoa ra khỏi mặt tôi, bầy lèn bay vù lên. “Nó chết rồi”. Một người hùng hổ cầm nòng súng gí vào người tôi: “Chưa, chưa chết, cho một phát cho rồi”. Một người khác cản: “Thôi, để anh ta tự chết” và kéo mọi người đi”.

Anh lại thiếp lúc nào không biết, khi tỉnh dậy, Trọng thấy trên ngực mình có một chiếc biđông đầy nước và dưới võng có hai bịch gạo sấy. “Trong cơn khát cháy cả ruột gan, chiếc biđông nước ấy đã giúp tôi kéo dài được sự sống, giúp tôi sống...” - anh bùi ngùi nói.

Anh đã sống cho đến khi được các y bác sĩ đưa về trạm xá dựng tạm ở một góc rừng. Anh Cao Bá Chiến (nguyên giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Quảng Ngãi, đã nghỉ hưu) hồi ấy cũng đang nằm tại bệnh xá, nhớ lại: “Chi bộ đã họp và quyết định cưa gấp chiếc chân của anh Trọng để cứu lấy mạng sống, dù không còn một chút thuốc tê, thuốc mê”. Tất cả những gì có thể có, kể cả thuốc cá nhân của nhiều đồng đội, đều được gom lại lo cho ca mổ và sự sống của người du kích 19 tuổi. Rồi bệnh xá dựng tạm lại bị đánh đi đánh lại, tan hoang, cháy nát, đồng đội lại bao lần khiêng, cõng anh băng qua đạn bom chuyển đi về nơi xa hơn, cao hơn của núi rừng.

Tháng 5-1974, anh được chuyển ra miền Bắc, được điều trị, được đi học và đến năm 1977 anh thi vào khoa toán Trường đại học Sư phạm Huế, đậu á khoa. Thời đạn bom đã qua, những ngày bình yên ấy anh luôn nghĩ về những viên thuốc, về những nắm cơm, những ngụm sữa của đồng đội dành cho mình, nghĩ về những bờ vai của đồng đội băng qua lửa đạn, và nghĩ về chiếc biđông nước, hai bịch gạo sấy của một người lính đối phương đã để lại trên ngực mình.

CGP2C9mb.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Sơ và vợ - Ảnh tư liệu

Anh là ai, ở đâu?

Rồi một duyên may đã đến... Một hôm, vào năm 2003, bất ngờ anh nhận được điện thoại từ Đà Lạt. Đó là điện thoại của chị Huỳnh Thị Đính, người đồng đội cũ của anh. Giọng người gọi run run và tay cầm điện thoại của người nghe cũng run run: “Gặp được người lính mà Trọng tìm rồi, Trọng ơi”. Mừng rỡ, vừa tan cuộc họp, anh lên Đà Lạt.

Anh Trịnh Hải Vương, chồng chị Đính, hiện là chủ khách sạn Long Vương (đường Nguyễn Chí Thanh, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), nhớ lại: “Người lính ấy là anh Nguyễn Sơ, lính sư đoàn 2 của chế độ cũ, cũng người Quảng Ngãi, bị thương mất một tay. Năm ấy ảnh đến khách sạn tôi”. Là đồng hương, chủ khách chuyện trò cùng nhau và khách nhắc lại chuyện cũ, trong đó có chuyện mình đã để lại chiếc biđông nước, hai bịch gạo sấy cho một người Việt cộng bị thương nặng nằm trên chiếc võng, sắp chết. Khách đi, anh Vương kể lại với chị Đính. Chị Đính giật mình: “Người Việt cộng đó là Trọng chớ ai”. Anh Trọng đã lên Đà Lạt, nhưng, “Thật tiếc - anh Vương kể - tôi lại vô tình không hỏi kỹ là anh Sơ giờ ở đâu, chỉ nhớ là ảnh nói ở một vùng kinh tế mới đâu quanh đây”.

Tưởng tìm được người ơn, nhưng lại thất vọng. Lòng buồn bã nhưng anh Trọng lại tiếp tục cuộc kiếm tìm. Dù bị thương tật (anh là thương binh 1/4), đi lại khó khăn, anh vẫn thuê xe ôm đến các vùng kinh tế mới có người Quảng Ngãi ở Di Linh, Bảo Lộc, rồi mấy lần lên tận Đắk Lắk. Bây giờ câu hỏi của anh đã có một cái tên: “Có biết anh Nguyễn Sơ, người Mộ Đức, Quảng Ngãi, lính chế độ cũ, mất một cánh tay?”...

Tay nắm lấy bàn tay

Mãi đến năm 2005, trong buổi lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường Trần Quốc Tuấn, thầy hiệu trưởng Trần Đình Trọng xuất hiện trên sân khấu giao lưu. Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, cựu học sinh trường, làm người dẫn chương trình. Ông Tiến kể lại: “Hôm ấy khi nghe thầy Trọng kể câu chuyện chiếc biđông nước, hai bịch gạo sấy của người lính chế độ cũ và cuộc tìm kiếm mấy mươi năm, mình xúc động lắm. Mình rất mong hai người sớm được gặp nhau, nắm được tay nhau”.

Niềm mong ước ấy nào ngờ đã sớm trở thành hiện thực. Sau buổi giao lưu, một cựu học sinh Trần Quốc Tuấn xuất hiện: anh Trịnh Quang Ba, giáo viên Trường tiểu học Phổ Thuận, huyện Đức Phổ (hiện đã nghỉ hưu). Anh báo: “Ôi, tưởng ai xa lạ, người lính ấy là anh Sơ, con bà cô tôi đó mà...”. Ngay đêm đó, anh Trọng đã gọi cho anh Sơ, ở tận Chơn Thành, Bình Phước. Chưa gặp mặt nhưng giữa hai người lính, qua điện thoại, những ngày khói lửa trên chiến trường Quảng Ngãi đã sống lại, chiếc biđông nước và hai bịch gạo sấy giữa hai chiến tuyến cũng hiển hiện mồn một. Đó là lần bệnh xá B25 bị chỉ điểm, đơn vị anh Sơ được lệnh hành quân đến tận nơi. Sau trận đó, năm 1973, cũng tại chiến trường Quảng Ngãi, anh Sơ bị thương, mất một tay, thành thương phế binh. Đến năm 1981, khó khăn quá, anh đưa gia đình vào tận Chơn Thành, Bình Phước tìm kế mưu sinh.

Ngay sau đó anh Trọng đón xe đi Bình Phước. Đó là một giờ phút thật đặc biệt, dĩ nhiên, phút gặp lại của hai con người mà trước đó 35 năm đều là lính, mỗi người một chiến tuyến. Anh Trọng, người thương binh mất một chân, nắm lấy bàn tay còn lại của anh Sơ, người thương phế binh mất một tay. Bàn tay lẽ ra 35 năm trước đã bóp cò khẩu súng đang chĩa vào anh, nhưng không, bàn tay ấy đã len lén, sè sẽ lấy chiếc biđông nước, hai bịch gạo sấy và len lén, sè sẽ đặt lên người anh, người thương binh nằm trên chiếc võng chờ chết giữa rừng. Nắm tay nhau, rồi hai người lính ôm nhau, mừng cười mà nước mắt lại rơi.

Lúc ấy có một người phụ nữ đứng phía sau cũng khóc, là chị Võ Thị Ba, vợ anh Sơ. Sau giây phút bùi ngùi đó, anh Trọng đã xin phép anh chị Sơ gửi một chỉ vàng làm quà kỷ niệm và xin được làm một mâm cơm cúng gia tiên. Thắp một nén nhang, trong hương khói thiêng liêng, anh Trọng đứng cùng với vợ chồng anh Sơ, khấn: “Từ nay, con xin được làm người con, người em trong gia đình”.

Ký ức bịch gạo sấy

Có gì đâu chiếc biđông nước, bịch gạo sấy, ấy vậy mà nó cứ theo anh qua năm tháng, từ cái buổi sáng ấy mãi đến khi anh về làm giáo viên toán, rồi làm hiệu phó, hiệu trưởng Trường Trần Quốc Tuấn. Không biết bao nhiêu lần Trọng tự hỏi: “Người lính ấy là ai? Giờ còn hay mất?”. Anh tâm nguyện còn sống là còn tìm kiếm con người ấy để nói lời thọ ơn cứu tử. Bao nhiêu năm anh nói về cái ơn ấy với nhiều người quen thân, với mong ước dò la, kiếm tìm người lính bên kia chiến tuyến đã dũng cảm mở lòng cứu một người lính bên này chiến tuyến. Dẫu vậy, năm tháng trôi qua, đã có lúc anh dường như tuyệt vọng vì thông tin quá sức ít ỏi, lấy đâu mà tìm?

HÀNG CHỨC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên