Cuộc giằng xé trong tình yêu cuồng si, tuyệt vọng giữa các nhân vật đã cuốn hút người xem suốt vở diễn - Ảnh: Tiến Long |
Những vũ công chuyển động trên sân khấu trong một chuỗi động tác u buồn, ngột ngạt nhưng đầy mê hoặc.
Khán phòng chật kín khán giả tuyệt đối không một tiếng động hay ánh sáng phát ra từ màn hình điện thoại di động.
Người xem tự nguyện im lặng và tự nhiên để mình bị cuốn vào những vòng xoáy bất tận của tình yêu và nhục cảm trong hai vở múa Những vì sao đi vắng (Without stars) và Nơi ta từng bên nhau (There we have been) được đoàn múa đương đại James Cousins đến từ Vương quốc Anh trình diễn (*).
Lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Rừng Na Uy của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, biên đạo múa James Cousins đã sáng tạo nên hai vở múa độc đáo và hấp dẫn đủ khiến anh trở thành một trong những gương mặt nổi bật nhất của nghệ thuật múa đương đại thế giới, và là người đầu tiên vinh dự nhận giải thưởng Matthew Bourne - New Adventures (Những cuộc phiêu lưu mới).
Đối với những độc giả trung thành của Rừng Na Uy, vở múa Những vì sao đi vắng thật sự đã là một cuộc tìm lại những day dứt và ám ảnh của những nhân vật gây nhung nhớ một thời. Những chuyển động mạnh mẽ của các vũ công, nét mặt khắc khoải của họ, tiếng nhạc khi buồn bã khi dữ dội, những khoảng ánh sáng bất ngờ đã tạo nên một tổng thể khiến người xem không thể rời mắt.
Trước khi Những vì sao đi vắng ra đời, James Cousins đã gây ấn tượng mạnh mẽ với phần biên đạo tác phẩm Nơi ta từng bên nhau. Chỉ gói gọn trong 17 phút, hai vũ công trên sàn diễn và phần âm nhạc ủ ê, màn trình diễn là một cuộc giữ thăng bằng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vũ công nữ không hề chạm chân xuống sàn diễn dù chỉ một giây, tất cả động tác của cô được thực hiện “trên không”, với sự nâng đỡ của bạn diễn nam.
James Cousins bảo: “Nhà sản xuất tặng tôi cuốn sách Rừng Na Uy vào năm 2011. Tôi đã đọc, nghiền ngẫm nó trong thời gian dài và dường như bị nhấn chìm trong chiều sâu đáng ngạc nhiên của nó. Tôi bị ám ảnh bởi cuộc đấu tranh nội tâm của những người trẻ ở đó, họ từng bên nhau trong những ngày tháng đam mê rực rỡ, rồi lại như những vì sao cứ vắng dần trên bầu trời tuổi trẻ. Nhưng điều làm tôi ám ảnh nhất và quyết định sáng tạo hai vở múa này là vì cái gọi là tình yêu tuyệt vọng. Ở đó anh ấy đã không thể để cô ấy ra đi. Yêu tuyệt vọng có lẽ là kiểu yêu cuồng si, day dứt và khó quên nhất!”.
____________________
(*) Chương trình do Hội đồng Anh tổ chức, diễn ra tại Hà Nội ngày 22-10 và TP.HCM ngày 25 và 26-10, với giá vé mềm không ngờ với khán giả nước ngoài: 100.000-200.000 đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận