23/09/2020 11:07 GMT+7

Chuyên gia quốc tế nặng lòng với trường nghề Việt

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Nhằm giúp giáo dục nghề nghiệp ở nước ta rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển, không ít chuyên gia trên nhiều lĩnh vực đã dành nhiều năm sinh sống, làm việc và hỗ trợ cho trường nghề trong nước.

Chuyên gia quốc tế nặng lòng với trường nghề Việt - Ảnh 1.

Pablo Crespo (trái) trong một giờ dạy tại Trung tâm hướng nghiệp Á Âu - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Họ như những "đại sứ nghề" của thế giới đến với Việt Nam.

Vươn lên đạt tiêu chuẩn Đức

Frank Schulze là chuyên gia người Đức trong lĩnh vực cơ điện tử và điện tử, đang làm việc tại Trường cao đẳng nghề Lilama 2 (Đồng Nai). Schulze đến Việt Nam từ năm 2010 trong dự án hợp tác giữa Đức và Việt Nam về giáo dục nghề nghiệp, đến nay đã qua nhiều nhiệm vụ ở các trường nghề. Là thành viên của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Schulze cùng đồng nghiệp góp sức cho chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam - do GIZ phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thực hiện.

Công việc của Frank Schulze là hỗ trợ các trường xây dựng và tuân thủ chương trình, đánh giá và kiểm tra theo tiêu chuẩn Đức. Frank Schulze cũng tham gia nhiều buổi huấn luyện giúp giảng viên Việt Nam nâng cao tay nghề và khả năng đứng lớp. "Chúng tôi còn đến nhiều công ty, mời họ tham gia vào đào tạo. Lúc đầu họ ngần ngại, nhưng dần tiến triển tốt. Điều này rất có ý nghĩa với học sinh khi chương trình học thực tế hơn, lại được thực tập ở chính doanh nghiệp" - ông Frank Schulze nói.

ThS Nguyễn Khánh Cường - hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Lilama 2 (Đồng Nai) - cho biết hiện có ba chuyên gia quốc tế tại trường: một thuộc lĩnh vực cơ điện tử - điện tử, một về cơ khí, một về số hóa trong đào tạo. Tất cả đều là người Đức, thông qua sự giới thiệu và hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ).

Ông Cường cho biết mỗi chương trình đều theo một tiêu chuẩn hiện đại. Chuyên gia người Đức rất tỉ mẩn, sẵn sàng đối thoại với giảng viên trong nước để cho ra hướng tốt nhất. "Đã gọi là đào tạo theo tiêu chuẩn Đức thì chuyên gia Đức là cần thiết, bởi họ giúp các trường không trượt khỏi "đường ray". Lúc cao điểm, trường tôi có đến 9 chuyên gia nước ngoài. Dần dần, khi đã định được bộ khung về đào tạo, họ bắt đầu rút dần chuyên gia đi nơi khác" - ông Cường nói.

Nhận xét về kết quả, ông Cường cho biết chương trình đã tạo được làn gió mới cho trường ông. Hơn 30 giảng viên đã đạt trình độ chuẩn giảng viên nghề của Đức. Tác phong của chuyên gia nước ngoài rất chuyên nghiệp, tạo hình mẫu cho thầy cô trong trường học hỏi. Quan trọng nhất, nhờ có chuyên gia Đức, mô hình doanh nghiệp, đặc biệt là với những tên tuổi lớn, đồng hành cùng nhà trường dễ triển khai hơn.

Học nghề gì cũng được, miễn hạnh phúc

Pablo Crespo (Guatemala) đang là bếp chính tại nhà hàng Captain Phook (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Ngoài đứng bếp, hơn một năm nay ông cộng tác với Trung tâm hướng nghiệp Á Âu (TP.HCM) giảng dạy các món Tây. Trong từng tiết học, Crespo hướng dẫn học viên nhiều kỹ thuật dù nhỏ nhất như cách xử lý salad, làm cá, pha chế nước xốt, nấu xúp... theo chuẩn châu Âu.

Điều đặc biệt, ông Crespo thường chia sẻ với các học viên câu chuyện truyền cảm hứng của bản thân. Hồi còn ở Guatemala, ông từng học luật sư ở một trường đại học. Sau ba năm ngồi trên giảng đường, ông nhận ra trở thành luật sư - chỉ có thể quanh quẩn với các vụ kiện trong nước - không phải là thứ mình đang kiếm tìm. "Tôi đã dành một năm ngao du vòng quanh thế giới để tìm ra thực sự mình đang muốn gì" - ông Crespo nói.

Để có tiền duy trì chuyến đi, ông bỏ thời gian làm việc ở một số nước, trong đó có nghề phụ bếp. Nhờ cái duyên đó, ông lập tức say mê những nguyên liệu, công thức, cách bài trí món ăn từ Âu đến Á. Ông nhớ lại lúc nhỏ bạn bè thích xem phim hoạt hình thì ông say sưa với những chương trình ẩm thực trên truyền hình. Sau chuyến hành trình bước ngoặt đó, Crespo về nước ghi danh học nghề bếp ở một cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 

"Ba mẹ muốn tôi hạnh phúc, thế là đủ. Họ không quan trọng tôi trở thành một luật sư hay một đầu bếp, họ chỉ cần tôi yêu thích, vui vẻ với công việc mình làm và tự lo được cho bản thân" - Crespo nói.

Rút ngắn khoảng cách trình độ

TS Juergen Hartwig - giám đốc chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (thuộc GIZ) - cho biết chương trình hỗ trợ một số cơ sở trở thành trung tâm điển hình về GDNN, từ đó có thể làm hình mẫu để nhân rộng trong hệ thống.

Đến nay, chương trình đã hợp tác với 12 cơ sở GDNN trên cả nước với đội ngũ chuyên gia làm việc dài hạn và ngắn hạn. Chương trình còn hỗ trợ Tổng cục GDNN tổ chức tuyển chọn và huấn luyện thí sinh để chuẩn bị cho cuộc thi tay nghề thế giới lần thứ 46, dự kiến diễn ra vào tháng 9-2021.

Trường nghề cam kết có việc làm Trường nghề cam kết có việc làm

TTO - Một số trường nghề đã ký cam kết ra trường có việc làm cho sinh viên như một cách thu hút người học.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên