Cảnh đập Tam Hiệp xả lũ - Nguồn: Thepaper.cn
Ngày 22-7, Thời Báo Hoàn Cầu đã dẫn lại lời của một chuyên gia về công trình thủy lợi hàng đầu của Trung Quốc để đáp trả những đồn đoán về năng lực của đập Tam Hiệp - công trình thủy điện lớn nhất thế giới mà theo tờ báo này là "trường thành trên sông Trường Giang".
Theo đó, ông Vương Hạo - một chuyên gia tại Viện Công trình Trung Quốc, cho biết hiện nay Trung Quốc áp dụng 5 phòng tuyến để phòng chống lũ, gồm: ngăn chặn ở các dòng chính, kiểm soát ở các nhánh sông, bảo vệ đê điều, các khu chứa lũ ở vùng trũng thấp, và quản lý phát triển đô thị dọc các con sông.
Chắn ngang sông Trường Giang, đập Tam Hiệp đóng vài trò phòng tuyến đầu tiên và trung tâm, giảm lượng nước lũ đổ về khu vực trung và hạ lưu sông. Ông Vương nói rằng tình hình lũ lụt sẽ còn tồi tệ hơn nếu không có con đập này.
Tính đến hôm 21-7, đập Tam Hiệp đã chặn 10,7 tỉ mét khối nước lũ. Chuyên gia này nói rằng nước lũ mạnh sẽ không kéo sập được đập Tam Hiệp.
Ông Vương cho biết trong trận lũ kinh hoàng ở Trung Quốc năm 1870, lưu lượng nước đạt đỉnh 105.000 m3/giây. Trong khi đó, đập Tam Hiệp được thiết kế để chống chịu nhiều hơn thế, thậm chí khi lưu lượng đạt đỉnh 124.300 m3/giây.
"Đập Tam Hiệp là một con đập trọng lực bằng bê tông, có mức ổn định và vững chắc tốt nhất. Các vật liệu bê tông được dùng xây đập khác với bê tông thông thường, có tính bền và ngăn nứt cao hơn.
Tro bay và các vật liệu đặc biệt khác vẫn đang trải qua phản ứng thủy hóa (hydration reaction), tiếp tục củng cố độ bền bên trong. Con đập sẽ đạt độ bền cao nhất trong 100 năm, sau đó mới dần giảm đi", ông Vương giải thích.
Ông Vương thông tin trong mùa lũ năm nay, đến nay lượng mưa ở khu vực trung và hạ lưu sông Trường Giang đã đạt 498,5mm, nhiều hơn 64,3% so với cùng kỳ của các năm trước và lớn nhất trong cùng kỳ kể từ năm 1961.
Hiện tình hình phòng chống lũ ở lưu vực sông Trường Giang vẫn khó khăn. Dựa theo các dự báo, mưa có thể sẽ di chuyển đáng kể về phía bắc vào cuối tháng 7 và đến lúc đó, tình hình chống lũ ở lưu vực sông này có thể sẽ giảm nhẹ.
Bộ Tài chính Trung Quốc hôm 22-7 cho hay Trung Quốc đã dùng 830 triệu nhân dân tệ (hơn 119 triệu USD) từ ngân sách trung ương để khắc phục hậu quả do lũ lụt, trong đó có việc khôi phục các cơ sở sản xuất nông nghiệp và thủy lợi bị phá hủy. Nguồn quỹ này đã được chuyển tới 12 khu vực cấp tỉnh như Giang Tây và Hồ Bắc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận