04/03/2019 12:09 GMT+7

Chuyện giờ mới kể về thượng đỉnh Mỹ - Triều

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội đã kết thúc nhưng câu hỏi Việt Nam làm thế nào để tổ chức một hội nghị lớn với nhiều yêu cầu phức tạp về an ninh, hậu cần, lễ tân... chỉ trong vỏn vẹn 10 ngày vẫn khiến nhiều người tò mò.

Chuyện giờ mới kể về thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 1.

Phóng viên nước ngoài đưa tin hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh: T.L.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bà Lê Thị Thu Hằng - vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao và là người trực tiếp tham gia công tác chuẩn bị và tổ chức - cho biết các sự kiện lớn do Việt Nam chủ trì tổ chức trước đây có hàng năm để chuẩn bị thì hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội thời gian chuẩn bị chỉ 2 tuần.

Thách thức lớn nhất với tư cách nước chủ nhà chính là làm sao để hài hòa lợi ích các bên mà vẫn đảm bảo an ninh tuyệt đối và lễ tân trọng thị.

Bà Lê Thị Thu Hằng

Vì sao chọn Cung văn hóa Hữu Nghị?

Sáng 3-3, bà Thu Hằng tiết lộ với Tuổi Trẻ một số câu chuyện hậu trường về công tác tổ chức hậu cần cho hội nghị thượng đỉnh. Bà Hằng cho biết là cuộc họp song phương giữa hai bên nên nơi ở cho hai nhà lãnh đạo cũng như nơi tổ chức hội nghị là do phía Mỹ và Triều Tiên quyết định. Tuy nhiên để chuẩn bị, Việt Nam đã chủ động triển khai tổ chức Trung tâm Báo chí quốc tế (IMC) mà việc đầu tiên là chọn địa điểm.

"Ngày 9-2 (giờ VN), khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo trên Twitter cá nhân rằng Hà Nội là nơi diễn ra thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Đó cũng là lúc chúng tôi khởi động mọi công tác chuẩn bị, trong đó quan trọng nhất là chọn địa điểm thiết lập IMC" - bà Hằng kể.

Những yêu cầu đặt ra cho một IMC là phải có mặt bằng có mái che (indoor) đủ rộng để phục vụ 3.000-4.000 phóng viên cùng một lúc, thuận tiện cho giao thông đi lại, và yếu tố quan trọng nhất chính là ở đó báo chí nước ngoài cảm nhận được những nét đặc trưng của Hà Nội và từ đó hình ảnh của Hà Nội và Việt Nam sẽ được đưa lên ống kính của các hãng truyền thông lớn trên thế giới.

Sau khi khảo sát một số địa điểm, ban tổ chức quyết định chọn Cung văn hóa Hữu Nghị và cuộc họp đầu tiên diễn ra ngày 15-2 tại Cung văn hóa Hữu Nghị với sự tham gia của các đơn vị liên quan. Toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, viễn thông được thiết lập gần như mới, hệ thống chiếu sáng, cấp nước sạch và vệ sinh được nâng cấp.

"Chúng tôi phải quan tâm từ những hạng mục tưởng chừng nhỏ nhất nhưng rất quan trọng đó là hệ thống nhà vệ sinh phải đảm bảo sạch sẽ" - bà Hằng nói.

Chuyện giờ mới kể về thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 3.

Ngày khánh thành Trung tâm Báo chí quốc tế - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Gần 1.000 người tham gia phục vụ IMC

Bà Thu Hằng cho biết số người tham gia thiết lập IMC ở cung Việt - Xô lên đến gần 300 người nhưng trong thời gian vận hành, số người phục vụ là cả ngàn người, bao gồm các kỹ sư và công nhân viễn thông, vệ tinh, truyền hình, điện lực, cấp thoát nước cùng hàng trăm lao động dọn vệ sinh, hàng trăm người phục vụ ăn - uống 24/24 giờ, trực y tế, lực lượng an ninh vòng trong và vòng ngoài bảo vệ...

Bà Hằng kể lãnh đạo Chính phủ và TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến báo chí và IMC. Đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến kiểm tra đôn đốc 4 lần, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã 6 lần thị sát.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ "đây là cơ hội vàng để quảng bá Việt Nam khi có hơn 2.000 phóng viên từ các hãng lớn nhất trên thế giới có mặt tại Hà Nội", chỉ đạo phải chú ý quảng bá từ các món ăn truyền thống của Việt Nam như phở, bánh khúc cho đến tổ chức các chương trình du lịch miễn phí cho phóng viên nước ngoài.

Ông Nguyễn Đức Chung đã có nhiều sáng kiến như trang trí nổi bật hình ảnh Hà Nội, cho thấy hình ảnh thủ đô hiếu khách, thân thiện; miễn phí cho phóng viên đi xe buýt 2 tầng tham quan Hà Nội. Ông Chung cũng yêu cầu đưa những món đặc sản nổi tiếng nhất Hà Nội vào phục vụ các phóng viên đưa tin như phở Thìn, bún thang Bà Ẩm, bánh khúc Cô Lan, cà phê trứng Giản, bún chả Hà Nội...

IMC mở cửa 4 ngày từ sáng 26-2 đến 11h59 ngày 1-3. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một IMC hoạt động 24/24 giờ. Phóng viên không ngủ, họ làm việc cả đêm theo múi giờ ở nước họ. "Và chúng tôi cũng không ngủ, trực 24/24 giờ để sẵn sàng hỗ trợ phóng viên bất cứ lúc nào" - bà Hằng kể lại.

Sau khi hội nghị kết thúc, bà Hằng kể đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực về công tác tổ chức của chủ nhà, đặc biệt là các nhà báo của cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Ông VÕ TRUNG DUNG (tổng biên tập báo tiếng Pháp AsiePacifique.fr):

Không thua gì các nước phát triển

Các nước trung bình mất hai tháng để tổ chức một hội nghị cùng cấp như hội nghị lần này. Với khoảng thời gian 10 ngày mà Việt Nam có thể tổ chức công tác hậu cần, viễn thông, giao thông, an ninh và các thỏa thuận về nghi lễ ngoại giao giữa các bên, tôi đánh giá công tác chuẩn bị của Việt Nam thuộc hàng tốt nhất trên thế giới.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Bolton: Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội

TTO - Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton từ chối cho rằng thượng đỉnh Mỹ - Triều tuần rồi là một sự thất bại dù Tổng thống Donald Trump đã ra về tay trắng, thậm chí không có tuyên bố chung.


QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên