Trong 4 ngày vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện K và các chuyên gia đến từ Nhật Bản đã cùng thực hiện 4 ca phẫu thuật bằng robot thành công cho bệnh nhân ung thư dạ dày, ung thư trực tràng, ung thư gan và ung thư thực quản.
"Kỹ thuật phẫu thuật robot của các bác sĩ rất cao"
Sau khi làm việc cùng ê kíp các bác sĩ tại Bệnh viện K, ngày 23-2 Bệnh viện K và Bệnh viện Đại học Nagoya Nhật Bản đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác đôi bên.
Chia sẻ tại lễ ký kết, GS Shuji Takiguchi, giám đốc Hội Phẫu thuật nội soi Nhật Bản, đánh giá cao trình độ kỹ thuật phẫu thuật robot hiện đại của các bác sĩ bệnh viện.
"Các bác sĩ tại đây thực hiện rất tốt các phẫu thuật robot, phẫu thuật nội soi, vi phẫu và tạo hình trong ung thư. Đặc biệt, kỹ thuật phẫu thuật robot của các bác sĩ rất cao. Chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều khi cùng tham gia ca mổ tại bệnh viện.
Tôi cũng rất ngạc nhiên khi tại đây có nhiều robot phẫu thuật đắt giá mà nhiều nước chưa nhập được. Hiện nay, phẫu thuật robot rất triển vọng và hy vọng ký kết lần này sẽ giúp hai bên có nhiều cơ hội hợp tác hơn", GS Shuji Takiguchi chia sẻ.
Ông cũng bày tỏ sau chuyến làm việc này sẽ đưa sinh viên của mình đến Việt Nam để học tập.
Một trong những bệnh nhân được phẫu thuật lần này là bà N.T. (67 tuổi) nhập viện trong tình trạng ngủ kém, sút cân. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bà T. có khối u chiếm gần nửa chu vi lòng ruột, chẩn đoán mắc ung thư trực tràng thấp.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ Bệnh viện K và Nhật Bản đã phẫu thuật điều trị bằng robot thế hệ mới tại bệnh viện. Ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân đang hồi phục tốt sau mổ.
Một trong những kỹ thuật cao cấp nhất trong điều trị ung thư ngoại khoa
Theo PGS.TS Phạm Văn Bình, phó giám đốc Bệnh viện K, trong phẫu thuật xâm lấn tối thiểu có phẫu thuật nội soi thông thường và phẫu thuật nội soi robot. Đến nay phẫu thuật nội soi robot ứng dụng trong ung thư vẫn là một trong những kỹ thuật cao cấp nhất ứng dụng trong điều trị ung thư ngoại khoa.
"Kỹ thuật này giúp bệnh nhân hồi phục nhanh sau mổ, vẫn đảm bảo về mặt ung thư học giúp các phẫu thuật viên lấy được tối đa tổn thương ung thư trong khi vẫn bảo tồn được tổ chức lành, hạn chế sang chấn tối thiểu.
Sau phẫu thuật, kết hợp với các phương pháp điều trị khác giúp kéo dài nhất có thể thời gian sống của bệnh nhân ung thư. Đây là đích cần phải phấn đấu trong lĩnh vực điều trị ung thư", PGS Bình chia sẻ.
Theo PGS Bình, phẫu thuật robot trong ung thư gan giúp phẫu tích tỉ mỉ, cầm máu tốt, kiểm soát được diện cắt một cách an toàn về mặt ung thư học cũng như cầm máu.
Phẫu thuật robot là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, về chỉ định cho các giai đoạn sớm, trung bình, thậm chí ở giai đoạn tiến triển tại chỗ, phụ thuộc thể trạng bệnh nhân, vị trí tổn thương. Thậm chí ngày nay các phẫu thuật có thể phẫu thuật nội soi robot cắt các khối u lớn.
PGS Bình cũng cho hay sự hợp tác giữa bệnh viện và các chuyên gia Nhật Bản là dấu mốc quan trọng, đưa phẫu thuật robot ngày càng hoàn thiện hơn. Việt Nam có tiệm cận với khu vực và thế giới đưa vị thế điều trị ung thư của Bệnh viện K lên một tầm mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận