Chuyển đổi số giúp cho công tác phòng chống dịch ở Đà Nẵng được thuận lợi cho cả người dân lẫn cơ quan chức năng - Ảnh: TẤN LỰC
Thành phố Đà Nẵng thời gian qua đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi số, "hạ tầng phải đi trước một bước" để phát triển chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Để chuyển đổi số mang lại hiệu quả xã hội thì mỗi người dân sẽ trở thành "công dân thông minh".
Ở đó họ đóng vai trò cốt lõi, trung tâm và là đối tượng hưởng thụ chính các thành quả, giá trị, lợi ích mang lại từ chuyển đổi số.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về những kết quả đã đạt được và định hướng lâu dài của công tác chuyển đổi số, ông Trần Ngọc Thạch, phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông thành phố Đà Nẵng, cho biết: chuyển đổi số ở Việt Nam và Đà Nẵng mới "khởi đầu" và triển khai "vừa cấp bách, vừa lâu dài" như Bộ Thông tin và truyền thông xác định "khởi đầu khát vọng cho một thập niên hành động".
Phố - chợ "không tiền mặt" ở Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
* Qua 2 năm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, việc đi lại giao dịch trực tiếp của người dân gặp khó khăn. Theo ông, đây có phải là cơ hội để chúng ta dần dần thay đổi cách thức vận hành các giao dịch xã hội theo hướng số hóa. Thành phố Đà Nẵng đã thích ứng, triển khai được các công việc gì từ việc ứng dụng chuyển đổi số?
- Theo đánh giá, xếp hạng DTI năm 2021 của Bộ Thông tin và truyền thông; nhóm chính quyền số có điểm cao nhất (0,5346) toàn quốc và so với nhóm kinh tế số, xã hội số của Đà Nẵng. Điều này cho thấy hiện tại điểm mạnh nhất của Đà Nẵng là triển khai chuyển đổi số trong chỉ đạo điều hành và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, Đà Nẵng xác định triển khai ứng dụng công nghệ số gồm 3 trụ cột: hạ tầng, dữ liệu và thông minh và trong đó hạ tầng đi trước, đến dữ liệu để triển khai ứng dụng thông minh. Nhờ sự sẵn sàng về hạ tầng và dữ liệu số, Đà Nẵng đã triển khai trên 20 ứng dụng, đặc biệt là kịp thời ngay để thích ứng với phòng chống dịch COVID-19.
Một ví dụ điển hình là ứng dụng giấy đi đường QR Code được triển khai ngay sau 4 ngày; để đáp ứng việc mở một số các hoạt động kinh tế - xã hội (có hạn chế) sau thời gian giãn cách, "ai ở đâu thì ở yên đó".
Riêng phía chính quyền, dựa vào cơ sở dữ liệu đã hạn chế chưa cấp giấy đi đường tại thời điểm cần kiểm soát chặt lây lan dịch bệnh cho khoảng 65% đề nghị vì không đúng đối tượng, phạm vi. Từ đó góp phần giúp thành phố cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trong thời gian mở các hoạt động kinh tế - xã hội.
Sản xuất vi mạch điện tử tại Nhà máy Trung Nam EMS, Khu công nghệ cao thành phố Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
* Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu trong xã hội hiện nay, việc thành phố Đà Nẵng đi đầu trong việc này gặp thuận lợi và khó khăn gì. Mục tiêu của thành phố hướng đến là gì?
- Tầm nhìn, chủ trương được xác định rõ, nhất quán trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, Thành ủy và được thể chế hóa kịp thời trong các văn bản của HĐND, UBND thành phố.
Cam kết và quyết tâm của lãnh đạo thành phố; các cơ chế, chính sách thường xuyên được cập nhật, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn, có nội dung cụ thể hỗ trợ cho triển khai chuyển đổi số.
Đặc biệt, không chỉ triển khai số trong các cơ quan hành chính (chính quyền), Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội phải tiên phong trong chuyển đổi số, góp phần lan tỏa tinh thần chuyển đổi số trên địa bàn được mạnh mẽ, toàn diện hơn.
Ngoài ra, Đà Nẵng đã hình thành nền công nghiệp ICT (các khu công nghệ thông tin tập trung, doanh nghiệp, nhân lực, sản phẩm, thị trường); đặc biệt là tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số cao; ý chí và sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp địa phương đã làm chủ công nghệ và triển khai thành công nhiều sản phẩm thương hiệu Đà Nẵng và từng bước nhân rộng trong cả nước.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang hình thành và phát triển. Thành phố tập trung, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, triển khai khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển trung tâm tài chính vùng... sẽ tạo thêm động lực cho chuyển đổi số.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng gặp phải một số khó khăn như ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong cơ quan Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị, xã hội chưa đồng bộ, tương thích với các cơ quan nhà nước. Một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa xác định cần phải có hệ thống/ứng dụng để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, ngành mình.
Người dân thụ hưởng
Nhận định về ý nghĩa to lớn của chuyển đổi số, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết đó là "động lực mới" tạo đột phá trong phát triển thành phố.
Theo ông Chinh, trong thực tế, Đà Nẵng đã triển khai nhiều ứng dụng sử dụng công nghệ số, dữ liệu số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là phòng, chống dịch COVID-19 chủ động, hiệu quả.
Đà Nẵng đã đạt giải thưởng Thành phố thông minh châu Á và châu Đại Dương (ASOCIO Smartciy) năm 2019; giải thưởng Thành phố thông minh (VietNam Smartciy) duy nhất Việt Nam trong năm 2020 và năm 2021; đồng thời mới đây (ngày 19-10), Bộ Thông tin và truyền thông xếp thành phố đứng đầu nhóm tỉnh thành về chuyển đổi số năm 2021.
Đà Nẵng đứng đầu về chuyển đổi số
"Tuy nhiên, so với nhu cầu của người dân và phát triển của Đà Nẵng, công cuộc triển khai thành phố thông minh và chuyển đổi số mới chỉ "bắt đầu", rất nhiều nhiệm vụ cần phải triển khai trong 5 năm, 10 năm tới.
Vì vậy, việc thành phố vừa ký kết hợp tác với Tập đoàn Viettel - một trong những tập đoàn công nghệ số lớn và có uy tín trong nước và quốc tế, là một trong những bước đi cần thiết, quan trọng trên hành trình chuyển đổi số của thành phố; vừa mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa Đà Nẵng và Tập đoàn Viettel; vừa huy động nguồn lực, kinh nghiệm và phát huy các thế mạnh của Tập đoàn Viettel cùng tham gia giải quyết các bài toán trong phát triển thành phố" - ông Chinh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận