Ý tưởng dùng sức mạnh hạt nhân để áp chế Ukraine này do ông Dmitry Suslov đưa ra. Ông Suslov là thành viên của Hội đồng Chính sách đối ngoại và quốc phòng, một trung tâm cố vấn trụ sở ở Matxcơva.
Theo Hãng tin Reuters, đây là trung tâm được Tổng thống Nga Vladimir Putin khen ngợi, và các ý tưởng chính sách của trung tâm thường được chính quyền lựa chọn.
Đây cũng là diễn biến tiếp theo về chủ đề liệu Ukraine có tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga hay không.
"Đáng cân nhắc cho nổ một quả bom hạt nhân"
Trước đó, Ukraine nhiều lần than phiền họ gặp bất lợi vì không được phép tấn công cơ sở quân sự trên đất Nga. Điều này khiến quân đội Ukraine chỉ có thể chống đỡ tên lửa từ Nga bay sang, và không thể triệt tiêu khả năng của Nga.
Các nước phương Tây, nguồn tài trợ vũ khí chính cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, trước đây không muốn Ukraine sử dụng "vũ khí phương Tây" để tấn công lãnh thổ Nga. Họ lo rằng điều này sẽ khiêu khích Matxcơva, dễ dẫn tới xung đột trực tiếp.
Tuy vậy, vừa qua lãnh đạo Đức và Pháp cho rằng nên đồng ý để Ukraine dùng vũ khí đánh vào mục tiêu trên đất Nga, mặc dù Kiev buộc phải cam kết không tấn công cơ sở dân sự.
Đó có thể xem là một bước leo thang trong xung đột Nga - Ukraine. Tổng thống Nga Putin cảnh báo rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang "đùa với lửa" khi đề cập tới khả năng đụng vào lãnh thổ Nga, và rằng việc này có thể dẫn tới xung đột toàn cầu.
Phía Nga, nơi sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, nhìn nhận nếu NATO cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa và tấn công lãnh thổ Nga, đó sẽ là thông điệp về xung đột trực diện với Nga, làm gia tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Theo ông Suslov, Nga cần phải hành động, cụ thể là triển khai động tác răn đe hạt nhân, để phương Tây không vượt qua lằn ranh đỏ của chiến tranh hạt nhân.
"Để đánh dấu sự nghiêm túc trong các ý định của Nga, và nhằm cho địch thủ của chúng ta thấy được mức độ sẵn sàng leo thang của Matxcơva, thì rất đáng phải cân nhắc cho nổ một quả bom hạt nhân biểu trưng (không phải dùng trong chiến đấu)", vị này viết trên tạp chí kinh tế Profil.
Lý thuyết răn đe hạt nhân
Ông Suslov lập luận rằng hiệu ứng chính trị và tâm lý từ một đám mây hình nấm từ vụ nổ bom trên sẽ được lan truyền rộng rãi trên truyền hình khắp các nước, từ đó nhắc nhở các chính trị gia phương Tây về một trong những thứ đã ngăn cuộc chiến giữa các siêu cường kể từ năm 1945.
Đó thực tế là lý thuyết răn đe hạt nhân trong quân sự. Những người ủng hộ vũ khí hạt nhân cho rằng việc các nước sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ tạo ra nỗi sợ về hậu quả chiến tranh, từ đó phải kiềm chế để ngăn tình huống xấu nhất.
Đây cũng không phải lần đầu một chuyên gia an ninh hoặc nghị sĩ Nga nhắc tới việc phải thử hạt nhân. Họ dường như nắm được tâm lý lo ngại của phương Tây, đặc biệt các nước châu Âu sát sườn Nga, về nguy cơ chiến tranh hạt nhân toàn diện. Đó cũng là lý do tới nay phương Tây rất thận trọng về việc gửi vũ khí sát thương tầm xa cho Ukraine.
Bất kể không thực sự dùng vũ khí hạt nhân trong chiến đấu, một động tác thử nghiệm của Nga cũng được xem là bước ngoặt đáng sợ cho xung đột Nga - Ukraine.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận