Thượng tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia về tội phạm học - chia sẻ:
Khi vụ cướp đã xảy ra, bảo vệ và nhân viên ngân hàng cần bình tĩnh, không làm gì để kích động nỗi sợ bị bắt trong tâm lý kẻ cướp.
Mục đích của bọn cướp là tiền, chứ không phải đoạt mạng người, nhưng nếu xử lý tình huống không khéo, có thể khiến chúng tấn công quyết liệt để chiếm đoạt được tài sản, hoặc điên cuồng chống trả để chạy thoát thân.
Từ đó có thể làm phát sinh hậu quả lớn hơn thiệt hại cần ngăn chặn.
Nếu nạn nhân có hành động như la hét, nhất là lao vào ôm giữ đối tượng… sẽ kích hoạt nỗi sợ bên trong của chúng.
Tâm lý hoảng loạn của kẻ cướp có thể biến thành những hành động liều lĩnh, nhằm triệt tiêu khả năng bị bắt.
Thượng tá Hiếu cũng lưu ý cần nhớ trong mọi vụ án cướp tài sản, phải đặt sự an toàn về tính mạng, sức khỏe lên hàng đầu, có thể chấp nhận giao tài sản cho chúng, không nên manh động, liều lĩnh ôm bắt, vật lộn với tên cướp trong tay có vũ khí nguy hiểm.
Cần quán triệt phương châm: Tiền mất có thể cơ quan chức năng truy xét bắt giữ được thủ phạm để thu lại, chứ mạng sống chỉ có một.
Trong lúc tiếp xúc với đối tượng, cần giữ bình tĩnh, kín đáo quan sát, ghi nhớ các đặc điểm về trang phục, hình dáng, cử chỉ, độ tuổi… để cung cấp cho cơ quan điều tra về sau.
Tận dụng tối đa cơ hội đối tượng sơ hở, bí mật báo tin cho cơ quan công an gần nhất.
Nếu có thời cơ và hơn hẳn về lực lượng hoặc phát hiện vũ khí giả, bảo vệ và nhân viên ngân hàng có thể bất ngờ tấn công đối tượng để vô hiệu hóa hoặc bắt giữ.
Bảo vệ chết trong khi bảo vệ ngân hàng có được công nhận liệt sĩ?
Nhiều người cũng đang tranh luận việc có thể công nhận liệt sĩ cho ông Trần Minh Thành - bảo vệ chi nhánh Ngân hàng BIDV quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) - bị cướp đâm chết hay không?
Ông Nguyễn Duy Tư - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP dịch vụ bảo vệ An Ninh - cho biết ông Thành đã chống trả quyết liệt với bọn cướp, bảo vệ tài sản nhà nước, tính mạng người dân.
Luật sư Lê Minh Hương - Đoàn luật sư TP.HCM - cho biết căn cứ điểm k, khoản 1, điều 14, pháp lệnh 02 ưu đãi người có công với cách mạng thì một trong các trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, công nhận liệt sĩ đó là: "Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội".
Tại khoản 6, điều 14, nghị định 131 có quy định về điều kiện, tiêu chuẩn công nhận liệt sĩ trong trường hợp này phải bao gồm:
Thứ nhất, nhận thức được đầy đủ sự nguy hiểm và tính cấp bách của sự việc.
Thứ hai, chủ động thực hiện hành vi đặc biệt dũng cảm, chấp nhận hy sinh bản thân.
Thứ ba, bảo vệ lợi ích quan trọng của Nhà nước, tính mạng và lợi ích hợp pháp của nhân dân hoặc để ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Thứ tư, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội, được tặng thưởng huân chương và được cơ quan quản lý nhà nước về người có công tổ chức phát động học tập tấm gương trong phạm vi cả nước.
Đối chiếu quy định trên, có thể thấy hành động của người bảo vệ ngân hàng đã không quản tính mạng để ngăn cản kẻ cướp ngân hàng là một hành động đáng được tôn vinh và cơ bản đáp ứng đủ các tiêu chuẩn công nhận liệt sĩ.
Tuy nhiên, để xác định có được công nhận liệt sĩ hay không thì cần đáp ứng đủ các hồ sơ theo quy định.
Cụ thể, tại điểm a, khoản 2, điều 18, nghị định 131 có quy định về hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ.
Trong đó cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người hy sinh có trách nhiệm xác lập, hoàn thiện các giấy tờ theo quy định và gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hy sinh.
Việc cấp giấy chứng nhận hy sinh cần dựa trên cơ sở các giấy tờ được quy định tại khoản 7, điều 17 của nghị định trên…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận