Nhiều khu dân cư ở Đà Nẵng chịu cảnh ngập nặng nề-Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Vậy trong tương lai, đô thị miền Trung có lặp lại tình trạng ngập úng như những ngày qua, giải pháp nào giúp dân ứng phó với bất thời của thời tiết?
Mưa 700 mm thì phải ngập
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Văn Chiến - phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ cho biết:
Ông Phạm Văn Chiến-Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Lượng mưa phổ biến cả khu vực bình quân khoảng gần 200mm. Một số nơi mưa đặc biệt to như Đông Hà, Đà Nẵng, Quảng Nam lượng mưa đạt hơn 700mm. Đây là đợt mưa mà nếu tính theo quy luật nhiều năm thì tần suất xảy ra vào thời điểm này không phải là nhiều. Đặc biệt trận mưa ở Đà Nẵng kéo dài nhiều giờ đồng hồ, lượng mưa rất lớn. Tính chất đợt mưa vừa rồi khá đặc biệt.
Cụ thể sự đặc biệt như thế nào, thưa ông?
Trận mưa lớn như vậy tần suất xảy ra ít vào thời điểm này, cường độ mưa tập trung rất lớn trong nhiều giờ gây nên ngập úng ở các khu vực. Khả năng thoát nước không kịp so với cường độ mưa. Đó là điều đặc biệt.
Đợt mưa lần này chủ yếu xảy ra ở đồng bằng, chỉ có khu vực Quảng Ngãi có lượng mưa ở miền núi khu vực phía nam có lượng mưa lớn. Vì vậy lũ trên sông Vệ đạt trên báo động 3, còn các sông khác từ Đà Nẵng trở ra không có lũ lớn.
Trận mưa lớn bất thường khiến Đà Nẵng ngập nặng-Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Đợt mưa này đã gây ra ngập úng cho các đô thị theo dự báo thì đây là đợt mưa lớn bất thường, ông có lời khuyên nào với người dân?
Đối với các khu vực đô thị, các trận mưa có cường độ quá lớn thì xảy ra ngập úng ở vùng thấp trũng do khả năng tiêu thoát nước không kịp. Việc ngập úng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, đi lại của người dân.
Vì thế, đối với người dân trước tiên phải theo dõi tình hình thời tiết, tình hình thực tế tại nơi mình ở, cần chuẩn bị đề phòng khi thấy mưa có cường độ lớn kéo dài hàng giờ liên tục. Nếu tham gia giao thông phải chú ý một số điểm ngập úng vì có rất nhiều công trình đang thi công dở dang, các hố ga có thể bị trôi nắp; hộ dân ở vùng thấp trũng cần di chuyển đồ đạc, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản…
Thiết kế đô thị phù hợp với biến đổi khí hậu
Dưới góc độ chuyên gia, ông khuyến cáo gì với chính quyền các địa phương trong việc xây dựng hạ tầng đô thị, quy hoạch để ứng phó với sự bất thường của thời tiết như hiện nay?
Với tình hình thời tiết ngày càng phức tạp như hiện nay, xuất hiện thời tiết cực đoan. Vì vậy, trong quá trình quy hoạch phải xem xét kỹ đến tình hình thời tiết, tính chất mưa, lượng mưa để có thông số thiết kế cho phù hợp, đảm bảo khả năng tiêu thoát nước khi các trận mưa đặc biệt lớn xảy ra. Nếu thiết kế, quy hoạch đô thị mới thì phải có cao trình phù hợp, tránh những trường hợp cao trình chênh lệch cao-thấp dẫn đến việc không đấu nối được hệ thống thoát nước. Đối với hệ thống thoát nước phải thường xuyên kiểm tra, nạo vét, khơi thông, tráng bị rác hoặc bồi lắng cản trở dòng chảy thoát nước.
Ông Phạm Văn Chiến trả lời báo Tuổi Trẻ Online
Nhiều đô thị ở miền Trung phát triển rất nhanh, diện tích tích đất đô thị, bê tông hóa ngày một lớn, việc san lấp nhiều ao, hồ, sông, suối làm mất đi dòng chảy tự nhiên. Điều này sẽ gây ra tác động như thế nào?
Đương nhiên việc san lấp ao hồ nhiều sẽ làm giảm đi khả năng điều tiết nước. Trước đây, ao, hồ là nơi trữ nước, thoát nước mưa nên khi san lập thì không còn khả năng điều tiết. Vì thế khi quy hoạch đô thị phải tính toán tổng thể làm sao hệ thống cống rãnh thoát nước có khẩu độ phù hợp, đủ số lượng để tiêu thoát nước, giảm bớt ngập úng thay cho hạ tầng cũ là các ao, hồ đã bị san lấp. Nếu đảm bảo đúng thiết kế thì sẽ tiêu thoát hết lượng nước mưa đã được tính trước từ các trận mưa lịch sử.
Khi bê tông hóa rồi thì độ thấm của nước xuống đất bị giảm đi, không còn bao nhiêu nữa. Trước đây nếu bề mặt đất trống thì một phần nước thấm xuống, bổ sung vào dòng chảy ngầm. Khi đã bê tông hóa thì nước tập trung chảy tràn trên bề mặt là chính nên vai trò của hệ thống thoát nước là chủ đạo.
Qua công tác dự báo thời tiết nhiều năm, theo ông lượng mưa bao nhiêu thì các đô thị của miền Trung sẽ chịu tình trạng ngập úng?
Điều đó thì còn tùy theo hạ tầng đô thị lớn hay nhỏ và khả năng tiêu thoát nước của đô thị đó như thế nào? Thường đô thị lớn thì khả năng thoát nước sẽ phức tạp hơn, dễ bị ngập úng cục bộ nhiều hơn. Với Đà Nẵng nếu lưu lượng mưa khoảng 100mm kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ thì chắc chắn tình trạng ngập úng cục bộ sẽ xảy ra rồi. Tính chất các đô thị khác cũng vậy, tùy theo đặc điểm đô thị, hệ thống thoát nước, địa hình bề mặt…
Phố phường của Đà Nẵng ngập chìm trong nước vừa qua - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Dự báo những ngày tới tình hình mưa của miền Trung như thế nào?
Những ngày tới khả năng khu vực sẽ tiếp tục có mưa do ảnh hưởng của không khí lạnh duy trì. Mưa có thể kéo dài trong vài ngày tới, cường độ mưa sẽ giảm so với 2 ngày qua.
Lấp hồ, lấn sông ngập sẽ nghiêm trọng hơn
Kiến trúc sư Phạm Phú Bình (Hội Kiến trúc sư TP Đà Nẵng) đánh giá nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngập úng ở Đà Nẵng xảy ra vào ngày 9-12 là do lượng mưa quá lớn.
"Với lượng mưa trên 500mm lại diễn ra trong thời gian dài ở Đà Nẵng như vừa qua thì hiện tại không có hệ thống thoát nước ở đô thị nào có thể đáp ứng tiêu nước ngay được.
Có thể nhận thấy rằng các điểm ngập úng ở Đà Nẵng vừa xảy ra chủ yếu nằm ở các khu vực sâu trong đô thị, các vùng nằm xa sông, biển. Bây giờ nếu muốn thành phố Đà Nẵng không ngập khi lượng mưa trên 500mm thì phải đầu tư một số tiền khủng để xây dựng hệ thống cống thoát nước.
Nhưng nguồn vốn để làm việc đó hiện nay không có vì vậy biện pháp trước mắt để giảm tình trạng ngập úng khi mưa cực lớn là khơi thông dòng chảy, khớp nối hệ thống cống thoát nước cũ và mới một cách đồng bộ" - kiến trúc sư Bình, nói.
Ông Bình cảnh báo rằng một số khu vực đô thị mới có vị trí gần sông nhưng xảy ra tình trạng ngập úng là có sự bất cập trong thiết kế. "Ngay như ở Hòa Quý trước đây là ruộng đồng, ao hồ được xem là "túi" chứa nước tự nhiên cho cả khu vực phía tây Đà Nẵng khi có mưa. Trong quá trình xây dựng đô thị, chúng ta đã đổ đất nâng nền cao lên từ 3-5m vì vậy "túi" chứa nước tự nhiên bị mất đi.
Điều đáng nói hơn là khi qui hoạch xây dựng chúng ta đã tận dụng quá mức việc khai thác quỹ đất bằng cách lấp hết ao hồ, thu hẹp lưu vực sông. Vì vậy khi mưa lớn đổ xuống thì không còn chỗ để thoát nước và hậu quả là tình trạng ngập úng cục bộ" - kiến trúc sư Bình lý giải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận