21/10/2021 11:24 GMT+7

Chuyên gia: Trung Quốc xài 'ngoại giao pháo hạm' với Malaysia

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah nói ông không nhớ nổi số công hàm phản đối và dự báo sẽ còn nhiều tàu công vụ Trung Quốc đi vào EEZ của nước này trong thời gian tới.

Chuyên gia: Trung Quốc xài ngoại giao pháo hạm với Malaysia - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah - Ảnh: AFP

Dự đoán được ông Saifuddin đưa ra tại một hội thảo trực tuyến do Cộng đồng chính sách đối ngoại Indonesia tổ chức ngày 20-10. Tập đoàn Petronas của Malaysia đang phát triển mỏ khí đốt Kasawari cách thị trấn ven biển Bintulu ở bang Sarawak khoảng 200km.

Theo Ngoại trưởng Saifuddin, dự án này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia nhưng đã thu hút sự chú ý của nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc. Các tàu này đã xuất hiện ngoài khơi bang Sabah và Sarawak, đặc biệt gần bãi cạn South Luconia.

"Tôi nghĩ chừng nào Petronas còn phát triển dự án khí đốt tại Kasawari, chừng đó sẽ có thêm nhiều tàu Trung Quốc xuất hiện tại khu vực", ông Saifuddin nói trong sự kiện trực tuyến ngày 20-10.

Giếng khí đốt Kasawari được phát hiện vào tháng 11-2011 và dự kiến đi vào hoạt động năm 2023 với sản lượng khoảng 25 triệu mét khối/ngày. Ngoại trưởng Saifuddin cho biết ông đã trấn an Tập đoàn Petronas cứ tiếp tục công việc tại Kasawari vì dự án này nằm trong vùng biển của Malaysia.

"Malaysia đã luôn phản đối các động thái của tàu Trung Quốc. Tôi không nhớ nổi số lượng công hàm phản đối đã gởi tới Trung Quốc. Chúng tôi sẽ luôn kiên định và phản ứng bằng đường ngoại giao với họ", ông Saifuddin khẳng định.

Chuyên gia: Trung Quốc xài ngoại giao pháo hạm với Malaysia - Ảnh 2.

Vị trí giếng khí đốt Kasawari trên Biển Đông - Nguồn: AMTI/CSIS - Đồ họa: SCMP

Chỉ tính riêng năm nay, Kuala Lumpur đã hai lần triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia Ouyang Yujing để phản đối các động thái của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Vào tháng 6 năm nay, Bộ Ngoại giao Malaysia đã triệu tập ông Ouyang sau khi Trung Quốc đưa hàng chục máy bay quân sự tiến gần không phận Malaysia ở phía nam Biển Đông.

Ngày 4-10 vừa qua, ông này tiếp tục bị triệu tập vì sự hiện diện và hoạt động của các tàu Trung Quốc trong EEZ Malaysia.

Ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, cho biết Trung Quốc đã theo dõi sát sao dự án Kasawari ngay từ đầu.

"Trong vài năm gần đây, thông qua các kênh hậu trường, Trung Quốc đã cố gắng thuyết phục người Malaysia từ bỏ các dự án năng lượng trên Biển Đông. Nhưng Malaysia vẫn không lay chuyển", ông Koh nhận xét với báo South China Morning Post.

Chuyên gia Singapore mô tả sự xâm nhập của Trung Quốc vào vùng biển của Malaysia là "ngoại giao pháo hạm", mục đích nhằm báo hiệu sự không hài lòng của Bắc Kinh và gây áp lực đủ lớn để chính quyền Malaysia hoặc Petronas ngừng dự án.

Thông thường, các tập đoàn năng lượng chỉ chú tâm đến lợi nhuận và ít màng đến yếu tố địa chính trị. "Tuy nhiên, họ vẫn mong đợi các phương cách đảm bảo an ninh cơ bản mà một quốc gia ven biển liên quan có thể dành cho các hoạt động của họ", ông Koh lưu ý.

Theo ông Koh, không giống như các tập đoàn năng lượng lớn của phương Tây như Shell và ExxonMobil, Petronas thuộc sở hữu nhà nước nên sẽ được hưởng sự hậu thuẫn của Chính phủ Malaysia.

Vì sao tàu ngầm lúc nhúc ở biển Đông? Vì sao tàu ngầm lúc nhúc ở biển Đông?

TTCT - Tàu ngầm hạt nhân Connecticut của Hải quân Mỹ làm gì trên Biển Đông, chính xác là ở đâu, mà đụng phải một vật thể chưa xác định? Câu hỏi này không chỉ được “khổ chủ” đặt ra, mà còn nhiều phía muốn biết.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên