
Khách hàng nước ngoài tham gia một hội chợ ngành gỗ tại Việt Nam - Ảnh: HAWA
Trong bối cảnh Mỹ đối mặt với lạm phát cao và nguy cơ suy thoái, các chuyên gia tài chính nhận định chính quyền Trump đang chịu áp lực lớn khi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, thị trường tài chính sụt giảm và giá cả hàng hóa leo thang.
Trước tình hình này, Mỹ buộc phải tìm nguồn cung thay thế Trung Quốc, mở ra cơ hội cho ngành đồ gỗ Việt Nam. Ông Trần Việt Tiến - ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Chuỗi cung ứng tương đối hoàn chỉnh
Mỹ hiện đối mặt với lạm phát cao, biểu tình lan rộng và bất đồng nội bộ, khiến Chính phủ phải ưu tiên ổn định giá cả để tránh làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế.
Tuy nhiên thị trường lao động Mỹ đang thiếu hụt nghiêm trọng lao động phổ thông, với tỉ lệ thất nghiệp chỉ 4,2% nhưng nguồn nhân lực phổ thông hạn chế do chính sách siết chặt nhập cư.
Đồng thời, Mỹ tập trung nguồn lực vào các ngành công nghệ cao như sản xuất chip, xe hơi, dược phẩm… là những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao thay vì sản xuất các ngành truyền thống như may mặc, da giày hay đồ gỗ.
Đây là cơ hội để ngành đồ gỗ Việt Nam khẳng định vị thế. Việt Nam sở hữu chuỗi cung ứng sản xuất tương đối hoàn chỉnh, với 50% nguyên liệu từ gỗ rừng trồng trong nước, phần còn lại nhập từ Mỹ (lợi thế xuất xứ) và các nước khác.
Phụ liệu cơ bản phần lớn tự chủ, dù vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc với vải bọc sofa và một phần gỗ ván.
Theo số liệu mới nhất, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất vào Mỹ năm 2024, đạt 8,8 tỉ USD.
Trong khi đó, Trung Quốc (5 tỉ USD, đang chịu thuế cao), Mexico (gần 3 tỉ USD, mạnh về sản phẩm chất mộc và nội thất ngoài trời), Canada (chuyên dòng cao cấp), Indonesia (nội thất gỗ teak ngoài trời), Malaysia và Thái Lan (mạnh về gỗ cao su, thiết kế tốt nhưng quy mô nhỏ).
Doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế với sản phẩm đa dạng, chi phí cạnh tranh, năng lực sản xuất lớn, khả năng OEM/ODM linh hoạt và tuân thủ tốt tiêu chuẩn gỗ hợp pháp.
Nếu thuế suất áp lên đồ gỗ Việt Nam được giữ tương đương với các quốc gia khác, ngành gỗ Việt có thể bứt phá mạnh mẽ, đặc biệt khi Trung Quốc bị áp thuế cao và chuỗi cung ứng toàn cầu đang tìm nguồn thay thế ổn định.
Cân nhắc bán trực tiếp
Trước sự bất định và biến động nhanh chóng của thị trường, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực quản trị rủi ro, xây dựng chuỗi giá trị bền vững, từ khâu trồng rừng, chế biến đến phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Úc và Trung Đông.
Việc lệ thuộc vào đơn hàng FOB khiến doanh nghiệp dễ gặp rủi ro khi thuế suất biến động. Thay vào đó, chuyển sang mô hình B2C/D2C, bán trực tiếp hoặc hợp tác với đối tác bản địa để tiếp cận người tiêu dùng qua các nền tảng như Amazon, Wayfair, Walmart sẽ giúp doanh nghiệp hấp thụ mức thuế tăng mà vẫn giữ giá cạnh tranh.
Chẳng hạn, một sản phẩm FOB 100 USD thường được bán lẻ tại Mỹ với giá 300 - 400 USD; nếu chịu thuế 46 USD nhưng áp dụng B2C/D2C, doanh nghiệp vẫn có thể bảo đảm lợi nhuận và duy trì thị phần.
Để tăng khả năng chống chịu, Việt Nam cần thúc đẩy nhiều doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi phân phối. Với sự chuẩn bị kỹ càng, ngành gỗ và nội thất Việt Nam có tiềm năng trở thành nguồn cung chiến lược, ổn định cho thị trường Mỹ trong những năm tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận