JD - Job description (mô tả công việc) vốn là tài liệu mà các ứng viên đều quan tâm đến, khi ứng tuyển vào bất kỳ vị trí nào tại các công ty. Tuỳ từng lĩnh vực, JD sẽ có những tên gọi khác nhau, nhưng mục đích chính vẫn là liệt kê các đầu mục công việc, nhiệm vụ sẽ làm khi bạn ứng tuyển vào.
Nhờ có JD, ứng viên sẽ hình dung sơ lược về khối lượng công việc có phù hợp với trình độ, khả năng bản thân hay không. Đồng thời, ứng viên có thể so sánh được các chính sách lương thưởng, đãi ngộ, nghỉ phép...
Thế nên, nhà tuyển dụng thường sẽ gửi JD đến cho ứng viên, hoặc ứng viên sẽ hỏi về tài liệu ấy trước khi quyết định ứng tuyển, tránh trường hợp mất thời gian của nhau. Tuy nhiên, nếu xảy ra chuyện mâu thuẫn giữa người lao động và đơn vị sử dụng lao động liên quan đến JD (thường là ứng viên sẽ cảm thấy khối lượng công việc khác so với mô tả công việc), câu hỏi đặt ra là JD có thực sự cần thiết nữa không?
Theo chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân, bà cho biết trên trang cá nhân: "Tôi tuyển nhân sự là không có JD". Dưới góc nhìn của một người từng làm việc ở các tập đoàn lớn, bà giải thích:
"Thời thế thay đổi chóng mặt, vừa máy vừa tech vừa virus. Thiệt tình mỗi ngày mở mắt ra lại là một ngày hoàn toàn mới, một ngày phải tư duy lại về mô hình, chiến lược, kế hoạch, cách tiếp cận, và cả những chiếc deal từ be bé đến to to. Ngày nào cũng thế. Không muốn cũng phải biến mình thành nước, đổ vào chiếc bình cái lọ nào cũng fit (PV tạm dịch: vừa vặn). Là nước, nghiêng qua thời nào thế nào cũng tìm ra vạn ngả bến bờ. Là nước, không có form có dáng. Là nước, chỉ để linh hoạt nhất có thể, không bám víu vào một cái sườn cái khung có sẵn nào, và nhờ thế mà hội nhập được vào thứ gọi là tương lai bất định.
Là nước, là không có JD.
Thời này đi làm, mà đóng khung bản thân trong 1 chiếc JD, nghĩa là bạn chưa thức thời, chưa hiểu thế, và thiếu trí tưởng tượng trầm trọng. Làm gì có một công việc cố định trong một thế giới bất định. Làm gì có cách giải quyết vấn đề truyền thống trong một thị trường phi truyền thống. Làm gì có tư duy quá khứ ăn chắc trong một hiện tại không chắc chắn. Đã thế, thì cái JD đừng nói chục năm, chỉ năm trước tháng trước tuần trước thôi, đã quá lỗi thời.
Mỗi ngày trong thế giới này, đang là một ngày phải cập nhật và tư duy lại. Hôm qua, phỏng vấn một bạn cấp trưởng phòng, tôi nói “Ừa thì kinh nghiệm trải nghiệm nhưng chị chẳng mấy quan tâm. Điều chị quan tâm là, em có tinh thần chiến binh, bước vào mọi sự hỗn loạn một cách bình an, và sắp xếp lại thế cờ theo sự chuyển động hàng ngày hàng giờ của thị trường.” Tôi cần nước! Và không nhiều người dám thả lỏng cho bản thân là nước. Có lẽ vì ta đã quen bị dạy phải nhốt mình trong một chiếc lồng son?".
Hiểu đơn giản, tác giả của cuốn "Mở cửa tương lai" cho rằng ứng viên hãy thử tưởng tượng bản thân là nước, đừng quá đóng khung vào bất kỳ định dạng nào để vừa vặn với những thay đổi không ngừng của thời đại.
Tuy nhiên, bài viết hơn 1.000 lượt chia sẻ này của bà Nguyễn Phi Vân đã nhận không ít ý kiến trái chiều, phản bác về luận điểm trên bên cạnh những bình luận ủng hộ.
Tài khoản Trong Nhan Nguyen cho rằng: "Nếu một doanh nghiệp không có JD, đó là một dấu hiệu họ không biết mình đang làm gì. Họ không cho thấy định hướng của mình và nhân viên. Không ai có thể làm tất cả. Có thể trong một startup hay một tổ chức nhỏ, một người phải làm nhiều vai trò khác nhau. Nhưng khi quy mô đã lên đến hàng chục, trăm người thì không thể nào có chuyện một người làm tất cả được".
Đồng quan điểm về việc đi làm người lao động cần có JD, anh Huỳnh Minh Thảo - một chuyên gia về các dự án cộng đồng cũng đã bình luận phía dưới bài đăng: "Có một chiếc JD rõ ràng là cách những bạn trẻ thiếu kinh nghiệm nương theo. Ít nhất, nó bảo vệ các bạn trước việc mất cân bằng quyền lực đối với những nhà tuyển dụng thiếu tử tế".
Với tài khoản Thuỳ Nguyễn, cô cho rằng: "Quan điểm này khá lệch lạc và đi theo hướng có lợi cho doanh nghiệp thay vì giúp ích cho người đi tìm việc. Nếu là tôi, tôi không bao giờ nộp đơn vào công ty không có JD. Sự linh động không phải thể hiện ở JD, mà chỉ thấy rằng, công ty này thiếu chuyên nghiệp, qua quít trong việc tuyển dụng".
Vậy, ứng viên tìm việc có thực sự cần JD hay không - vẫn đang là chủ đề rất nóng. Theo bạn, vấn đề này nên theo hướng ra sao?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận