28/02/2022 14:24 GMT+7

Chuyên gia giải thích về 'kích hoạt lực lượng răn đe hạt nhân' của Nga

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Tổng thống Nga Vladimir Putin trong ngày 27-2 ra lệnh cho các lực lượng răn đe chiến lược trong quân đội Nga (bao gồm vũ khí hạt nhân) kích hoạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu mức cao nhất.

Chuyên gia giải thích về kích hoạt lực lượng răn đe hạt nhân của Nga - Ảnh 1.

Tên lửa đạn đạo Yars của Nga trong một lần duyệt binh trên quảng trường Đỏ - Ảnh: RG

Trạng thái chiến đấu mới mang ý nghĩa gì, ai ra quyết định và quy trình kích hoạt vũ khí hạt nhân ở Nga ra sao? Chuyên gia quân sự độc lập Aleksandr Alesin giải thích trên Đài Current Time.

* Mệnh lệnh của ông Putin có đáng lo ngại? Các lực lượng hạt nhân nào nằm trong tay tổng thống Nga?

Chuyên gia Aleksandr Alesin: Tôi xin chỉnh lại một chút: Các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga thực tế luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Thành phần quan trọng nhất của lực lượng này là hệ thống tên lửa mặt đất di động "Yars", có khả năng từ bất cứ địa điểm nào thực hiện đòn tấn công hạt nhân vào mục tiêu định sẵn.

Thành phần quan trọng thứ hai là tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân. Lực lượng này hiện diện ở các đại dương trên thế giới và cũng trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, đủ sức vô hiệu hoá các đối thủ tiềm năng.

Thành phần thứ ba là máy bay ném bom chiến lược mang tên lửa TU-160 và TU-95M. Chúng được trang bị tên lửa hành trình Kh-55 với tầm bắn 3.500km và Kh-102 với tầm bắn hơn 5.000km.

Trong trạng thái bình thường, một phần các hệ thống tên lửa tuần tra chiến đấu, phần còn lại được nghỉ và bảo dưỡng kỹ thuật. Nhưng kể từ sau mệnh lệnh của Tổng thống Vladimir Putin, theo nguyên tắc, toàn bộ hệ thống Yars sẽ di chuyển vào rừng trên các tuyến tuần tra, các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân sẵn sàng về mặt kỹ thuật đã ra khơi, di chuyển đến khu vực chiến đấu.

Thêm một thay đổi khác sau khi có mệnh lệnh từ tổng tư lệnh tối cao: Bình thường các hệ thống tên lửa tuần tra không có mục tiêu nhắm bắn cụ thể, thì sau khi có lệnh, các mục tiêu đã được nạp vào bộ nhớ của máy tính kỹ thuật số tích hợp đầu đạn. Các mục tiêu này nằm ở các quốc gia NATO và Mỹ.

Phần tiếp theo chỉ là nhập mã phóng tên lửa.

* Ở Nga, quyết định bấm nút hạt nhân được đưa ra như thế nào? Những ai có thể cản ông Vladimir Putin nếu ông bất ngờ muốn bấm nút?

- Liên bang Nga có một hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa, chia làm cấp độ không gian và cấp độ mặt đất. Hệ thống này nhận diện thời điểm tên lửa Mỹ được phóng và đáp trả bằng chính tên lửa Nga. Học thuyết quân sự của Nga cho rằng, xét cho cùng, đây chủ yếu là cuộc tấn công đáp trả hành động xâm lược.

Ví dụ khi cảnh báo không gian được xác nhận bởi dữ liệu tình báo điện tử, hệ thống radar (khi đó đề xuất phóng tên lửa để đáp trả đối thủ) sẽ được trình cho tổng tư lệnh tối cao (Tổng thống Putin). Ông Putin sẽ đưa ra quyết định cùng với tổng tham mưu trưởng - đây là nhân vật thứ hai có khả năng ảnh hưởng đến quyết định.

Chiếc cặp hạt nhân "huyền thoại" thực ra chỉ là thiết bị liên lạc để truyền mệnh lệnh phóng tên lửa chiến lược.

Ngoài ra, Nga còn có một hệ thống gọi là "Perimetr" có khả năng tự hành. Giả sử trong trường hợp Tổng thống Putin không có khả năng quyết định vì lý do nào đó, một cuộc tấn công hạt nhân sẽ được tự động phát động trên cả nước. 

Và sau đó, hệ thống này - còn được gọi là "Bàn tay chết" hoặc "Bàn tay từ quan tài" - có thể tự động phóng tên lửa tín hiệu chỉ huy để kích hoạt toàn bộ tiềm năng hạt nhân của Liên bang Nga.

Lực lượng hạt nhân Nga trong tình trạng báo động cao nhất Lực lượng hạt nhân Nga trong tình trạng báo động cao nhất

TTO - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho lực lượng hạt nhân duy trì tình trạng báo động cao. Trong khi đó, Ukraine tuyên bố đã giành được quyền kiểm soát hoàn toàn Kharkov - thành phố lớn thứ hai đất nước.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Nga Ukraine Putin hạt nhân