16/11/2018 09:02 GMT+7

Chuyên gia chê phát ngôn của ông Duterte về Biển Đông

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Ông Duterte cảnh báo các cuộc tập trận giữa Mỹ và đồng minh đang tạo ra 'xích mích” ảnh hưởng tới nỗ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông và nên chấp nhận thực tại. Chuyên gia cho rằng phát ngôn đơn phương như thế gây bất lợi cho Philippines.

Chuyên gia chê phát ngôn của ông Duterte về Biển Đông - Ảnh 1.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - Ảnh: AFP

Trong một tuyên bố ngày 15-11, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói Mỹ và các nước khác nên chấp nhận "thực tế" rằng Trung Quốc hiện "sở hữu" một số khu vực tranh chấp ở  để tránh gây căng thẳng trong khu vực, theo Đài CNN.

Tuyên bố trên của ông Duterte được đưa ra khi ông trả lời báo giới trước khi bước vào hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ ở Singapore.

Nhà lãnh đạo Philippines còn thẳng thừng đáp "Không!" khi phóng viên hỏi liệu ông có ủng hộ tập trận quân sự chung ở Biển Đông hay không.

Tuy nhiên, việc tuyên bố Trung Quốc hiện "sở hữu" một số thực thể tranh chấp ở Biển Đông được giới chuyên gia đánh giá là nguy hiểm.

Ông Jay Batongbacal - giám đốc Viện các vụ hàng hải và luật biển Philippines thuộc ĐH Philippines - cảnh báo rằng những bình luận trên có thể sẽ được dùng để gây bất lợi cho Manila.

"Trong phát ngôn đó, ông Duterte đang công nhận trạng thái chiếm đóng hiện tại của Trung Quốc đối với các thực thể tranh chấp. Ông phản đối bất kỳ hành động nào gây ra xích mích với Trung Quốc về vấn đề này. Vâng! Đây là một tuyên bố đơn phương mà có thể được dùng để chống lại Philippines" - ông Batongbacal nhận định.

Trong khi đó, cựu luật sư trưởng của chính quyền Manila, ông Florin Hilbay, nhận xét rằng "thái độ theo chủ nghĩa thất bại của ông Duterte có thể dẫn tới sự công nhận không chính thức đối với trạng thái chiếm đóng của Trung Quốc".

Theo tờ Phil Star của Philippines, nếu Trung Quốc công nhận tuyên bố từ ông Duterte, điều này tức bác bỏ các quyền lợi của Philippines theo phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan hồi năm 2016 về vấn đề Biển Đông.

Quyền chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio trước đó cũng cảnh bảo với vai trò là người đại diện quốc gia việc ông Duterte đưa ra những tuyên bố như vậy sẽ khiến Manila bị ràng buộc trong những tuyên bố này khi đụng tới vấn đề yêu sách chủ quyền.

Nhà lãnh đạo Philippines từng nhiều lần có những phát ngôn gây tranh cãi về vấn đề Biển Đông. Hồi cuối tháng 5, giữa bối cảnh nhiều báo cáo cho biết Bắc Kinh triển khai các vũ khí hiện đại như tên lửa tới quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, ông Duterte lại khẳng định Trung Quốc "là một mối quan ngại nhưng không phải mối đe dọa".

Nhà lãnh đạo Philippines thời điểm đó nói rằng ông có rất ít lựa chọn để đối phó với Bắc Kinh nên không thể làm gì ngoài "hi vọng vào lòng thương của Trung Quốc".

Cũng trong tháng đó, ông Duterte đã hứng nhiều chỉ trích khi nói rằng phán quyết của Tòa án quốc tế ở The Hague (Hà Lan) trong vụ kiện của Philippines không liên quan gì đến nhiệm kỳ của ông. Phán quyết này đã bác bỏ cái gọi là "quyền lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chuyên gia chê phát ngôn của ông Duterte về Biển Đông - Ảnh 2.

Lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc lần thứ 21 ở Singapore hôm 14-11 - Ảnh: AFP

Ông Duterte thừa nhận căng thẳng ngày càng tăng cao giữa Trung Quốc và Mỹ đang khiến ông lo ngại. Trong phát ngôn ngày 15-11, nhà lãnh đạo Philippines nói rằng một cuộc chiến xảy ra ở Biển Đông sẽ đặt Philippines vào vòng nguy hiểm.

"Philippines nằm ngay bên cạnh những đảo đó và nếu nổ súng, quốc gia của tôi sẽ là nước đầu tiên chịu thiệt hại. Đó là mối quan tâm quốc gia duy nhất của tôi ở đó chứ không gì khác", ông Duterte giải thích.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh còn xây các đảo nhân tạo mà nước này chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam và triển khai vũ khí tại đây.

Tại Đối thoại an ninh và ngoại giao Mỹ - Trung mới đây, Washington đã kêu gọi Bắc Kinh "rút các tổ hợp tên lửa khỏi các thực thể tranh chấp ở quần đảo Trường Sa", đồng thời cần "tránh giải quyết tranh chấp bằng những hành vi áp đặt hay đe dọa".

Phát biểu trước các phóng viên ở Singapore tuần này, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng khẳng định Hải quân Mỹ sắp tới sẽ tăng cường hoạt động bên cạnh các cuộc tuần tra tự do hàng hải đang thực hiện ở Biển Đông.

Mỹ cam kết ngăn quân sự hóa ở Biển Đông

TTO - Tại hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định Mỹ tiếp tục duy trì hiện diện và đóng góp đảm bảo hoà bình, an ninh, ổn định, tự do và an toàn hàng hải, không quân sự hoá ở Biển Đông.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên