Với mong muốn làm đẹp, nhiều người thường xuyên tiêm filler để giữ cho khuôn mặt cân đối. Chuyên gia thẩm mỹ cảnh báo lạm dụng tiêm filler có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Tiêm filler liên tục biến chứng thế nào?
Mới đây, một cô gái trẻ 26 tuổi làm việc tại Quảng Ninh nhập viện trong tình trạng má sưng đỏ, đau nhức. Theo lời cô kể, định kỳ 6 tháng đến một năm, cô lại tiêm filler một lần để làm căng da, trẻ hóa khuôn mặt. Ở lần tiêm gần nhất, cô tiêm filler vào má trái. Chỉ vài ngày sau, má bị đau nhức, sưng to.
Cô gái đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và được chẩn đoán áp xe má do nhiễm khuẩn, tổ chức mỡ một bên má bị hoại tử. Các bác sĩ nạo mủ ở vùng áp xe, nạo sang cả tổ chức da lành vẫn có một ít dịch filler chảy ra. Một bên má của cô gái không thể trở về bình thường, bị lõm sâu và phải đợi 6-12 tháng mới có thể ghép.
Theo tiến sĩ thẩm mỹ Tống Hải - chủ nhiệm khoa vi phẫu và tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia (Hà Nội) - filler đúng là cuộc cách mạng làm đẹp nhưng nó không “thần kỳ” như nhiều người vẫn nghĩ.
“Filler có thể giúp hỗ trợ hầu hết cho các vấn đề thẩm mỹ nhưng chính vì sự đa dạng, nhiều hãng khiến người dùng hoang mang và đôi khi lựa chọn nhanh để làm đẹp. Điều này dẫn đến rất nhiều biến chứng khi sử dụng sản phẩm giá trị thấp và tiêm số lượng lớn.
Việc tiêm filler liên tục từ 6 tháng đến 1 năm một lần có thể dẫn đến chất làm đầy gây bóc tách liên kết dưới da (do tạo khoang với filler). Về lâu dài sẽ khiến làn da chảy xệ không hồi phục, do đó lại cần tiêm liên tiếp, dẫn tới một vòng luẩn quẩn.
Bên cạnh đó, tiêm filler tuy đơn giản nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Tiêm vào mạch máu có thể dẫn đến tắc mạch một vùng hoặc một cơ quan, gây nhiễm trùng và áp xe vùng tiêm nếu quá trình tiêm không đảm bảo vô khuẩn, gây dị ứng muộn với chất filler. Thậm chí có thể gây tắc mạch, giảm thị lực...”, tiến sĩ Hải nói.
Filler không dùng để nâng ngực, độn mông
Tiến sĩ Hải đặc biệt lưu ý chị em nếu tiêm filler chỉ nên chọn vùng tiêm nhỏ như gốc mũi, môi, thái dương và cằm hoặc tiêm filler trẻ hóa da dạng cách thức như meso. Không được tiêm filler, nhất là số lượng lớn, để nâng ngực, độn mông.
Thực tế không ít trường hợp đã gặp biến chứng nặng nề, thậm chí là tử vong khi tiêm filler nâng ngực.
Tiêm filler nâng ngực có thể dẫn đến nhiều hậu quả, nhẹ thì bệnh nhân bị sưng đỏ, bầm tím, đau, dị ứng (ngứa, phát ban) vùng ngực. Trường hợp nặng nếu tiêm vào mạch máu, động mạch có thể gây tắc mạch và hoại tử mô xung quanh vùng ngực, tuyến vú, núm vú, về sau gây biến dạng vú trầm trọng.
Nếu tiêm vào tĩnh mạch, filler có thể theo về phổi gây thuyên tắc mạch phổi, phù phổi cấp, suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, các nạn nhân có thể bị biến chứng muộn là hoại tử vùng ngực (hoại tử tuyến sữa, mô mềm, da, núm vú), có thể nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong.
Bác sĩ khuyên chị em khi có nhu cầu thẩm mỹ nên đến gặp chuyên gia tư vấn (bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ da liễu thẩm mỹ…), hỏi tất cả các câu hỏi mình thắc mắc, đặc biệt là nguy cơ biến chứng.
Đồng thời, lưu ý lựa chọn cơ sở được cấp phép, bác sĩ có tay nghề kinh nghiệm, chuyên sâu về phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ để làm.
Sau khi làm thủ thuật, chị em cũng cần được theo dõi, chăm sóc chuẩn y khoa, theo dõi những vấn đề nguy cơ gây tác động đến quá trình can thiệp vào cơ thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận