Người Hàn Quốc ủng hộ thống nhất xuống đường phản đối quyết định của tổng thống Mỹ gần Đại sứ quán Mỹ ở Seoul ngày 25-5 - Ảnh: REUTERS
TS Trần Việt Thái - phó viện trưởng Học viện Chiến lược ngoại giao của Việt Nam - bình luận bức thư của Tổng thống Mỹ Donald Trump và tuyên bố hồi đáp của thứ trưởng ngoại giao đều được thể hiện bằng ngôn ngữ ngoại giao uyển chuyển và đầy hàm ý sâu xa.
Và cả hai bức thư đều tập trung lợi ích quốc gia của mỗi nước.
Ông Trump tham lam đốt cháy giai đoạn
Cuộc đàm phán Mỹ - Triều bắt nguồn từ chuyện Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột nhận lời gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên và cũng đột ngột hoãn cuộc gặp dự kiến này ở Singapore ngày 12-6.
Có hai động cơ chính khiến ông Trump nhận lời gấp.
Thứ nhất, ông Trump dùng cuộc gặp này để ép người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae In ở vòng đàm phán thứ ba về sửa đổi Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Hàn. Kết quả, ông Trump đã đạt mục tiêu khi Hàn Quốc chấp nhận nhượng bộ một số điều khoản, trong đó giảm nhập khẩu thép vào Mỹ và mở rộng quota ôtô Mỹ vào thị trường nước này.
Thứ hai, ông Trump muốn dùng cuộc đàm phán này làm thành tích cho cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ vào tháng 11 năm nay.
Tuy nhiên, ông Trump đã mắc sai lầm khi đàm phán "đốt cháy giai đoạn". Thông thường trong đàm phán ngoại giao, không bao giờ cử ngay bộ trưởng ngoại giao (Mike Pompeo đến Triều Tiên 2 lần), mà trước tiên phải đàm phán cấp chuyên viên và cấp thứ trưởng trước. Giai đoạn đàm phán kỹ thuật cấp chuyên viên và thứ trưởng đóng vai trò quan trọng nhưng mất nhiều thời gian.
Khi bắt tay vào đàm phán, Triều Tiên rất rắn và dù cuộc đàm phán đạt một số tiến bộ nhưng đã không đáp ứng được kỳ vọng của nhà lãnh đạo Mỹ.
Ông Trump muốn đạt ngay những mục tiêu là đưa vũ khí hạt nhân ra khỏi lãnh thổ Triều Tiên, giám sát và kiểm chứng việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
TS Trần Việt Thái - Ảnh: Q.TR.
Tuy nhiên, dựa trên những động thái thay đổi lập trường của Triều Tiên dưới tác động của bên thứ ba, ông Trump cho rằng ông không thể đạt được những mục tiêu này đúng thời hạn nhằm tạo tiếng vang trước cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ vào tháng 11 năm nay. Do đó, ông quyết định hoãn cuộc gặp dự kiến ở Singapore.
Trong bức thư gửi nhà lãnh đạo Kim Jong Un, nên lưu ý ông Trump không dùng từ "cancel" (hủy) gặp, mà viết cuộc gặp "will not take place" (sẽ không diễn ra), đồng thời để ngỏ khả năng cho một cuộc gặp trong tương lai trong đoạn cuối thư: "Nếu ông thay đổi ý định liên quan đến cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng nhất này, vui lòng gọi điện cho tôi hoặc viết thư".
Triều Tiên không bị dắt mũi
Ngay sau lá thư của ông Trump, ngày 25-5-2018, thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên Kim Kye Gwan, được sự ủy nhiệm, đã ra tuyên bố hồi đáp.
Đầu tuyên bố, ông thứ trưởng Kim Kye Gwan có ý trách Mỹ: "Những cố gắng chân thành và tích cực của Triều Tiên nhằm chấm dứt mối quan hệ thù địch, nghi kỵ kéo dài suốt hàng chục năm qua và xây dựng mốc mới trong cải thiện quan hệ Triều - Mỹ đang nhận được sự đồng tình và ủng hộ ở trong và ngoài nước. Tổng thống Trump lấy lý do nội dung phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Choi Sun Hee có 'sự nóng giận dữ dội và thái độ thù địch rõ rệt' để cho rằng việc tổ chức cuộc hội đàm đã được lên kế hoạch từ lâu này không thích hợp vào thời điểm hiện nay.
Tôi muốn khẳng định rằng lập trường của Tổng thống Trump về Hội đàm thượng đỉnh Triều - Mỹ là một quyết định không phù hợp với mong muốn của người dân bán đảo Triều Tiên cũng như nhân loại vì hòa bình và ổn định trên thế giới.
'Sự nóng giận dữ dội và thái độ thù địch rõ rệt' mà Tổng thống Trump nhắc đến thực tế chỉ là phản ứng đối với các ngôn từ thiếu kiềm chế của phía Mỹ nhằm ép Triều Tiên đơn phương phá hủy hạt nhân trước thềm Hội đàm thượng đỉnh Triều - Mỹ".
Thứ trưởng Triều Tiên khẳng định quyết định của Mỹ hủy bỏ hội đàm cho thấy rõ mối quan hệ thù địch có gốc rễ lâu đời giữa Triều Tiên và Mỹ nghiêm trọng ra sao và hội đàm thượng đỉnh để cải thiện quan hệ cần thiết như thế nào.
Tuyên bố hồi đáp của Triều Tiên cũng rất khôn ngoan về mặt ngoại giao khi khẳng định nước này "đánh giá cao quyết định dũng cảm của Tổng thống Trump - điều mà chưa một vị tổng thống nào dám làm - và nỗ lực để thực hiện hội đàm thượng đỉnh - một sự kiện lịch sử quan trọng" và vẫn để ngỏ khả năng hội đàm với nhà lãnh đạo Mỹ trong tương lai: "Sẽ không có thay đổi trong quyết tâm và mục tiêu của chúng tôi làm mọi thứ có thể vì hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên và nhân loại. Chúng tôi, luôn cởi mở và rộng rãi, sẵn sàng dành thời gian và cơ hội cho Mỹ.
Mọi thứ không thể giải quyết qua một lần gặp [chén rượu đầu không thể làm no bụng], nhưng giải quyết từng vấn đề theo từng giai đoạn chỉ có thể làm quan hệ [hai nước] tốt hơn hiện nay, chứ không có lẽ nào làm nó xấu đi. Mỹ cũng nên suy nghĩ thấu đáo về việc này.
Chúng tôi một lần nữa khẳng định sẵn sàng ngồi lại [với Mỹ] để giải quyết vấn đề vào bất cứ lúc nào, dưới bất kỳ hình thức nào".
Tuyên bố hồi đáp của Triều Tiên chứng tỏ nước này không hề bị dắt mũi trong cuộc đàm phán với Mỹ, đồng thời khẳng định lập trường của nước này muốn đàm phán từng bước.
Khó có thể nói trong cuộc "bút chiến" này ai hơn hai, nhưng rõ ràng cả hai đều tập trung bảo vệ các lợi ích quốc gia cốt lõi của mình.
Trong trường hợp này, ông Trump vì lợi ích của cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ và ông Kim Jong Un muốn bảo toàn con át chủ bài hạt nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận