“Vào năm 1990, tôi và các cộng sự dự đoán tuổi thọ trung bình sẽ chậm lại và tác động của các biện pháp can thiệp y tế sẽ ngày càng ít ảnh hưởng tới tuổi thọ con người”, giáo sư Olshansky cho biết.
Trong nghiên cứu này, ông Olshansky cho rằng trung bình trẻ em hiện nay có thể sống đến 85 tuổi. Chỉ 1-5% trong số đó sống được đến 100 tuổi, theo Đài CNN.
Giáo sư Olshansky cho biết điều này dường như là một thực tế đáng buồn, vì hầu hết mọi người đã quen với các dự đoán như 50% trẻ em có thể sống đến 100 tuổi.
Kết quả nghiên cứu của ông đã vấp phải sự chỉ trích của rất nhiều người. Họ phủ nhận quan điểm trên và cho rằng những tiến bộ trong y học sẽ kéo dài tuổi thọ con người.
Tuy nhiên đến năm 2024, nhóm nghiên cứu của ông Olshansky một lần nữa công bố bảng phân tích chứng minh cho giả thuyết của mình.
Cụ thể ông Olshansky và các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu tuổi thọ từ một số quốc gia trên thế giới như Úc, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Mỹ.
Kết quả được công bố vào ngày 7-10 trên tạp chí Nature Aging chỉ ra khoảng 5,1% các bé gái sinh vào năm 2019 tại những khu vực trên có cơ hội sống đến 100 tuổi. Trong khi đó tỉ lệ này là khoảng 1,8% đối với các bé trai.
“Chúng tôi đã đợi hơn 30 năm để kiểm chứng giả thuyết của mình. Kết quả là chúng tôi chứng minh được rằng kỷ nguyên tăng tuổi thọ của loài người đã kết thúc, đúng như chúng tôi từng dự đoán”, ông Olshansky cho biết.
Mặt khác ông Olshansky lập luận tuổi thọ của con người vẫn đang tăng, tuy nhiên tốc độ đã chậm hơn so với những thập kỷ trước.
Ông Olshansky cho rằng nhân loại có thể đạt được những bước tiến mới trong việc chống lại bệnh hiểm nghèo, nhưng mấu chốt của vấn đề nằm ở sự lão hóa của tế bào và các cơ quan trong cơ thể.
Khi con người càng già, bệnh tật càng nhiều và bất kỳ bệnh nào cũng có thể trở thành nguyên nhân gây tử vong. Đây là điều không thể tránh khỏi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận