
Dù không nằm trong vành đai lửa Thái Bình Dương, Malaysia vẫn có nguy cơ động đất - Ảnh: IPROPERTY
Theo trang tin The Star ngày 31-3, các chuyên gia Malaysia cảnh báo Malaysia vẫn có nguy cơ chịu ảnh hưởng của động đất dù không nằm trong vành đai lửa Thái Bình Dương, kêu gọi chính quyền và người dân nâng cao cảnh giác.
Luôn cảnh giác động đất
Ông Abd Rasid Jaapar, chủ tịch Viện Địa chất Malaysia, cho biết tuy quốc gia này không nằm trên vùng va chạm của các mảng kiến tạo lớn, nhưng các rung chấn nhỏ đã được ghi nhận trong nhiều thập kỷ qua. Do đó điều quan trọng là phải luôn cảnh giác khi động đất xảy ra ở các nước láng giềng như trận động đất vừa qua ở Myanmar.
Đặc biệt, nguy cơ động đất cao hơn tại bang Sabah do khu vực này gần với các vùng địa chấn hoạt động mạnh, nơi thường xuyên xảy ra va chạm của hai mảng kiến tạo nằm dưới đáy Thái Bình Dương, cũng như các chuyển động dọc theo các đứt gãy đang hoạt động.
Lịch sử cho thấy Malaysia đã từng trải qua các trận động đất mạnh, đặc biệt là ở Sabah với cường độ từ 6,0 - 6,3 độ vào các năm 1923, 1958, 1976 và 2015. Một số trận động đất cũng đã xảy ra ở bán đảo Malaysia, với cường độ từ 1,6 - 4,6 độ trong giai đoạn 1984 - 2013.
Trước cảnh báo này, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Bumiputera Malaysia, ông Datuk Azman Yusoff, cho biết hầu hết các tòa nhà cao tầng mới tại Malaysia trong thập kỷ qua đều được xây dựng theo tiêu chuẩn chống động đất, trong đó có Eurocode 8.
Điểm đáng chú ý của Eurocode 8 là việc sử dụng hệ thống lò xo giảm chấn, cho phép các tòa nhà "cách ly" móng khỏi các chuyển động của mặt đất. Tính linh hoạt này giúp hấp thụ năng lượng địa chấn và làm giảm nguy cơ sụp đổ kết cấu khi động đất xảy ra.
Bên cạnh đó, Tổng giám đốc Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Datuk Khairul Shahril Idrus cho biết Đội cứu trợ và hỗ trợ thảm họa đặc biệt Malaysia (SMART) luôn trong trạng thái sẵn sàng và thường xuyên tổ chức diễn tập ứng phó thảm họa tại các khu vực có nguy cơ cao như núi Kinabalu (ngọn núi cao nhất Malaysia) tại bang Sabah.
Bản đồ nguy cơ động đất và hệ thống cảnh báo sóng thần
Cục Khí tượng Malaysia hiện đang vận hành 80 cảm biến địa chấn để theo dõi và phát hiện động đất. Ngoài ra 83 hệ thống còi báo động sóng thần (SAATNM) đã được triển khai tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng, có khả năng chuyển tiếp cảnh báo động đất trong vòng 8 phút sau khi phát hiện dấu hiệu.
Tiến sĩ Khamarrul Azahari Razak, giám đốc Trung tâm Chuẩn bị và phòng chống thảm họa thuộc Đại học Công nghệ Malaysia (UTM), nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao năng lực phối hợp giữa các cơ quan cứu hộ và đội phản ứng khẩn cấp.
Theo ông, Chính phủ Malaysia cần cân nhắc các chiến lược sơ tán hiệu quả, phối hợp ứng phó nhanh chóng và biện pháp bảo vệ người dân, đặc biệt trong việc di dời lượng lớn dân số đến các khu vực an toàn hơn khi xảy ra thảm họa.
Trước đó vào năm 2015, trận động đất ở Sabah với cường độ 6,0 độ, là trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận tại khu vực này, khiến 18 người thiệt mạng.
Năm 2019, Bộ Khoáng sản và Khoa học trái đất (JMG) đã giới thiệu bản đồ nguy cơ động đất của Malaysia bán đảo, các bang Sabah và Sarawak (đông Malaysia) nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến động đất.
Bản đồ là tài liệu tham khảo cho các thiết kế tòa nhà chống động đất bằng cách phân loại vùng nguy hiểm dựa trên phương pháp gia tốc nền cực đại (PGA), qua đó đảm bảo an toàn hơn cho các công trình xây dựng ở Malaysia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận