01/12/2018 09:42 GMT+7

Chuyện ghi trên xe buýt màu cam

NHƯ Ý
NHƯ Ý

TTO - Một lần bị người lạ 'quấy rối' ở nơi công cộng cũng có thể thành nỗi ám ảnh, hoảng loạn dài lâu với nhiều phụ nữ. Và điều đáng lo sợ hơn là sự làm thinh của cả phía đàn ông và phụ nữ.

Chuyện ghi trên xe buýt màu cam - Ảnh 1.

Xe buýt 53 đã được trang bị camera trong xe và bên ngoài có nhiều khẩu hiệu, để nhắc nhở mọi người dân hãy cư xử với phụ nữ và trẻ em một cách văn minh - Ảnh: TUYẾT KIỀU

Ngày 28-11, tôi có dịp được tham dự chương trình Hành trình xe buýt màu cam vì phòng ngừa bạo lực, quấy rối với phụ nữ và trẻ em ở nơi công cộng. Ở đó, tôi được nghe nhiều phụ nữ kể chuyện.

Sợ, chịu đựng và im lặng

Chị N.P.A. (nhân viên văn phòng) kể: "Một lần, tầm 10h đêm, một người đàn ông cứ bám riết theo tôi trên đường. Mãi sau, qua gương chiếu hậu tôi mới phát hiện anh ta đang mở khóa quần để khoe... Những chuyện như vậy cũng xảy ra với nhiều cô gái và là nỗi ám ảnh mãi về sau". 

Bạn Lan Phương, sinh viên ở Q.1, kể: ở đường Đinh Tiên Hoàng có một thanh niên thường bỡn cợt nữ sinh bằng từ ngữ tục tĩu. Có lần, anh ta đứng trước một cửa hàng ăn rồi... thoát y. Bảo vệ cửa hàng đến đuổi, người này vẫn không đi. Chuyện lặp lại nhiều lần gây cảm giác bất an, kinh sợ với nhiều cô gái.

Một nữ sinh khác kể chuyện từng bị quấy rối trên xe buýt. "Một lần, trên xe buýt, người đàn ông ngồi gần đã sờ vào ngực tôi. Rất hoảng loạn nhưng tôi chỉ dám hất tay người này ra rồi âm thầm xuống xe ngay trạm kế. 

Lần khác, tôi đi xe khách về quê, ngồi cuối xe chung với mấy người đàn ông. Xe lăn bánh được 20 phút, người đàn ông ngồi cạnh cứ nhìn chằm chằm vào ngực tôi, cố tình ép sát vào tôi. Hơn 10 tiếng đồng hồ trên xe, tôi không dám chợp mắt".

Chị Bình, làm nghề buôn bán, kể một cô sinh viên đã trở nên hoảng loạn sau mấy lần bị đàn ông cố tình đụng chạm vào những nơi nhạy cảm khi đứng trên xe buýt đông người. Sợ, chịu đựng đến mức bị ám ảnh, có dấu hiệu trầm cảm, phải đi gặp các chuyên gia tâm lý.

Một chị trung niên góp chuyện: những chuyện quấy rối này cũng nhiều và không lạ. Tùy mỗi người, họ có thể hoảng loạn hoặc chỉ sốc trong chốc lát rồi thôi. Điều tôi sợ nhất là sự cợt nhả, vô cảm của đám đông đàn ông nhắm vào một phụ nữ. 

Một người chọc ghẹo, vài người nói theo, rồi cười "hô hô, ha ha" rất bất lịch sự. Đôi khi cả nhóm rượu bia vào, không tiếc lời nói xấu một phụ nữ vắng mặt. Những lúc đó, tôi cố đợi coi có anh nào lên tiếng hoặc có hành động bảo vệ phụ nữ - nạn nhân kia, nhưng chưa bao giờ thấy. 

Có thể nhiều anh không đồng tình, không hành xử như vậy nhưng giữa đám đông, họ đã chọn cách làm thinh. Đáng lo sợ nhất là sự làm thinh vô cảm của đàn ông và sự im lặng trong hoảng sợ của những phụ nữ trong cuộc. Sự im lặng này là rào cản của văn minh, tiến bộ.

Đối diện với chuyện xấu

"Cơ quan chức năng cần tuyên truyền lan rộng những chương trình chống quấy rối phụ nữ. Có thể bắt đầu từ những bản tin về những biểu hiện, cách phòng chống nạn quấy rối... ở những nơi công cộng như trạm xe buýt, nhà vệ sinh công cộng. 

Điều này góp phần cảnh báo phái nữ, nhắc nhở những người có ý định "làm xấu". Mỗi người cần có ý thức bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái, không thờ ơ với chuyện khiếm nhã diễn ra ngay trước mắt" - Lan Phương nói.

Bạn gái từng gặp chuyện xấu xa bày tỏ: "Tôi mong trên xe buýt, xe khách, nơi công cộng phải có dán khẩu ngữ về quấy rối. Các quy định xử phạt hành vi này cần được thực hiện nghiêm khắc. Có vậy phụ nữ, trẻ em gái mới được bảo vệ đúng nghĩa".

Những người phụ nữ dặn nhau: cẩn trọng với nơi dễ bị quấy rối như đám đông ở nơi công cộng, chỗ vắng người... Thận trọng với những người có dấu hiệu quấy rối để tránh xa ngay từ đầu. Nếu chẳng may đã bị quấy rối, cố tự trấn an và bình tĩnh. Chỉ có bình tĩnh thì bạn mới có đủ sáng suốt tìm ra những phương cách ngăn chặn hành vi của kẻ quấy rối. 

Đôi khi sự hốt hoảng, sợ hãi sẽ kích thích kẻ quấy rối. Quan trọng nhất là bản lĩnh để đối diện với thực tế. Kẻ quấy rối luôn ở thế bị động. Sự bản lĩnh sẽ khiến chúng sợ và không dám làm bậy.

Gửi một thông điệp văn minh

18,5% phụ nữ từng bị quấy rối tình dục, 11,7% nam giới đã từng có những hành vi quấy rối đối với phụ nữ và trẻ gái nơi công cộng - đây là kết quả khảo sát của "Chương trình thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em gái" tại TP.HCM năm 2017.

Ông Hà Lê Ân, phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, cho biết: từ ngày 28-11, 26 xe buýt màu cam trên tuyến số 53 sẽ có biểu tượng, thông điệp bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Radio trên xe sẽ có chương trình cảnh báo nạn quấy rối tình dục nơi công cộng. Nhà chờ xe buýt ở đường Hàm Nghi (Q.1) được trang trí màu cam - màu đặc trưng của chiến dịch - để nhắc nhở tất cả mọi người hãy cư xử văn minh với phụ nữ và trẻ em.

Đừng thờ ơ với chuyện xấu

26 xe buýt màu cam để tuyên truyền và vận động mọi người có những hành vi, ứng xử văn minh nơi công cộng, tránh nạn quấy rối tình dục phụ nữ và trẻ em được xem là một thông điệp mạnh mẽ, nhân văn.

Theo tôi, việc này cần triển khai đồng bộ ở mọi nơi, môi trường giáo dục, công sở, các nơi công cộng chứ không chỉ trên xe buýt. Quấy rối xảy ra dưới nhiều kiểu: nhắn tin, gửi email, chọc ghẹo, gợi ý, hành động... Làm thế nào để phụ nữ và trẻ gái nhận biết hành vi quấy rối, và xây dựng hàng rào pháp luật là rất cần thiết.

Hiện nay, trừ những hành vi quấy rối để lại hậu quả nặng nề mới bị xử lý hình sự, hầu hết chỉ bị phạt hành chính với mức phạt chỉ từ 100.000 - 300.000 đồng. Những mức phạt này sao đủ sức răn đe?

Quan trọng nhất là chuyện phòng tránh, cần có sự phản kháng, lên tiếng tức thời. Tự mình cứu mình trước khi có người khác đến giúp. Cộng đồng cần chung tay lên án hành vi này, đừng thấy đó là trò vui và lờ đi như không có chuyện gì.

NHẬT DUYÊN

Google sa thải 48 nhân viên vì quấy rối tình dục

TTO - Tổng giám đốc điều hành Google, ông Sundar Pichai, thông báo công ty ông đã sa thải 48 nhân viên trong hai năm qua, nhiều người là nhân sự quản lý vì quấy rối tình dục.

NHƯ Ý
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên