TTCT - Ngay sau khi Trần Thanh Điền đoạt áo vàng Cúp truyền hình TP.HCM 2013, TTCT đã theo chân cuarơ trẻ chưa tròn 17 tuổi này về nhà tại huyện Hóc Môn (TP.HCM) để ghi nhận câu chuyện thú vị về hai anh em nhà vô địch. Phóng to Áo vàng Thanh Điền được người anh Thanh Nhanh (số 7) bảo vệ trên đường đua - Ảnh:T.P. Với chiếc áo vàng Cúp truyền hình TP.HCM 2013 xuyên Việt mang tên “Non sông liền một dải”, Thanh Điền đã vượt cột mốc của Trương Quốc Thắng, trở thành tay đua trẻ nhất lịch sử đăng quang tại giải. Đồng thời, anh cũng góp phần mang về cho đội TP.HCM phần lớn trong tổng tiền thưởng hơn 200 triệu đồng (một mình Thanh Điền hơn 120 triệu đồng, trong đó áo vàng được 100 triệu, áo trắng 20 triệu và nhiều phần thưởng chặng). Thế nên buổi sáng đó, hai anh em Thanh Nhanh - Thanh Điền lòng vui như mở hội bởi lần đầu tiên họ được cầm trong tay khoản tiền thưởng hơn 40 triệu đồng. Thanh Điền cho biết: “Tôi gửi mẹ giữ số tiền này để trang trải chi phí đi học và dành dụm cho tương lai. Tôi sẽ cố gắng thi đấu để ngày càng có nhiều tiền thưởng”. Nhà vô địch xuất thân từ… chòi vịt “Là anh em ruột nên Thanh Nhanh - Thanh Điền giống nhau ở khả năng leo đèo tốt và luôn khát khao chiến thắng. Trong làng xe đạp VN ngày nay, ăn thua nhau chủ yếu quyết định ở những chặng đèo. Nhiều chuyên gia nghĩ rằng tôi mạo hiểm khi đề ra chiến thuật táo bạo giúp Thanh Điền giành áo vàng vì em còn quá nhỏ. Nhưng tôi là người hiểu hai anh em họ về tính cách lẫn khả năng hơn ai hết”. HLV tuyển xe đạp TP.HCM ĐỖ THÀNH ĐẠT Thanh Nhanh (20 tuổi) và Thanh Điền đều là hạt giống trẻ đang được chuyên gia người Kyrgyzstan Nicolai Kurkov ra sức ươm cho tương lai xe đạp Việt Nam. Ít ai biết rằng chỉ vài năm trước, trưởng bộ môn xe đạp huyện Hóc Môn Vũ Huyền Thông đã phải cất công lội ao, băng ruộng để kéo họ ra từ… chòi vịt. Ông Thông kể: “Biết Thanh Nhanh có tiềm năng chơi xe đạp từ giới thiệu của một người bạn, tôi đã cất công tìm kiếm. Khi đó, Thanh Nhanh mới 16 tuổi nhưng đã nghỉ học từ lớp 7 để đi chăn vịt. Tôi đến nhà thuyết phục và giao luôn xe cho Thanh Nhanh tự tập trước. Nhưng một tuần, hai tuần... rồi một tháng, hai tháng chẳng thấy cậu ta xuất hiện. Tôi nóng ruột trở lại nhà Thanh Nhanh để tìm mới hay cậu ta cất xó chiếc xe để ra đồng chăn bầy vịt của mình”. Nhớ lại chuyện này, Thanh Nhanh nói: “Tôi vốn rặt nông dân nên nghĩ mình chỉ thích hợp chuyện đồng áng. Ngoài quãng thời gian phụ gia đình làm ruộng, tôi dành dụm tiền gầy bầy vịt hơn 500 con để nuôi. Lúc đó, bầy vịt là gia sản của tôi nên không thể bỏ được. Điền nhỏ hơn tôi 3 tuổi và được tôi chọn làm phụ tá đắc lực”. Trời xui thế nào mà nhà hai anh em lại sát vách tuyển thủ quốc gia Lê Văn Duẩn. Phần vì xiêu lòng trước sự chân thành của thầy Thông đã không biết bao nhiêu lần lội ruộng ra tận chòi vịt khuyên nhủ, hứa hẹn; phần vì từ lâu đã hâm mộ người hàng xóm Lê Văn Duẩn nên Thanh Nhanh đồng ý tập. Dù chỉ tập khá miễn cưỡng trong bốn buổi, Thanh Nhanh đi thi đấu và giành ngay HCB nội dung cá nhân tính giờ tại Giải vô địch xe đạp trẻ toàn thành 2009. Đây chính là bước ngoặt gắn Thanh Nhanh với nghiệp xe đạp. Thanh Nhanh về bán hết bầy vịt để chuyên tâm tập luyện và thành tích liên tục đến, trong đó có chiếc áo trắng và hạng sáu chung cuộc Cúp truyền hình TP.HCM 2011. Hiện Thanh Nhanh là thành viên tuyển xe đạp Việt Nam. Thành công của Thanh Nhanh khiến người em cũng quyết tâm từ bỏ chuyện ruộng đồng ra chơi xe đạp năm 2011. Nhưng nhiều chuyên gia đã lắc đầu ngay cái nhìn đầu tiên dành cho Thanh Điền vì thể hình quá mỏng (lúc đó Thanh Điền cao 1,65m nhưng chỉ nặng 40kg). Không nản chí, Thanh Điền xin một chiếc sườn xe đã gãy mang về hàn lại tự tập luyện. Vậy mà thành tích không ngừng cải thiện và anh được nhận vào đội xe đạp TP.HCM cuối năm 2011, sau đó là đội tuyển trẻ quốc gia. Ngoài việc tập luyện, Thanh Điền vẫn đang học lớp 11 Trường nghiệp vụ TDTT TP.HCM. Tiếp sức trên đường đua Trong những ngày diễn ra Cúp truyền hình TP.HCM 2013, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn nhộn nhịp hẳn lên. Hai căn nhà liền kề nhau trong xã có hai cặp anh em (cùng của đội tuyển TP.HCM) đang tung hoành tại giải là Thanh Nhanh - Thanh Điền (áo vàng) và Lê Văn Duẩn (áo xanh) - Lê Nguyệt Minh. Bà Lê Thị Bình, mẹ Thanh Điền, nói: “Suốt thời gian diễn ra giải, hàng xóm và lãnh đạo xã thường đến nhà hỏi thăm tin tức, chúc mừng. Nhiều người đã dán mắt vào truyền hình ở những chặng có trực tiếp hoặc xem tin tức tường thuật. Khi hay tin Thanh Điền đoạt áo vàng và Lê Văn Duẩn đoạt áo xanh, ai nấy đều vui lắm. Từ lâu, xe đạp là môn thể thao thịnh nhất tại xã của chúng tôi”. Đó cũng là một phần động lực để Thanh Điền nỗ lực thi đấu với 120% khả năng. Thanh Điền nói: “Tôi có sức trẻ nhưng chưa đủ kinh nghiệm để mặc chiếc áo vàng danh giá này nếu không có sự giúp đỡ của đàn anh trong đội, nhất là anh ruột. Tính cạnh tranh của Cúp truyền hình rất khốc liệt, nhờ có anh Thanh Nhanh làm chỗ dựa nên tôi mới có được thành tích này”. HLV tuyển xe đạp TP.HCM Đỗ Thành Đạt nhận xét: “Là anh em ruột nên Thanh Nhanh - Thanh Điền giống nhau ở khả năng leo đèo tốt và luôn khát khao chiến thắng. Trong làng xe đạp VN ngày nay, ăn thua nhau chủ yếu quyết định ở những chặng đèo. Nhiều chuyên gia nghĩ rằng tôi mạo hiểm khi đề ra chiến thuật táo bạo giúp Thanh Điền giành áo vàng vì em còn quá nhỏ. Nhưng tôi là người hiểu hai anh em họ về tính cách lẫn khả năng hơn ai hết”. Trong khi Thanh Điền tỏ ra khá tự tin thì Thanh Nhanh bỗng nhiên cảm thấy áp lực. Thanh Nhanh nói: “Tôi vẫn thường xuyên bảo vệ áo vàng cho đồng đội, nhưng khi người mặc áo vàng là Thanh Điền thì tôi có cảm giác khác hẳn, một chút mừng, một chút lo cho em không gánh nổi trọng trách”. Để lo cho em, Thanh Nhanh luôn đổi với đồng đội để đưa em về chung phòng với mình nhằm tiện chỉ bảo thêm, giải thích chiến thuật HLV Đạt đề ra và… bắt Thanh Điền ngủ sớm vì em vẫn còn ham vui. Trên đường đua, Thanh Nhanh là người chạy trước bảo vệ Thanh Điền bám sát phía sau để không bị đối thủ tấn công. Khi xe Thanh Điền gặp sự cố, Thanh Nhanh sẽ đổi xe cho em tiếp tục hành trình. Cũng từ khi Thanh Điền khoác chiếc áo vàng trên người, Thanh Nhanh phải hi sinh thành tích của mình ở bảng tổng sắp cá nhân để triệt đối thủ lớn của Thanh Điền. Khi đã lên yên thi đấu, Thanh Nhanh chỉ biết làm đầu kéo cố sức cản gió để đưa em mình về đích với vận tốc cao nhất có thể, phối hợp với đồng đội ngăn chặn mọi cuộc tấn công của đối thủ. Ở đích đến nhiều chặng, trong lúc nhiều người vây quanh ca tụng Thanh Điền thì Thanh Nhanh ngồi bệt xuống đất gần như kiệt sức. Thanh Nhanh nói: “Có lẽ tôi không bao giờ quên chặng quyết định từ Nha Trang đi Đà Lạt. Tôi nhận nhiệm vụ cùng các đàn anh phải đưa Thanh Điền bám theo đối thủ vượt đèo Khánh Lê và Giang Ly. Không biết vì quá căng thẳng hay ăn đồ không sạch mà tôi bị “Tào Tháo rượt” cả đêm, đi muốn không nổi. Tôi vẫn cố đạp được 50km để đưa Thanh Điền vào đến đèo Khánh Lê rồi kiệt sức, phải gửi cậu em cho đồng đội Mai Nguyễn Hưng, Đinh Quốc Việt, Huỳnh Mai Duy... đưa đi tiếp. Lúc đó, tôi đã khóc vì lo lắng cho Thanh Điền”. Tags: Tấn PhúcĐua xe đạpÁo vàngCúp truyền hình TPHCM 2013Trần Thanh Điền
Giá cà phê cao chưa từng thấy khi vào chính vụ, nông dân thành 'đại gia' NGUYỄN TRÍ 26/11/2024 Giá cà phê có xu hướng tăng dần khi vào chính vụ khiến nhiều nông dân phấn khởi bởi 'chưa năm nào vào vụ mà giá cao như năm nay'.
Bất động sản, ai ai cũng... khóc ÁI NHÂN 26/11/2024 Lâu nay nhiều người cứ nghĩ làm bất động sản dễ ăn lắm, giá nhà đất cứ lên vù vù mới có chuyện "một người cười, chín người đau".
Những triền đồi phủ hồng khiến du khách xôn xao đến Đà Lạt M.V 26/11/2024 Mùa nắng lạnh, Đà Lạt lung linh những triền đồi phủ hồng khiến du khách xôn xao tìm đến.
Viện kiểm sát đề nghị xem xét lại tình tiết 'thành khẩn khai báo' của cựu vụ phó Nguyễn Lộc An TUYẾT MAI 26/11/2024 Chiều 26-11, đối đáp với luật sư, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM cho rằng việc đưa tiền, tài sản của bà Hạnh đều gắn với các việc làm cụ thể của các bị cáo nhận hối lộ và đề nghị xem lại tình tiết thành khẩn khai báo của ông Nguyễn Lộc An.