Tại hội thảo Chuyển đổi y tế do Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ tổ chức vào ngày 14-6, ông Dương Huy Lương, cục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, đã khẳng định vai trò của y tế tư nhân. Ông cho rằng y tế tư nhân phát triển sẽ tạo một động lực lớn để thúc đẩy các cơ sở y tế công cùng phát triển.
Thị trường chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam rất lớn
Dân số Việt Nam hiện đã hơn 100 triệu dân, đứng thứ 15 trên thế giới. Đáng chú ý, tầng lớp trung lưu chiếm 13% dân số.
Dự báo trong năm 2024, Việt Nam có thêm 4 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu và đến năm 2030 có thêm 23,2 triệu người thuộc nhóm các quốc gia phát triển tầng lớp trung lưu mạnh nhất thập kỷ (2020-2030). Với thu nhập được cải thiện, người dân đang có nhu cầu lớn hơn về chăm sóc sức khỏe, đặc biệt các dịch vụ y tế chất lượng cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Trong đó, khoảng 95% người cao tuổi đang có vấn đề về sức khỏe, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền. Trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc đến 3 bệnh. Chính vì thế, Việt Nam được xem là thị trường chăm sóc sức khỏe rất lớn.
Chia sẻ tại sự kiện, TS.BS Dương Huy Lương, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết: "Việt Nam đang đối mặt với các thách thức từ mô hình bệnh tật kép (bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm) làm gia tăng nguy cơ tử vong, tạo gánh nặng cho xã hội.
Điều này đòi hỏi ngành y tế cần nhanh chóng chuyển đổi và tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của mạng lưới cung ứng từ trung ương đến cơ sở để đáp ứng với sự thay đổi mô hình bệnh tật".
Cũng theo TS.BS Dương Huy Lương, thống kê từ nhiều năm trước cho thấy người Việt Nam mỗi năm sẽ chi khoảng 2 tỉ USD để sang nước ngoài khám chữa bệnh, con số này có thể tăng lên thành 3 - 4 tỉ USD trong thời gian tới.
Do đó, các nhóm giải pháp để hướng đến mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN cần tập trung đẩy mạnh toàn diện trên nhiều yếu tố, từ đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao, đầu tư cơ sở hạ tầng tốt, phát triển y tế chuyên sâu, du lịch y tế kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền, đẩy mạnh chuyển đổi số, nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh, chi phí y tế cạnh tranh,…
Ông Lương cũng cho biết Chính phủ đang khuyến khích các bệnh viện công lập cũng như các bệnh viện tư nhân phát triển thành những trung tâm y tế chuyên sâu, trong đó có bệnh viện đạt tầm ngang tầm khu vực, thế giới.
Bộ Y tế đã xây dựng đề án "Khám, chữa bệnh chất lượng cao thu hút người nước ngoài và người có điều kiện chi trả khám, chữa bệnh ở Việt Nam". Theo đề án này, hệ thống y tế trong nước sẽ phục vụ cho nhiều đối tượng.
Vừa đảm bảo phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân, trong đó có đối tượng yếm thế, người nghèo, đồng thời đáp ứng mọi nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng và kỹ thuật cao.
Chuyển đổi mô hình y tế để đáp ứng nhu cầu của người dân
Phát biểu tại hội thảo, ThS.BS Dilshaad Ali Bin Abas Ali, tổng giám đốc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, cho biết để đáp ứng được nhu cầu của người bệnh, đặc biệt trong bối cảnh dân số gia tăng và ngày càng già hóa, ngành y tế cần chuyển đổi từ mô hình hoạt động tập trung vào bệnh viện sang mô hình "lấy người bệnh làm trung tâm".
Với mô hình mới này, ngành y tế không chỉ tập trung vào trải nghiệm của người bệnh ngay tại bệnh viện mà cần xây dựng một hệ thống có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngay tại nhà thông qua các ứng dụng số. Mô hình này nếu thực hiện thành công sẽ giúp giảm chi phí y tế cho người bệnh.
"Đối với mô hình "lấy người bệnh làm trung tâm", việc thiết kế hệ thống đóng vai trò rất quan trọng vì điều này quyết định sự thành công hoặc thất bại trong nỗ lực đem đến trải nghiệm tốt hơn cho người bệnh.
Cách thức vận hành mô hình chăm sóc tại nhà và tại bệnh viện đòi hỏi sự kết hợp các dữ liệu với nhau, không chỉ liên quan đến logistics, mà còn cả cách chúng ta hiểu và tận dụng sức mạnh của dữ liệu. Đồng thời, chất lượng dịch vụ phải được đo lường và cần xác định rõ những việc cần làm", ThS.BS Dilshaad Ali Bin Abas Ali cho biết.
Hiện Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ đang xây dựng hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe đa thương hiệu, kết hợp sức mạnh của công nghệ dữ liệu để mang đến trải nghiệm xuyên suốt, liền mạch cho người bệnh dù là tại nhà hay tại bệnh viện.
Theo ThS.BS Dilshaad Ali, hệ sinh thái Hoàn Mỹ đang tập trung xây dựng và phát triển các điểm thăm khám đáp ứng nhu cầu đa dạng và khả năng chi trả của người dân.
Trong đó, nhằm mở rộng khả năng tiếp cận y tế đến đại đa số người dân, tập đoàn đang phát triển thêm mạng lưới bệnh viện và phòng khám với thương hiệu Thuận Mỹ nhằm cung cấp các giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện với chi phí hợp lý.
Với các bệnh viện đa khoa và phòng khám đang đặt tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và mục tiêu mở rộng trên toàn quốc, mạng lưới Thuận Mỹ giúp người dân có thu nhập trung bình có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng.
Trong đó, Bệnh viện Thuận Mỹ ITO Đồng Nai sở hữu các chuyên khoa phẫu thuật tay nghề cao trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng. Phòng khám Thuận Mỹ Sài Gòn có hơn 14 chuyên khoa y tế được xây dựng đầy đủ, bao gồm khoa nhi, sản phụ khoa và nội tổng hợp. Ngoài ra, phòng khám còn cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên biệt như sàng lọc toàn diện.
"Tầm nhìn của chúng tôi đến năm 2030 là chuyển tiếp từ vị trí dẫn đầu sang đơn vị kiểu mẫu trong việc định hình văn hóa chăm sóc sức khỏe, hướng về mục tiêu nâng cao sức khỏe và hạnh phúc đến tất cả người dân Việt Nam" - ThS.BS Dilshaad Ali cho biết.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Phan Thanh Sơn - phó chủ tịch điều hành, giám đốc phát triển kinh doanh FPT IS và TS Trần Tùng - chuyên gia cấp cao về bệnh án điện tử FPT IS (thuộc Tập đoàn FPT) - đã có chia sẻ chi tiết về việc ứng dụng công nghệ thông tin và bệnh án điện tử trong công tác khám chữa bệnh giúp truy cập thông tin nhanh, giảm thiểu tài liệu lưu trữ hằng năm cho hệ thống bệnh viện, hỗ trợ các bác sĩ trong việc nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.
Hiện FPT IS đang hỗ trợ Hoàn Mỹ triển khai hệ thống quản lý bệnh viện thông minh và xây dựng hệ thống quản lý bệnh án điện tử thông minh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận