Các em học sinh Trường tiểu học Phước Hội 2, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: Phan Tuyết |
Đọc những bài viết, những lời bình luận của mọi người, bản thân những thầy cô giáo như chúng tôi đều cảm thấy chua xót, đắng lòng, buồn day dứt và đan xen cả cảm giác bất bình.
Tôi chắc chắn rằng những thầy cô giáo nơi trường học đang áp dụng câu chuyện đồng phục giá cao ấy cũng chẳng được nhận dù một đồng tiền thù lao từ việc bán đồng phục.
Chuyện quy định học sinh khi đến trường, quần áo phải đồng phục, dép quai hậu, học thể dục buộc phải mang đồ thể dục và giày bata… nghĩ chẳng có gì là sai, đáng bị lên án.
Nếu nhìn vào đội hình của lớp, của trường, ai thích mặc gì thì mặc, giày dép lại mang đủ kiểu… sẽ thấy rối mắt và xấu vô cùng.
Điều đáng phải lên án là nhà trường bắt phụ huynh mua những bộ đồng phục ấy với giá cao hơn bên ngoài.
Nhưng những khoản tiền chênh lệch, hoa hồng được cơ sở sản xuất trích lại chỉ có một ai đó mới được hưởng lợi mà thôi.
Có những vị hiệu trưởng đã mang danh nhà trường để tư lợi cho riêng mình. Họ lợi dụng chức quyền để biến môi trường giáo dục chung thành nơi kinh doanh kiếm lời cho cá nhân.
Những thầy giáo, cô giáo cũng chẳng liên quan gì nhưng tiếng tăm họ đang phải gánh chịu bởi sự lên án, công kích, mỉa mai đủ điều của dư luận.
Nghĩ thấy cũng thật ấm ức, bất công và oan uổng.
Trong một góc độ khác, tôi muốn chia sẻ câu chuyện của trường tôi - Trường tiểu học Phước Hội 2, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận - cũng bán đồng phục cho học sinh nhưng với một việc làm đầy ý nghĩa.
Cô hiệu trưởng mới về tâm tư: “Nhìn các em mặc đồ đồng phục không đẹp, vải thô cứng mà giờ ra chơi sau khi đùa giỡn thấy các em chảy mồ hôi, áo lại không thấm nước, nhìn thấy thật thương”.
Xuất phát từ tình thương ấy, nhà trường đã đặt đồ đồng phục ở cơ sở may uy tín ở đường Thống Nhất, phường Tân Thiện, thị xã La Gi để bán cho phụ huynh.
Những bộ đồng phục đẹp hơn nhiều so với ngoài chợ nhưng giá thành lại rẻ hơn đến dăm chục ngàn đồng bởi “nhà trường không nhận hoa hồng để hạ giá thành xuống cho phụ huynh”.
Thế là một bộ đồ đầm xanh áo trắng với chất liệu vải mềm, đẹp chỉ có giá từ 98.000-106.000 đồng cho từng khối lớp. Riêng đồ thể dục có mức giá chung là 50.000 đồng/ bộ.
Dù không bắt buộc phụ huynh phải mua, nhưng có lẽ do giá cả quá rẻ, có người mua luôn bốn bộ cho con. Các vị phụ huynh này bày tỏ: “Bốn bộ ở trường bán mới bằng giá hai bộ ngoài chợ thôi”.
Chị Hoa ở phường Phước Lộc có con học lớp 4B năm nay, cầm bộ đồ trên tay phân trần vẻ tiếc nuối: “Hôm cuối năm tôi bận không đi họp phụ huynh nên không biết nhà trường năm nay bán đồng phục học sinh. Tôi lại mới mua đồ ngoài chợ cho con hết 150.000 đồng một bộ nhưng vải thô và ráp, không được đẹp thế này”.
Chị Hòa ở phường Phước Hội có con học lớp 5A nói: “Mấy năm trước tôi toàn mua vải để may cho con, chỉ tiền công một chiếc quần cũng có giá 150.000 đồng. May cả bộ tiền công lên đến 250.000 đồng. Năm nay tôi vào trường mua luôn hai bộ để vừa được giá rẻ, lại vừa đỡ mất công”.
Với chất lượng vải tốt, may đẹp và chắc chắn, giá thành lại rẻ hơn nhiều so với đồ may hoặc mua ngoài chợ, việc tổ chức bán đồng phục ở trường tôi đang được phụ huynh quan tâm và ủng hộ nhiệt tình.
Nếu những vị hiệu trưởng nào cũng xuất phát từ lòng yêu thương học sinh chân thành như thế, chắc chắn sẽ không biến môi trường giáo dục làm nơi kinh doanh để tư lợi riêng mình và mang tiếng xấu cho cả ngành giáo dục.
Xoay quanh câu chuyện đồng phục học sinh, hẳn bạn đọc còn nhiều câu chuyện thú vị để chia sẻ. Hãy gửi email câu chuyện, suy nghĩ của bạn đến email [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận