Vợ chồng tổng thống Mỹ Joe Biden ở Nhà Trắng ngày 20-1 - Ảnh: REUTERS
Washington được cho là sẽ tập trung củng cố quan hệ đồng minh trong lúc giải quyết khủng hoảng trong nước.
Đánh giá bài phát biểu của ông Biden trong lễ nhậm chức ngày 20-1, các nhà phân tích cho rằng quan hệ giữa Mỹ và đồng minh châu Á sẽ tốt hơn trong thời gian tới, tuy nhiên ưu tiên hàng đầu của Washington sẽ là vấn đề trong nước.
Phép thử của Trung Quốc
Dù vậy, đối với Trung Quốc, ông Biden được dự đoán sẽ giữ cách tiếp cận cứng rắn.
"Tôi nghĩ không có gì phải nghi ngờ rằng chính quyền ông Biden sẽ rất cứng rắn đối với Trung Quốc. Điều đó là rõ ràng vì lưỡng đảng ở Mỹ đang có sự đồng lòng mạnh mẽ rằng đã đến lúc Mỹ đứng lên chống Trung Quốc", nhà cựu ngoại giao Singapore Kishore Mahbubani nhận định trên đài CNBC sau bài phát biểu của ông Biden.
Tương tự, đài Fox News dẫn lời nhà phân tích chiến lược cấp cao Jack Keane đánh giá chính sách đối ngoại của ông Biden liên quan đến Trung Quốc sẽ tương đồng với người tiền nhiệm Donald Trump.
Theo ông Mahbubani, dưới thời ông Trump, dù 2 cường quốc đối đầu kịch liệt trong vấn đề thương mại và công nghệ, Washington đã tìm cách kết nối các nước chống Trung Quốc. Nhưng thách thức của Mỹ vẫn là sức ảnh hưởng kinh tế, chính trị lớn của Trung Quốc tại châu Á.
"Điều quan trọng ở đây là liệu chính quyền ông Biden sẽ lắng nghe các nước trong khu vực trước khi triển khai bất cứ chính sách nào chống Trung Quốc", ông Mahbubani nói.
Bắc Kinh dường như cũng nôn nóng thăm dò chính sách của Mỹ ở châu Á với thông báo trừng phạt 28 quan chức chính quyền ông Trump, bao gồm ngoại trưởng Mike Pompeo, ngay trong ngày đầu nhiệm kỳ của ông Biden.
"Đó có thể là cách thử đo lường quan điểm của chính quyền ông Biden đối với châu Á. Một phản ứng dữ dội sẽ cho thấy một lập trường hiếu chiến hơn của đội ngũ ông Biden", tờ Foreign Policy bình luận.
Báo chí Trung Quốc đưa tin về lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 21-1 - Ảnh: REUTERS
Xoay trục châu Á 2.0
Trong khi đó, giới phân tích châu Á cho rằng quan hệ với Mỹ sẽ không có nhiều kịch tính trong nhiệm kỳ của ông Biden.
"Tôi không ngạc nhiên khi Bán đảo Triều Tiên không có trong bài phát biểu của ông Biden. Có rất nhiều từ ngữ nói về sự đoàn kết, dung thứ dù bất đồng, tôn trọng và cùng nhau đối mặt với các thách thức quốc gia (chính trị và COVID-19). Ông Biden phải ưu tiên những nhiệm vụ khó khăn trong nước này", giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế Celeste Arrington trả lời hãng tin Yonhap của Hàn Quốc.
Thay vào đó, tân tổng thống Mỹ đề cập đến việc "sửa chữa" quan hệ đồng minh và vị thế dẫn đầu của Mỹ trên toàn cầu. Điều đó đồng nghĩa với việc quan hệ giữa Washington và các đồng minh như Hàn Quốc sẽ cải thiện.
Tuy nhiên, nói cách khác, mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên ít khoa trương hơn, được kiểm soát và khó đoán ở mức độ hợp lý và các nỗ lực ngoại giao được điều phối, bền vững và ở mức độ thấp hơn đối với Triều Tiên", bà Arrington nói và cho rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ thấy khó chịu với cách tiếp cận này.
Trên tờ Free Malaysia Today, cây bút A. Kathirasen cũng đánh giá tác động của nhiệm kỳ của tân tổng thống Mỹ Biden sẽ không có nhiều ảnh hưởng lên các nước Đông Nam Á. Thay vào đó, ông Biden, cũng như nhiều người tiền nhiệm, sẽ tập trung hơn vào châu Âu.
Theo ông Kathirasen, châu Á sẽ tiếp tục nghe về chính sách "xoay trục" của Washington dưới thời ông Biden, tuy nhiên sẽ theo một hình thức khác.
"Xoay trục 2.0 sẽ thiên về kinh tế hơn. Quan điểm diều hâu của ông Trump không giúp ích gì còn Trung Quốc, bằng cách tiếp cận quyền lực mềm, đã cắm rễ kinh tế khắp châu Á. Tôi nghĩ ông Kurt Campbell sẽ thuyết phục các công ty Mỹ đầu tư nhiều hơn vào khu vực này", ông Kathirasen nói, nhắc đến quan chức vừa được bổ nhiệm làm điều phối viên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền ông Biden.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận