Phóng to |
Chuyên gia G. Laspinas (trái) hướng dẫn kỹ sư Phạm Duy Vũ tại một công đoạn tuyển kín của nhà máy - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ |
Sự tận tụy của “thầy”
“Thú thật, ban đầu nhìn dàn máy mình cũng bị... choáng bởi cái nào cũng lớn, cũng phức tạp. Điều mình học được ở trường so với thực tế cách nhau trời vực, ở đây lại càng trời vực hơn...” - Phạm Duy Vũ, “học trò” của “thầy” Germidas Laspinas, giám sát Nhà máy tuyển vàng Bồng Miêu, nói. Nhưng cũng chính cái hiện đại, mới mẻ đã thôi thúc chàng kỹ sư cơ khí chế tạo máy vừa mới về làm việc ở đây lao vào tìm hiểu. Công việc khá nặng nề vì dây chuyền mà “thầy” G. Laspinas phụ trách gần như trọn nhà máy, từ khâu nghiền sàng quặng đến các công đoạn tuyển đãi, hấp thu vàng và kết thúc chu trình cyanure hóa - làm sạch dung dịch cyanure để sử dụng lại như là nguồn nước sạch ban đầu. Theo Vũ, chính sự chỉ bày tận tụy, tình cảm của “thầy” đã khích lệ Vũ rất nhiều. Thêm nữa, lớp kỹ sư trẻ như Vũ ở đây ai cũng biết tìm mọi cách để tự trau dồi vốn tiếng Anh còn hạn chế của mình.
Cũng trong dây chuyền các công đoạn vừa nói, Lê Hồng Vân được “thầy” Clasrito Corpuz - chuyên gia tuyển luyện vàng - hướng dẫn nắm bắt, quản lý các số liệu kỹ thuật để điều hành hoạt động của các dây chuyền này. Mấy năm làm việc ở Công ty Thép Đà Nẵng đã cho Vân nhiều kinh nghiệm thực tế nhưng với “cỗ máy vàng” ở đây, Vân vẫn là người học việc bước đầu. Bên cạnh “thầy” Clasrito, Vân còn được làm việc và học hỏi với hai chuyên gia người nước ngoài khác. Chỉ mới hơn năm tháng “học việc”, nhưng nhờ được tiếp cận giáo trình “học qua làm”, đến nay Vân đã thấy được cơ sở bước đầu cho điều kỳ vọng của mình.
Những kết quả bước đầu
Theo những chuyên gia ở đây, chiến lược Việt hóa cán bộ, chuyên viên kỹ thuật của công ty đã có tín hiệu khả quan bước đầu. “Với một số kỹ sư, nhờ chịu khó học tập nên đã tiến bộ nhanh hơn dự kiến. Nói chung đây là quá trình đòi hỏi thời gian, cũng giống như ở một số nước có khai thác vàng khác, có khi phải mất đến 10 năm hoặc hơn nữa mới có thể tự lực được với nguồn nhân lực kỹ thuật cao tại chỗ...” - ông G.Laspinas nói. Cũng theo ông, việc những kỹ sư này chịu trách nhiệm hướng dẫn, giám sát công việc những người trong nhóm sản xuất cũng là cơ hội để họ thể hiện năng lực của mình ở cương vị người hướng dẫn lại cho người khác.
Ông Gerardo Calpo - giám đốc mỏ vàng Bồng Miêu - cho rằng các kỹ sư VN được các chuyên gia chọn giao việc ở các công đoạn tuyển luyện, pha trộn hóa chất, phòng vàng đều làm việc tốt, họ tiếp thu không nhanh nhưng chắc, vì đây là công nghệ tối tân cần phải được học hỏi, tích lũy trong nhiều năm. Ở cương vị phụ trách nhân sự, ông V. Masindo cho rằng những kết quả bước đầu trong thực hiện kế hoạch Việt hóa cán bộ, chuyên viên kỹ thuật cao đã giúp công ty có những định hướng phù hợp cho công việc. “Chúng tôi đang dự tính đề bạt lên vị trí cao hơn cho một cộng sự trong lĩnh vực nhân sự. Ba cộng sự của tôi đều đang theo học qua mạng một chương trình cao đẳng về quản lý nhân sự của ĐH Durham (Canada). Nhìn chung, chiến lược đào tạo người bản địa để thay thế các chuyên gia nước ngoài đang được Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu thực hiện đã có kết quả tốt ở bước đầu. Những gì rút ra được ở đây sẽ được vận dụng cho hoạt động của Nhà máy khai thác vàng Dăksa (Phước Sơn, Quảng Nam) được mở vào khoảng cuối năm 2007 đầu 2008...” - ông V. Masindo nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận