Ngày 18-7, đoàn khảo sát địa chất của Công ty Kawasaki Nhật Bản đã đến Đà Lạt để khảo sát hiện tượng sạt lở đất.
Chuyên gia Nhật Bản khảo sát tìm cách chống sạt lở đất Đà Lạt
Khảo sát vùng nguy cơ sạt lở đất
Hiện tượng sạt lở đất ngày càng khiến người dân tại Đà Lạt lo lắng, đặc biệt sau vụ gần đây xảy ra tải hẻm 36 Hoàng Hoa Thám (P.10, TP Đà Lạt) làm 2 người chết.
Trước đó là vụ sạt lở đất xảy ra tại phần ta luy âm đường Khe Sanh (năm 2021) và xa hơn là vụ nứt đất trên diện rộng tại khu trung tâm Hòa Bình (năm 2017).
Các kỹ sư của Công ty địa chất Kawasaki đã tiến hành khảo sát thực tế hiện tượng sạt, lở đất tại một số khu vực có địa hình xung yếu trên địa bàn TP Đà Lạt.
Đoàn chuyên gia, với 3 kỹ sư địa chất có nhiều kinh nghiệm trong việc khảo sát địa vật lý và đo đạc người Nhật là ông Takami Kanno, Numakunai Makoto và Kumagai Yuga.
Trong ngày, đoàn đã khảo sát khu vực sạt lở nghiêm trọng trên đường Hoàng Hoa Thám, Yên Thế, đường Khe Sanh và đường Đặng Thái Thân.
Sẽ đề xuất phương án chống sạt lở ngắn và dài hạn
Ông Nguyễn Văn Sơn - phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt - cho biết sau khi nắm dữ liệu về các vị trí sạt lở đất và có nguy cơ cao, đoàn chuyên gia sẽ họp bàn với UBND TP Đà Lạt để đưa ra các phương án xử lý ngắn hạn liên quan đến chống sạt lở đất ở nội ô TP.
Ngoài ra, UBND TP Đà Lạt sẽ tiếp nhận các góp ý khoa học để điều chỉnh các tiêu chí xây dựng tại địa phương nhằm kiểm soát sạt lở trong lâu dài.
Công ty Kawasaki Nhật Bản là đơn vị từng xử lý vụ nứt đất bất thường tại khu trung tâm Hòa Bình Đà Lạt.
Vụ nứt đất xảy ra ở đỉnh đồi khu vực trung tâm, kéo dài từ đường Nguyễn Văn Trỗi, Trương Công Định đến Phan Đình Phùng.
Tiếp tục tháo dỡ phần ta luy bị sạt gây chết người
Cùng ngày, UBND TP Đà Lạt tiếp tục cho tháo dỡ phần ta luy còn sót lại sau vụ sạt lở đất khiến ta luy trên đường Yên Thế rơi xuống đường Hoàng Hoa Thám gây hậu quả nghiêm trọng. Phần ta luy còn sót lại có chiều dài khoảng 15m.
Như vậy đây là lần thứ hai cơ quan chức năng phải tổ chức tháo dỡ ta luy này (tính từ ngày 29-6). Đại diện UBND TP Đà Lạt cho biết phải tháo dỡ vì kết cấu của toàn bộ ta luy đã hư hại.
Trong bối cảnh mưa lớn kéo dài hiện tại, khả năng vỡ phần còn lại của công trình ta luy sai phép này rất cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận