Đoàn đàm phán Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29-3 - Ảnh: REUTERS
Tỉ lệ thành công của đàm phán hòa bình thấp
Phần lớn các cuộc đàm phán hòa bình kết thúc trong thất bại. Theo nghiên cứu tại Đại học Uppsala ở Thụy Điển, từ năm 1946-2005, chỉ có 39 trong số 288 cuộc xung đột, tương đương 13,5%, đạt được thỏa thuận hòa bình.
Các cuộc xung đột khác kết thúc với chiến thắng cho một bên hoặc các bên tiếp tục đánh nhau mà không đạt được hiệp định hòa bình hoặc không có chiến thắng.
Tuy nhiên, theo bài viết của ông Blum trên trang The Conversation, đàm phán hòa bình rất hữu ích ngay cả khi các bên vừa đánh vừa đàm, vì nó có thể tạo nền tảng cho thỏa thuận cuối cùng nhằm chấm dứt xung đột và giảm thiệt hại cho cộng đồng.
Thỏa thuận đàm phán ngừng bắn thường được thực hiện khi bạo lực gia tăng. Nếu các bên đồng ý ngừng bắn và tuân thủ thỏa thuận, thương vong cho cả hai bên có thể tránh được. Họ cũng có thể tạo ra nền tảng tin tưởng ban đầu để tiến đến những cuộc đàm phán khó khăn hơn.
Đàm phán hòa bình không thay thế cho giao tranh. Đó là một chiến lược, được sử dụng cùng với giao tranh, để đạt được mục tiêu của mỗi bên.
Nhiều thách thức lớn
Thách thức lớn nhất với các cuộc đàm phán hòa bình là bạo lực liên quan đến xung đột, sự giận dữ và ngờ vực do xung đột tạo ra giữa các bên. Các nhà đàm phán phải ngồi đối diện với "kẻ thù", điều này có nghĩa họ phải có lý do và chiến lược đàm phán.
Tuy nhiên, một khó khăn và là điều thường xảy ra là khi một bên tin mình đang thắng thế và không có động cơ thương lượng. Chẳng hạn, ở Afghanistan, Taliban rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình hồi năm 2021 khi họ đạt được ưu thế quân sự và Mỹ tuyên bố sẽ rút quân.
Lưỡng bại câu thương (hai bên cùng gánh chịu tổn thất) thường là lý do đưa các bên đến bàn đàm phán. Khi cả hai phía nhận thấy họ bị thiệt hại hoặc không thể đánh bại bên kia về mặt quân sự, đàm phán mở ra một con đường hợp lý phía trước.
Ngoài ra, một khó khăn khác là các nhà đàm phán không chỉ phải đạt được một thỏa thuận với bên kia mà còn phải giành được sự ủng hộ về thỏa thuận đó trong nước.
Đây là lý do vì sao phải có sự đa dạng gồm phụ nữ, đại diện các nhóm thiểu số,… tham gia vào các cuộc đàm phán. Việc có mặt của họ là sự bảo đảm rằng sự chấp nhận của công chúng với thỏa thuận hòa bình sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, mô hình phổ biến nhất, và cũng đang diễn ra trong trường hợp của đàm phán giữa Ukraine và Nga, là chỉ một số đại diện đàn ông đứng ra đàm phán.
Ukraine và Nga đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình không liên tục kể từ cuối tháng 2-2022, vài ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tấn công Ukraine, nhưng đàm phán hiện đang ở ngõ cụt.
Ngày 17-4, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba trả lời Đài CBS News cho biết Nga và Ukraine gần đây không có bất cứ liên lạc nào ở cấp bộ ngoại giao hai nước.
Một ngày trước đó, theo Đài CNN, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết việc Nga không ngừng tấn công thành phố Mariupol khiến các cuộc đàm phán tiếp theo đi vào ngõ cụt.
Ngoài ra, việc Ukraine công bố sự kiện hàng trăm thường dân chết ở Bucha trong khi Nga phủ nhận họ nhắm mục tiêu vào dân thường cũng khiến việc tổ chức đàm phán khó khăn, trang The Conversation nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận