Như Tuổi Trẻ Online thông tin, chiều 6-6, tại họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM, ông Lê Văn Tấn - trưởng Phòng công viên cây xanh, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TP) - thông tin về nguyên nhân hàng loạt cây xanh chết khô trên địa bàn quận Bình Tân thời gian qua.
Theo trung tâm, những cây xanh chết khô trên đường Trần Văn Giàu là cây long não. Loài cây có nhược điểm là tính chịu hạn, chịu nhiệt kém, ít thích nghi khi thời tiết nắng nóng gắt, đơn vị chăm sóc cũng đã tăng cường công tác tưới nước bổ sung đã giúp các cây phát triển nhưng một số cây bị suy yếu và không có khả năng phục hồi.
Lý giải chưa thuyết phục
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Nguyễn Minh Thanh - giảng viên cao cấp, Trường đại học Lâm nghiệp Hà Nội - cho biết lý giải của Sở Xây dựng TP.HCM về việc cây long não chết do nắng nóng là chưa thuyết phục.
Ông Thanh cho rằng cây long não là loài cây chứa nhiều tinh dầu, vì vậy lúc mới trồng sẽ "hơi ưa bóng mát", tuy nhiên đây không phải là cây "khó tính".
"Loài cây này có tinh dầu nên bị nắng sẽ ảnh hưởng, nhưng ảnh hưởng nhất là trồng cây đã quá cao, phần đất để ủ cổ rễ mỏng. Từ đó, dẫn tới hiện tưởng thoát hơi nước ở dưới phần rễ.
Trên thì trời nóng, tầng đất ở dưới ít nên bốc hơi cả hai bên, gây nên việc bức xạ nhiệt dẫn tới cây bị chết" - ông Thanh nói.
PGS.TS Nguyễn Minh Thanh cho rằng việc Sở Xây dựng TP.HCM lý giải nguyên nhân cây long não chết khô do trời nóng là "chưa hoàn toàn thuyết phục".
"Còn phải xem các cây này được trồng lâu chưa, trồng như thế nào. Ở Hà Nội, tại đường Phạm Văn Đồng, cây long não trồng rất nhiều nhưng có bị chết đâu, dù cũng nắng nóng.
Quan trọng nhất là phải đảm bảo cổ rễ giữ được độ ẩm, nhưng lại trồng cây to quá nên dẫn tới cây dễ chết. Nếu dưới quan điểm của một nhà lâm nghiệp, chúng tôi sẽ không trồng những cây đã lớn như thế" - ông Thanh nói thêm.
Theo ông Thanh, khi trồng cây đô thị, không chỉ riêng cây long não, cần phải lưu ý chọn mùa trồng cây phù hợp, chọn cây có thể nền tốt và tầng đất nơi trồng cây phải dày, ít xi măng.
"Đặc biệt, trồng cây đô thị không nên trồng cây quá to, vì cành cây tới đâu thì rễ cây phải phát triển tới đó. Nếu những cây có rễ cọc thì khi di chuyển cây đã chặt một phần rễ, nên khả năng bám rễ rất kém, vì thế cây to sẽ dễ chết.
Ngoài ra, việc đóng cọc để chống đổ cây nếu trong thời gian nhất định không tháo bỏ cũng ảnh hưởng tới việc phát triển của rễ cây" - PGS.TS Nguyễn Minh Thanh nói thêm.
Không nên đổ lỗi cho... cây
Theo bạn đọc Long: "Cần kiểm tra lại nguyên nhân cây chết để có biện pháp kỹ thuật chăm sóc phù hợp. Nếu do thời tiết nóng tại sao cây long não ở đường Mai Chí Thọ và đường Võ Văn Kiệt vị trí hai đầu hầm Thủ Thiêm không bị chết? Hay ở đó khí hậu khác?".
Bạn đọc Khai Phong có ý kiến: "Không nên đổ lỗi cho... cây mà nên tìm giải pháp chủ động từ phía cơ quan quản lý.
Khi biết trời nắng nóng thì phải lên kế hoạch chủ động đối phó để bảo vệ cây xanh như mật độ tưới tăng lên bao nhiêu, có nên đặt chế độ tưới nhỏ giọt, bón phân để tăng sức chịu đựng cho cây như thế nào...".
Còn bạn đọc Nguyễn Thanh Hiệp cho rằng: "Không phải đơn giản là tăng cường công tác chăm sóc tưới nước bón phân. Việc cần làm là lựa chọn loại cây thích hợp với tình trạng môi trường mới.
Nên nhớ việc tưới tiêu các cây trong thành phố cũng hao phí lượng nước sạch không ít, nên từ bây giờ phải tính đến chuyện chọn lựa các cây chịu hạn, tái sử dụng nguồn nước thải".
Tài khoản tên Minh viết: "Nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa (được học từ hồi lớp 4), vậy mà đi chọn cây chịu nhiệt kém để trồng. Kết luận lại là có ai chịu trách nhiệm?".
"Cây chịu nhiệt kém mà đưa vào trồng rồi để nó chết, vậy ai đã phê duyệt cho trồng loại cây này gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước? Cần lắm người chịu trách nhiệm" - bạn đọc Lê Hào lên tiếng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận