Cô gái đang thực hiện một động tác trong tập luyện yoga - Ảnh – T.T.D
PGS.TS.BS Phạm Huy Hùng, phó chủ tịch Hội Dưỡng sinh TP.HCM, huấn luyện viên lớp yoga Dưỡng sinh, bệnh viện Y học cổ truyền (TP.HCM), cho biết yoga là một phương pháp luyện tập có nguồn gốc từ Ấn Độ khoảng 5.000 năm trước. Phương pháp này được nhiều quốc gia áp dụng và biến tấu phù hợp với điều kiện từng nước.
Có rất nhiều loại yoga như Hatha Yoga, Ashtanga Yoga, Iyengar Yoga… Hiện nay yoga phổ biến trên khắp thế giới phần lớn là thuộc về nhóm yoga về thể xác (Hatha yoga, yoga thể dục). Nhóm yoga về tinh thần ít phổ biến hơn. Dù là loại yoga nào, thì việc tập đúng cách và những hiệu quả yoga mang lại cho sức khỏe là điều không thể chối bỏ.
Thở đúng cách cực quan trọng
PGS.TS.BS Phạm Huy Hùng cho biết trong tập luyện yoga, quan trọng nhất là phải thở đúng cách. Nếu thở sai cách thì bất cứ ai cũng có thể gặp nguy hiểm, đặc biệt là người già và người có các bệnh về mạch máu.
Theo Đông y, trong chăm sóc sức khỏe con người cốt yếu là "khí huyết lưu thông". Và tập yoga với cách thở sâu giúp khí huyết lưu thông tốt. Do cách hít thở sâu, yoga là phương pháp tập luyện ít tốn thời gian, nhưng mang lại hiệu quả cao.
Trong đó, giữ hơi đúng cách rất quan trọng. Khi hít sâu cơ thể nhận được một lượng lớn dưỡng khí (y học Ấn Độ gọi là prana) rất tốt cho cơ thể.
Sau đó người tập không nên thở ra ngay mà nên giữ hơi theo sức của mỗi người, để tăng thời gian hấp thu dưỡng khí vào máu, rồi theo hệ tuần hoàn đến tất cả các cơ quan trong cơ thể từ các nội tạng đến các tuyến nội tiết, tế bào, giúp bảo đảm chức năng các nội tạng, tuyến nội tiết.
"Thông thường trong lúc giữ hơi, theo bản năng con người sẽ biến thành nín hơi, nén hơi. Nghĩa là người tập sau khi hít vào, đóng thanh quản, nín hơi, lồng ngực hạ xuống khiến áp suất trong lồng ngực tăng lên, máu về tim phổi khó khăn, ứ ra ngoại biên, làm tăng áp lực mạch máu não, nếu bệnh nhân có sẵn bệnh tăng huyết áp hoặc xơ vữa động mạch cảnh thì rất dễ vỡ gây tai biến.
Đó là tai biến mà người xưa gọi là tẩu hỏa nhập ma (xuất huyết não do vỡ mạch máu não) hoặc bán thân bất toại (liệt nửa người )" - PGS.TS.BS Phạm Huy Hùng chia sẻ.
Lúc giữ hơi, người tập phải giữ nguyên lồng ngực nở lớn, mở thanh quản bằng cách liên tục hít vào, cơ hoành vẫn hạ xuống thì áp lực ở trong phổi, trong lồng ngực vẫn âm, máu vẫn lưu thông tốt mà không làm tăng áp lực ngoại vi.
10 lợi ích sức khỏe từ yoga
Yoga là bộ môn kết hợp nhuần nhuyễn giữa cơ thể và trí óc bao gồm những bài tập thể chất kết hợp với thở, với thư giãn để giải tỏa căng thẳng đồng thời làm khí huyết lưu thông. Vì vậy yoga mang đến rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe của con người.
1 - Tiêu hóa
Việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp kích thích sự tuần hoàn máu , giúp tăng hiệu quả của hệ tiêu hóa, đào thải các độc tố bên trong cơ thể, hỗ trợ hoạt động đường ruột được trơn tru, khỏe mạnh. Giúp giải quyết các chứng chậm tiêu, đầy hơi, táo bón ..
2 - Cải thiện giấc ngủ
Tập yoga mỗi ngày đều đặn có thể giúp thúc đẩy giấc ngủ ngon hơn, do đưa lượng oxy nhiều lên não giúp cân bằng hưng phấn ức chế của hệ thần kinh.
3 - Giúp máu lưu thông tốt hơn
Tác dụng chính của yoga giúp cho tuần hoàn máu lưu thông và tác động đến toàn bộ cơ thể; giúp da săn chắc, hồng hào hơn.
4 - Hỗ trợ điều trị cột sống
Yoga có rất nhiều động tác tập ở tư thế nằm, thuận lợi cho cột sống. Do đó phòng và hỗ trợ điều trị các chứng đau lưng, đau cổ gáy, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm giai đoạn bảo tồn nội khoa …
5 - Vóc dáng thon gọn
Việc tập yoga tác động mạnh đến các cơ sau thân, và cơ bụng, hông… giúp cơ thể chuyển hóa các chất tốt hơn. Góp phần giữ vóc dáng gọn gàng, giảm thiểu hiện tượng tích mỡ, béo bụng.
6 - Viêm xoang
Tập yoga kích thích tuần hoàn máu đến các xoang. Giúp bạch cầu, đại thực bào cũng như thuốc vùng xoang nhiều hơn. Bên cạnh đó, những động tác yoga có thể khắc phục được thông đường dẫn khí và làm bong dịch nhầy.
7 - Tinh thần thoải mái
Yoga còn có tác dụng giảm stress, duy trì sự ổn định về tinh thần.
8 - Vấn đề chăn gối
Yoga giúp kích thích tuần hoàn, nuôi dưỡng những tuyến nội tiết, cơ quan ... Các hoạt động của tuyến sinh dục, buồng trứng được bảo đảm và cải thiện chức năng.
9 - Xoa bóp nội tạng
Khi thở sâu, cơ hoành hạ xuống thấp tạo áp xuất rất lớn trong khoang bụng tạo tác dụng xoa bóp nội tạng, máu lưu thông tốt hơn. Thông thường khi con người ngày càng lớn tuổi thì các bộ phận trong cơ thể dễ bị sa do các cơ, dây chằng yếu, giảm trương lực. Tập yoga giúp cơ bụng săn chắc, các nội tạng đỡ bị sa.
10 - Tươi nhuần não bộ
Tập yoga giúp cung cấp một lượng máu lên não dễ dàng, giúp nuôi dưỡng tế bào thần kinh, trung khu thần kinh, tươi nhuận bộ não.
PGS. TS. BS Phạm Huy Hùng cho biết yoga cũng như các môn thể dục, nên tập hàng ngày, vào buổi sáng hoặc chiều, tối để nâng cao sức khỏe.
"Tôi khuyến khích người lớn tuổi tập yoga, tuy nhiên phải được hướng dẫn an toàn bởi người có chuyên môn, đặc biệt họ nên hạn chế các tư thế mạnh có thể gây nguy hiểm.
Bên cạnh đó, người tập yoga cần phải có chế độ ăn dinh dưỡng khoa học, điều này sẽ hỗ trợ rất tốt giúp nâng cao hiệu quả tập yoga." - PGS. TS. BS Phạm Huy Hùng chia sẻ.
Bạn đọc có những bài viết, thắc mắc về sức khỏe người lớn, mẹ và bé, sức khỏe sinh sản, giới tính, bệnh nam khoa, chữa trị hiếm muộn, dinh dưỡng, chấn thương… có thể gửi về email: [email protected]. Phòng mạch Online sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp. Chân thành cám ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận