Đây là nhận định của ông Alexander Butko - chuyên gia tại Trung tâm thông tin khoa học và phân tích, Viện nghiên cứu phương Đông, Viện hàn lâm Khoa học Nga - trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Quan trọng như lần đầu
* Xin ông đánh giá về ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Nga Vladimir Putin? Chuyến thăm này có gì khác biệt so với 4 chuyến thăm Việt Nam trước đây của ông Putin?
- Tổng thống Putin đã thăm Việt Nam 4 lần vào các năm 2001, 2006, 2013 và 2017. Chuyến thăm đầu tiên vào năm 2001 đã góp phần rất quan trọng trong sự phát triển của quan hệ song phương. Hai bên đã ký tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược, bao gồm các mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng hợp tác lâu dài trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, nhân đạo, khoa học và công nghệ, quốc phòng và an ninh.
Trong hai chuyến thăm tiếp theo vào năm 2006 và 2013, hai bên đã đạt được một số thỏa thuận hợp tác quan trọng, bao gồm sản xuất và chế biến dầu khí - một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của hợp tác Nga - Việt. Chuyến thăm gần nhất vào năm 2017 được thực hiện trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra ở Việt Nam.
Tầm quan trọng của chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Nga Putin có thể được so sánh với chuyến thăm đầu tiên. Điều này là do hợp tác giữa hai nước sẽ phát triển trong tình hình quốc tế phức tạp.
Hệ thống quan hệ quốc tế hiện đang trải qua một thời kỳ chuyển đổi. Trong bối cảnh đó, các nước thường suy nghĩ lại về chính sách đối ngoại của mình. Việc xác định bản chất của sự hợp tác trong những điều kiện mới sẽ là kết quả của chuyến thăm.
* Trong gần 25 năm lãnh đạo của ông Putin, quan hệ Việt - Nga đã có những bước phát triển vượt bậc. Trong nhiệm kỳ thứ 5 của ông Putin, Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong chính sách của Nga tại khu vực, quan hệ Việt - Nga sẽ phát triển ra sao?
- Trong khuôn khổ của chính sách xoay trục về phía Đông, Nga coi Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng là đối tác quan trọng. Đồng thời Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt đối với Nga do sự tin tưởng chính trị sâu sắc và nền tảng lớn trong quan hệ song phương, đặc biệt là trong các lĩnh vực hợp tác năng lượng và kỹ thuật quân sự.
Tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực nói trên vẫn còn rất đáng kể. Chẳng hạn, năng lượng hạt nhân có thể trở thành một lĩnh vực chiến lược mới trong hợp tác Nga - Việt. Mặc dù loại năng lượng này chưa được phản ánh trong Quy hoạch điện VIII nhưng nhiều chuyên gia nhận định việc Việt Nam trở lại chương trình hạt nhân quốc gia có thể là một điều cần thiết khách quan.
Trong tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga đến năm 2030, đã được thông qua tại Matxcơva vào tháng 11-2021, lưu ý rằng trong trường hợp Việt Nam quay trở lại kế hoạch xây dựng năng lượng hạt nhân thì Nga sẽ được coi là đối tác ưu tiên trong lĩnh vực này.
Kinh nghiệm khổng lồ của Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, bao gồm việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở các nước, cùng với các bước mà Nga đã thực hiện trong khuôn khổ dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, sẽ giúp Việt Nam có thể quay trở lại chương trình hạt nhân quốc gia trong thời gian ngắn nhất nếu muốn.
Nói chung, các dự án trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân (bao gồm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân quy mô nhỏ), sản xuất và chế biến dầu khí, cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), xây dựng đường sắt, phát triển chính phủ điện tử, thành phố thông minh và an ninh mạng có triển vọng lớn.
Khai thông tiềm năng hợp tác kinh tế
* Có nhận định cho rằng quan hệ thương mại, kinh tế Việt - Nga chưa tương xứng với tầm vóc quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Theo ông, đâu là những điểm còn vướng mắc? Làm sao để tận dụng tốt Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại Việt - Nga tiếp tục phát triển trong thời gian tới?
- Mặc dù Nga và Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong một số lĩnh vực nhưng sự hợp tác kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng hiện tại. Quan hệ thương mại và đầu tư còn kém do một số nguyên nhân như thiếu mối quan hệ chặt chẽ giữa đại diện của cộng đồng khoa học và doanh nghiệp, thiếu thông tin về nhu cầu và khả năng của nhau, vấn đề thanh toán và vận chuyển.
Kim ngạch thương mại song phương đã tăng 1,8 lần trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2021 (từ 3,8 lên 7,1 tỉ USD) sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu được ký năm 2015 và trước khi xung đột xảy ra vào năm 2022 ở Ukraine.
Con số dù tăng nhưng khó có thể gọi là một thành công đáng kể, điều này là do sự thiếu hiểu biết về thị trường của nhau và hiệu ứng thói quen, khi những doanh nghiệp Nga và Việt Nam tiếp tục hợp tác với các đối tác truyền thống mà chưa tìm cách thiết lập các mối quan hệ mới.
Tuy nhiên, những khó khăn này hoàn toàn có thể giải quyết được. Điều quan trọng là cần thiết lập và duy trì trao đổi liên tục để giải quyết vấn đề trên cơ sở có hệ thống. Các dự án quy mô lớn có thể kích thích quan hệ thương mại và kinh tế. Để vượt qua, cần phải có sự trao đổi cá nhân giữa lãnh đạo hai nước - điều vốn luôn đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Nga - Việt.
"Nga coi Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng là đối tác quan trọng. Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt đối với Nga do sự tin tưởng chính trị sâu sắc và nền tảng lớn trong quan hệ song phương".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận