Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho rằng chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia, cung cấp các dịch vụ số với giá rẻ chỉ vài chục ngàn đồng/tháng cho mỗi người dân - Ảnh: T.HÀ
Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng trong phát biểu khai mạc Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT - TT) Việt Nam năm 2020, chiều 14-12.
Với chủ đề "Chuyển đổi số quốc gia: Chia sẻ và kết nối", Diễn đàn cấp cao CNTT - TT Việt Nam năm 2020 (ICT Summit 2020) sẽ diễn ra trong hai ngày 14 và 15-12.
Sự kiện có sự tham gia của trên 2.000 đại biểu trực tiếp và trên 10.000 khán giả theo dõi trực tuyến trên website chương trình tại http://dxdat.vinasa.org.vn, kênh Youtube và Facebook của Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA).
"Mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hãy nhanh chóng hoạch định cho mình một bản chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số" - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc.
Theo khảo sát của VINASA với trên 500 doanh nghiệp, tổ chức tham gia diễn đàn này, ba yếu tố thách thức nhất trong chuyển đổi số gồm: quyết tâm của lãnh đạo tổ chức; chi phí, thời gian, nguồn lực và cách thức chuyển đổi số như thế nào thì phù hợp với tổ chức. Ngoài ra, yếu tố bảo mật an toàn thông tin là yếu tố thách thức có lựa chọn cao thứ tư trong khảo sát.
ICT Summit 2020 có sáu hội nghị chuyên đề xoay quanh việc chuyển đổi số trong sáu ngành và lĩnh vực trọng điểm: nông nghiệp, y tế, logistics, tài chính - ngân hàng, sản xuất công nghiệp và nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) - Ảnh: T.HÀ
Ông Trương Gia Bình, chủ tịch VINASA, cho rằng tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đang mới ở những bước khởi đầu, rất nhiều những băn khoăn và câu hỏi được đặt ra như: Chuyển đổi số sẽ bắt đầu từ đâu, như thế nào, nguồn lực cần chuẩn bị và làm gì để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số?".
"Để giải quyết được những câu hỏi này, cách duy nhất là chúng ta phải hành động, phải kết nối cùng nhau, chia sẻ cùng nhau, khai thác tối đa sức mạnh của những tiến bộ công nghệ để tạo ra những giá trị mới cho xã hội" - ông Bình khẳng định.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng cho rằng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; cần đi từ ứng dụng đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó vươn ra thị trường toàn cầu".
"Doanh nghiệp công nghệ lớn hãy tập trung phát triển hạ tầng và các nền tảng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động, kết nối kinh doanh và đổi mới sáng tạo. Có như vậy mới tạo ra hệ sinh thái ứng dụng và dịch vụ đa dạng, bền vững với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau", thứ trưởng gợi ý.
Trong khuôn khổ ICT Summit 2020, tối 14-12, VINASA sẽ công bố và trao chứng nhận top 10 Doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2020. Đây là chương trình lựa chọn top 10 các doanh nghiệp CNTT có năng lực, uy tín, cung cấp các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ chuyển đổi số trong 15 lĩnh vực đang được quan tâm hiện nay.
Ngày 15-12, sự kiện sẽ tiếp tục diễn ra với sáu hội nghị chuyên đề về chuyển đổi số trong sáu ngành và lĩnh vực trọng điểm: nông nghiệp, y tế, logistics, tài chính - ngân hàng, sản xuất công nghiệp và nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Bên cạnh các tham luận chính của các diễn giả, chương trình còn có triển lãm giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số, hoạt động kết nối cung cầu, tư vấn về chuyển đổi số...
Theo số liệu từ Bộ TT&TT, doanh thu ngành CNTT năm 2019 đạt khoảng 100 tỉ USD, tương đương 1/3 GDP Việt Nam. Trong đó, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT có khoảng 12.000 doanh nghiệp đạt doanh thu 11 tỉ USD. Nhân lực ngành CNTT khoảng 1 triệu lao động với khoảng 250.000 lập trình viên.
Theo Temasek, Bain&Company (2019), kinh tế số của Việt Nam dự kiến vượt 43 tỉ USD vào năm 2025, tăng trưởng nóng nhất trong các lĩnh vực gồm thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận